Xuất hiện đàn cò nhạn quý hiếm ở Quảng Trị

Thứ hai, 11/06/2012, 17:31
Khoảng 1 tháng trở lại đây tại cánh đồng Ruộng Lịch thuộc khu phố 11, thị trấn Gio Linh và xã Gio Phong, huyện Gio Linh, xuất hiện một đàn cò nhạn (có tên trong Sách đỏ VN), khoảng 50 cá thể.

>> Lào Cai: Đàn chim lạ xuất hiện ở Bát Xát
>> Chim lạ lần đầu xuất hiện ở Mường Nhé (Điện Biên)
>> Chim lạ làm tổ, đẻ trong nhà dân




Đàn cò nhạn di cư đến Lai Châu để tìm kiếm thức ăn. Ảnh: TTXVN.
 

Ngày 8/6, ông Nguyễn Văn Hồng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Gio Linh (Quảng Trị), cho biết thông tin trên.

Bước đầu cán bộ kiểm lâm nhận định đàn cò nhạn đã qua mùa sinh sản, nên di cư kiếm ăn, không theo chu kỳ; nếu khu vực này nguồn thức ăn dồi dào, không bị đe dọa săn bắn, bẫy thì cò nhạn sẽ ở lại địa bàn và có số lượng tăng thêm.

Để bảo vệ đàn cò quý hiếm, UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thông báo cho người dân trong khu vực đàn cò nhạn sinh sống biết để bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi săn, bắn, bắt, bẫy cò.

Trước đó ngày 24/4, báo Vnexpress thông tin cũng có đàn cò nhạn di cư tới khu vực Công trình thủy điện Lai Châu nằm trong danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Đàn chim di cư đến địa bàn hai xã Mường Tè, Mường Mô của huyện biên giới Mường Tè đã hơn một tuần. Chúng có chân dài, nhỏ, mỏ nhọn dài, lông màu xám, sải cánh rộng.

Giáo sư Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, đó là loài cò nhạn, còn được gọi là cò ốc, vì nó hay ăn ốc, thuộc họ Hạc, tên khoa học là Anastomus oscitans.

"Loài này nằm trong sách đỏ Việt Nam ở mức nguy cấp, vì nguy cơ tuyệt chủng loài này rất cao", ông Quyền cho hay.

"Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần nghiêm cấm các hoạt động xâm hại vùng trú ngụ, vùng tìm kiếm thức ăn và các hoạt động săn bắn cò nhạn dưới bất cứ hình thức nào", giáo sư Quyền nói.

Cò nhạn thường sống ở các nước trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ở nước ta, cũng chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều. Loài cò này nặng 1-1,2 kg và tương đối hiền lành, nên dễ bị người dân địa phương săn bắn khi chúng kiếm ăn trên đồng ruộng.

Loài này có đặc điểm sống định cư, nhưng do vùng sinh sống và nơi tìm kiếm thức ăn thu hẹp nên chúng phải di cư tới vùng khác.

Cò nhạn sống ở các sinh cảnh khác nhau của các vùng đất ngập nước ngọt như là hồ ao, kênh mương, sông, bải bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn.


Theo Danviet/ VNE

Các tin cũ hơn