30% cán bộ không làm được việc: chỉ là dư luận!

Thứ tư, 20/11/2013, 12:47
Sau phần giải lao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình quay trở lại trả lời câu hỏi của đại biểu Danh Út về tỉ lệ 30% cán bộ công chức (CBCC) không làm được việc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng 20-11 tại phiên trả lời chất vấn - Ảnh chụp qua màn hình

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây chỉ là phản ảnh của dư luận mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại. Nhưng Bộ trưởng cũng xác định đó là đòi hỏi, mong muốn cần cải cách, đổi mới công vụ nhiều hơn. Mà muốn tìm tiếng nói chung thì phải có giải pháp đồng bộ để tổ chức thực hiện để có tiếng nói chung.

Để thực hiện điều này, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, có nhiều vấn đề liên quan bộ máy.

Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án cải cách công vụ công chức từ nay đến 2015. Phần đánh giá CBCC, viên chức trong thời gian qua đã phân cấp các bộ ngành, địa phương nhưng đứng về trách nhiệm quản lý nhà nước thì Bộ nội vụ "cũng có trách nhiệm".

Theo Bộ trưởng, để có tiếng nói chung thì các địa phương, bộ ngành cần thực hiện một số giải pháp như: tinh gọn bộ máy, thực hiện mô tả công việc, bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, hoàn thiện tiêu chí và phương pháp đánh giá CBCC...

Bộ trưởng cho rằng để làm được điều này, trách nhiệm là của chung CBCC, các địa phương, bộ ngành, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị.

Đại biểu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn sáng 20-11. Ảnh chụp qua màn hình

Tinh giảm biên chế: biên chế tăng hơn 20%?

Liên quan đề án tinh giản biên chế cán bộ công chức (CBCC), đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) cho rằng việc tinh giảm đội ngũ CBCC vừa qua không đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Vinh dẫn chứng: số CBCC nghỉ việc từ năm 2010-2012 là hơn 28.000 người, nhưng số tuyển mới lại hơn 69.800 người, tăng 41.719 người. Như vậy số tuyển mới bằng 148% số người nghỉ.

"Trách nhiệm của Bộ nội vụ trước việc CBCC không những không giảm thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện nghị quyết về tinh giảm biên chế ra sao? Trong thời gian tới, Bộ có giải pháp nào để tiếp tục tinh giảm biên chế?", đại biểu Trần Ngọc Vinh chất vấn.

Vấn đề thứ hai theo ông Trần Ngọc Vinh là trong tuyển dụng vẫn còn quá chú trọng vấn đề bằng cấp, các nội dung thi tuyển chưa quan tâm đến thực lực thực tài của người tuyển dụng. Dù Bộ đã thực hiện triển khai nhiều đề án nhưng chất lượng CBCC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công việc, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực thi công vụ.

Vậy trách nhiệm của Bộ trong đào tạo, tuyển dụng, nâng cao chất lượng CBCC, viên chức trong thời gian qua ra sao? Giải pháp nâng cao năng lực CBCC của Bộ trong thời gian tới là gì?

Đại biểu quốc hội tại phiên chất vấn sáng 20-11 - Ảnh chụp qua màn hình

Về câu hỏi tinh giản biên chế nhưng tăng biên chế hơn 20% của đại biểu Trần Ngọc Vinh, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định chủ trương tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng CBCC là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua.

Bộ trưởng cũng thừa nhận biên chế CBCC từ năm 2007 đến 2012 có tăng hơn 15% (hơn 35.900 biên chế) là do việc bổ sung biên chế cho các đơn vị mới được thành lập, các đơn vị mới có thêm chức năng hoặc để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ được giao cho những đơn vị khác nữa. Những lĩnh vực tăng biên chế là: môi trường, đất đai, biển đảo, du lịch, hải quan...

Theo Bộ trưởng, năm 2013 và 2014, biên chế không tăng.

Về việc chú trọng bằng cấp trong thi tuyển CBCC, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói vấn đề bằng cấp nằm trong tiêu chí, quy định về thi tuyển trong các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì để nâng cao chất lượng CBCC trong thi tuyển vừa qua Bộ nội vụ đã có đổi mới trong thi tuyển, 3/5 bài thi tuyển công chức được thực hiện trên máy vi tính.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu nhiều giải pháp sẽ phải tập trung trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu nâng chất lượng CBCC, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ.

"Né" trả lời

Trước đó, đầu buổi sáng, hai đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm rõ vì sao còn tình trạng tồn tại khoảng 30% cán bộ công chức không làm được việc trong bộ máy Nhà nước. Thế nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng nay (20-11), hai đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cùng đặt vấn đề: trong báo cáo của Chính phủ vừa qua có nêu cả nước có 30% cán bộ, công chức không làm được việc, điều đó đúng không? Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này và Bộ trưởng đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa đưa ra câu trả lời. Ông bảo chúng tôi sẽ kết hợp để có nhóm trả lời chung câu hỏi này.

Các đại biểu ngồi phía dưới hội trường tỏ vẻ chưa đồng tình với câu trả lời này của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói Bộ trưởng chưa trả lời rõ vấn đề mà hai đại biểu Huỳnh Nghĩa và Danh Út nêu, đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn sau giải lao.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa còn nhấn mạnh, đã hết nửa nhiệm kỳ làm Bộ trưởng nhưng tôi thấy công việc triển khai của Bộ Nội vụ quá ì ạch, nhiều việc chưa được triển khai và giải quyết, Bộ trưởng cảm nhận và đánh giá như thế nào?

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa đề cập tới trong phần trả lời của mình.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng có chủ trương tinh giản biên chế cán bộ công chức, thế nhưng sau 5 năm, việc này không được thực hiện và thậm chí số cán bộ công chức còn tăng thêm, đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ vấn đề này. Ông Vinh cũng hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ công chức.

Tuy nhiên câu hỏi này cũng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng của Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình quay lại câu hỏi này sau giải lao.

Đầu giờ sáng 20-11, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tiếp tục trả lời một số câu hỏi của đại biểu. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ đăng đàn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tập trung trả lời các nhóm vấn đề:

- Giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm… để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức Hội.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son tập trung trả lời các nhóm vấn đề:

- Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với báo chí nói chung và báo mạng nói riêng trước tình hình an ninh văn hóa diễn biến phức tạp.

- Giải pháp quản lý những trang thông tin điện tử, ngăn chặn tác hại và chấn chỉnh những vi phạm trong việc kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online).

- Trách nhiệm và giải pháp tăng cường quản lý thị trường viễn thông, khắc phục tình trạng sim rác, tin rác, tin quảng cáo rác trên điện thoại di động.

Theo Tuổi Trẻ Online

Các tin cũ hơn