>> Những dấu hỏi sau vụ tranh chấp 1.000 tỷ
>> Gia đình người đàn bà đột tử muốn làm từ thiện trọn 1.000 tỷ
>> Khối tài sản 1.000 tỷ đồng tranh chấp gồm những gì?
>> Vụ tranh chấp 1.000 tỷ đồng: Cãi nhau quanh cái két sắt
Nếu giao tài sản cho người con nuôi, dòng họ bà P. thiệt hại không nhỏ
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Hiền Hà - Giám đốc công ty luật TNHH Hiền - Hà, phân tích: "Theo thông tin hiện tại, bà P. không có chồng, con ruột, cha mẹ ruột của bà P. đã mất, cũng không có cha, mẹ nuôi nên khi bà P. chẳng may đột tử không để lại di chúc, thì khối tài sản đó đương nhiên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật thuộc Điều 675, Bộ luật dân sự 2005".
Luật sư Nguyễn Hiền Hà
Theo điều 676 của bộ luật trên, quy định về hàng thừa kế thì: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Ở đây, hàng thừa kế thứ nhất chỉ có một người là cô L., do đó cô L. là người duy nhất được hưởng thừa kế số tài sản của bà P. chết để lại. Còn anh em của bà P. thuộc hàng thừa kế thứ hai không được hưởng tài sản do bà P. đã mất để lại (vì còn cô L là người ở hàng thừa kế thứ nhất).
Việc anh em bà P. tranh chấp, bắt cô L. gửi tài sản vào ngân hàng và không cho rút ra để sử dụng là không đúng, trừ khi cô L. tự nguyện.
Tuy nhiên, anh chị em ruột của bà P. lại cho rằng toàn bộ số tài sản nói trên của bà P có được một phần cũng nhờ công sức của cả dòng họ. Trong đó, có tài sản của những người ở nước ngoài đã góp vốn làm ăn với bà P.
Do vậy, nếu dựa trên các quy định pháp luật mà giao toàn bộ tài sản cho cô L. thì họ bị thiệt hại không nhỏ. Vì thế, anh chị em ruột của bà P. muốn đưa sự việc ra Tòa án giải quyết.
Về việc này, luật sư Hiền Hà cho rằng, nếu vụ việc được đưa ra tòa, thì anh em bà P. phải tự chứng minh có hay không việc hùn hạp làm ăn với bà P. Và họ có ba cách để chứng minh.
Thứ nhất, họ phải chứng minh cụ thể công sức của dòng họ góp vào. Thứ hai, về việc anh chị em góp vốn cùng làm ăn với bà P., họ phải có giấy tờ xác nhận việc hùn hạp tiền hay tài sản, giấy tờ này phải có chữ ký xác nhận của bà P. mới hợp lệ. Thứ ba, anh em ở nước ngoài gởi tiền về hùn hạp làm ăn thì phải có giấy tờ sao kê của ngân hàng các lần gởi tiền về Việt Nam, nhằm xác định họ đã gởi bao nhiêu tiền, gởi cho ai.
Đồng thời người nhận tiền trong giấy chuyển ngân phải là bà P. Nếu họ nói chuyển ngân cho bà P. theo đường không chính thức (tức chuyển ngân theo đường không hợp pháp), số tiền này sẽ khó được Tòa án chấp nhận.
Luật sư Hiền Hà cũng cho biết thêm: “Việc tranh chấp này liên quan đến khối tài sản rất lớn nên nếu anh em bà P. không có những bằng chứng xác thực chứng minh có góp công sức, có hùn vốn với bà P., hoặc chỉ đưa một số người ra làm chứng là họ có hùn hạp, thì e rằng cũng khó được Tòa chấp nhận”.
UNICEF có quyền từ chối nhận tài sản nếu được tặng
Theo một vài nguồn tin, cô L. từng có ý muốn chia 50% tài sản cho gia tộc bà P. và 50% còn lại mình sẽ hưởng. Bên cạnh đó, một thông tin khác cho rằng, nếu cô L. nhận được quyền thừa kế, sẽ dành một phần tài sản cho tổ chức từ thiện UNICEF Việt Nam.
Ngôi biệt thự bà P. để lại
Trước thông tin này, luật sư Hiền Hà cho biết: "Nếu được thừa hưởng khối tài sản của mẹ theo sự thừa nhận của pháp luật, thì việc ủng hộ toàn bộ tài sản cho bất kì tổ chức nào hay đồng ý chia phần cho anh chị em bà P. hoàn toàn là quyền của cô L".
Nếu cô L. ủng hộ cho quỹ UNICEF Việt Nam, cô có quyền yêu cầu được biết tổ chức này sẽ dùng số tiền đó vào việc gì. Hoặc cô L. có thể lập 1 kế hoạch sử dụng tài sản đó theo ý muốn của cô nhưng nhờ UNICEF thay mặt thực hiện, tức là ủng hộ có điều kiện.
việc UNICEF có đồng ý với yêu cầu của cô L. hay không còn do họ quyết định. Vì UNICEF có quyền từ chối nhận tài sản được tặng, nếu cô L có những những yêu cầu, điều kiện trái pháp luật, hay không phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức này.
Nếu cô L. chỉ đơn thuần tặng tài sản cho UNICEF, thì quỹ này có toàn quyền sử dụng tài sản đó vào hoạt động của tổ chức. Tất nhiên không phải vào các mục đích phục vụ lợi ích riêng của tổ chức, ví dụ như làm quỹ lương, thưởng cho nhân viên...”.
Tuy nhiên, luật sư Hiền Hà cũng nhấn mạnh: “Vụ việc này có được Tòa án thụ lý và đưa ra xét xử hay không còn tùy thuộc vào những chứng cứ mà anh em bà P. có được để làm bằng chứng cho những yêu cầu của họ. Nếu không, cô L. có quyền rút tài sản ra và sử dụng sau khi làm đầy đủ thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Nếu tiếp tục bị ngăn cản, cô L. có thể làm đơn khởi kiện gởi đến Tòa án yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Theo VNN