Ngày chất vấn đầu tiên tại quốc hội: 1.200 quả “bom nước” lơ lửng trách nhiệm

Thứ tư, 20/11/2013, 08:07
Chiều 19/11, khai màn phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận được nhiều chất vấn quanh an toàn hồ đập, phá rừng trồng cao su, điệp khúc được mùa mất giá.
Xả lũ thủy điện bản Vẽ, Tương Dương, Nghệ An (ảnh lớn). Ngập lụt và xử lý hậu quả ở miền Trung (ảnh nhỏ). Ảnh: Thúy ngọc - PV

Xả lũ thủy điện bản Vẽ, Tương Dương, Nghệ An (ảnh lớn). Ngập lụt và xử lý hậu quả ở miền Trung (ảnh nhỏ). Ảnh: Thúy Ngọc - PV.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề tại tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều hồ đập, tuy nhiên các hồ này chủ yếu khai thác, mà không bảo trì bảo dưỡng dù đã xuống cấp trầm trọng. “Trận mưa đầu tháng 10 đã làm hai hồ đập ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) gây thiệt hại lớn cho dân. Vậy giải pháp của Chính phủ và Bộ trưởng như thế nào để ngăn ngừa thảm họa do hồ đập gây ra?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận hiện nay có 1.200/6.800 hồ đập có vấn đề cần tu bổ, nâng cấp. Vừa qua chính phủ đã nâng cấp được 500 hồ. Riêng năm 2013 xác định tu bổ 317 hồ, Chính phủ đã bỏ ra hơn 500 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương sửa chữa hơn 90 hồ đập.

ĐB Cao Đức Phát. ảnh: Hồng vĩnh

ĐB Cao Đức Phát. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông Phát cũng cho biết trước mỗi trận bão, Bộ NN&PTNT đều có cảnh báo tới các địa phương về các hồ nguy hiểm để địa phương cử người canh gác và cảnh báo cho người dân. Tuy nhiên một trong những khó khăn trong việc nâng cấp, sửa chữa các hồ đập xuống cấp là thiếu kinh phí, khoảng 3.000 tỷ đồng. “Chúng tôi kiến nghị Quốc hội cần quan tâm và dành kinh phí để sửa chữa các hồ, đập, đảm bảo an toàn cho người dân vùng lũ”, Bộ trưởng Phát nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ trưởng Phát phải làm rõ “vậy 1.200 hồ đập đó có vỡ không? Nếu vỡ thì gay go. Nếu chưa có tiền phải tìm cách báo cáo Chính phủ, Quốc hội để thực hiện”.

ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng để người dân có cuộc sống ổn định khi “sống chung với lũ” phải có chính sách đột phá và có mô hình nhà chống lũ hiện đại. Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời việc này phải do Bộ Xây dựng quyết. “Tuy nhiên trước sức tàn phá của cơn bão Haiyan vừa qua tại Philippines, có thể nói là chúng ta đã rất may mắn khi cơn bão này không đi qua. Nhưng chúng ta không thể may mắn mãi”, ông Phát lo lắng.

Về nhà tránh lũ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng làm rõ thêm.

Ông Dũng cho biết hiện nay cả nước có hai khu vực cần lưu ý là Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay đã bố trí 140 nghìn hộ vào 804 cụm tuyến dân cư bờ bãi có sẵn.

Đối với miền Trung, Bộ Xây dựng làm thí điểm 700 ngôi nhà chống lũ. Mỗi một ngôi nhà có nhà sàn và khung bê tông khoảng từ 10 đến 15 m2. “Đợt mưa lũ vừa qua những nhà làm thí điểm rất an toàn. Chính phủ đang chuẩn bị nguồn vốn để đầu tư cho 40 nghìn hộ xây nhà chống bão”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết, trước sức tàn phá nặng nề của cơn bão Haiyan vừa qua tại Philippines, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch đưa đoàn công tác sang nước bạn để khảo sát. Bộ cũng đang nghiên cứu quy hoạch những đô thị ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu đối với VN trong tương lai.

Trồng cao su vượt 100 nghìn ha

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận quy hoạch phát triển cao su ở Việt Nam đến 2015 dự kiến có 800 nghìn ha nhưng đến nay chúng ta đã có 910 nghìn ha, vượt hơn 100 nghìn ha so với quy hoạch.

Về vấn đề trách nhiệm, Bộ trưởng Phát khẳng định “đương nhiên đó là trách nhiệm quản lý toàn ngành, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chúng tôi chịu trách nhiệm. Tuy nhiên lãnh đạo địa phương cũng phải có trách nhiệm liên đới”. Dù vậy Bộ trưởng Phát tâm tư “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không thể lặn lội đến từng cánh đồng để xác định khu vực đó có nằm trong quy hoạch không”.

Bao giờ hết cảnh “được mùa mất giá”?

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) hỏi: “Khi nào người nông dân hết cảnh được mùa mất giá?”, Bộ trưởng Cao Đức Phát không đưa ra được mốc thời gian cụ thể mà chỉ nói chung chung “Đó là điều chúng ta mong đợi”.

Ông Phát phân tích, lúc nào chúng ta cũng mong sản xuất nông nghiệp được giá, có lợi cho nông dân, nhưng giá cả theo quy luật cung cầu. Nguồn cung của ngành nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, còn phía cầu thị trường phụ thuộc phần lớn vào thị trường thế giới mà thị trường không thể ổn định như mong đợi, luôn phải sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Do đó, Chính phủ luôn theo dõi sát sao để nắm bắt diễn biến cung cầu, phản ứng kịp thời, đảm bảo có lợi nhất cho nông dân và quốc gia.

Về vấn đề vật tư nông nghiệp kém chất lượng, Bộ trưởng Phát khẳng khái “Chính phủ giao cho tôi làm Bộ trưởng, tôi rất cố gắng, dù có chuyển biến nhưng còn chậm. Cho thấy chúng tôi còn phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng lòng mong mỏi của nông dân”.

Theo Tiền phong

Các tin cũ hơn