Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Đường dây nóng sẽ mở 24/24

Thứ tư, 20/11/2013, 16:46
Nhằm chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đáp ứng nhanh những tình huống khẩn cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chiều 18/11, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM với các địa phương thiết lập đường dây nóng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Đường dây nóng sẽ mở 24/24 1
Việc thiết lập đường dây nóng sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Ảnh: Dương Ngọc.
Việc làm cần thiết

Buổi họp đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Đa số các đại biểu đều cho rằng, củng cố lại đường dây nóng tại các bệnh viện là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Nội dung tiếp nhận phản ánh qua đường dây nóng phải là những vấn đề “nóng” như thái độ hách dịch, quát tháo của nhân viên y tế, chậm xử lý tình huống khẩn cấp trong các trường hợp cấp cứu, vòi vĩnh trong quá trình bệnh nhân nằm viện… Ngoài phản ánh những hiện tượng tiêu cực, người dân cũng có thể qua đường dây nóng  phát hiện những nhân tố tích cực trong phục vụ hay khám chữa bệnh.

Số điện thoại của đường dây nóng này sẽ mở 24/24, được dán ở nơi đón tiếp, phòng bệnh. Tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Công ty Viễn thông quân đội Viettel cung cấp số điện thoại đường dây nóng miễn phí, ghi âm các cuộc gọi để có bằng chứng xử lý. Ngoài thông tin đường dây nóng,  ngành y tế còn lắp camera giám sát, hòm thư góp ý, có bộ phận thông tin chăm sóc khách hàng. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm kiểm điểm định kỳ việc thực hiện đường dây nóng.
Một đơn vị phải có 3 số điện thoại đường dây nóng

Sau khi nghe các ý kiến góp ý của các giám đốc bệnh viện, lãnh đạo các Sở y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương không kể trong hay ngoài công lập có trách nhiệm thực hiện chỉ thị này sau khi được ban hành. Các cơ sở y tế phải tăng cường đường dây nóng. Ít nhất một đơn vị phải có 3 số điện thoại đường dây nóng, đó là trực lãnh đạo, giám đốc bệnh viện, trực lãnh đạo các Sở y tế.

Khi nhận được phản ánh, giám đốc bệnh viện đó phải xem xét xử lý theo quy chế dân chủ cơ sở, như phê bình trước cơ quan, cắt các khoản thưởng… hoặc áp dụng những hình thức kỷ luật khác.

Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đường dây nóng trên địa bàn bệnh viện tỉnh, huyện, các cơ sở khám chữa bệnh công lập cũng như tư nhân. Còn người dân có trách nhiệm phản ánh đúng sự thật. Ngoài ra, cần phải tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, thi đua và khen thưởng thường xuyên, kịp thời. Sở Y tế cần phải triển khai đường dây nóng, các trung tâm truyền thông của ngành y tế có trách nhiệm tuyên truyền về vấn đề này đến người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Tới đây, những bệnh viện khi  được xếp hạng hay những thầy thuốc được đưa ra xét duyệt danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú cũng phải tính đến yếu tố này. Những đơn vị để xảy ra tiêu cực gây bức xúc dư luận, không làm hài lòng người bệnh sẽ không được xét duyệt”.

“Chúng ta phải cương quyết củng cố chấn chỉnh lại y đức của người thầy thuốc. Phải coi bệnh nhân là thượng đế, bệnh viện là nơi cung cấp dịch vụ, bệnh nhân là người sử dụng dịch vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
281 cuộc gọi trong tuần đầu tiên

Ngày 7/11 vừa qua, Bộ Y tế đã mở đường dây nóng số điện thoại 0973 306 306 để người bệnh có thể phản ánh những vấn đề cấp bách trong quá trình khám chữa bệnh. “Trong tuần đầu mở số đường dây nóng, Văn phòng Bộ Y tế đã nhận được 281 cuộc gọi. Trong đó có 31,3% cuộc gọi phản ánh đúng theo chức năng của đường dây nóng, còn trên 68,7% các cuộc gọi không có mục đích hay kiểm tra thử xem số điện thoại trên có phải là đường dây nóng của Bộ Y tế hay không”, TS Nguyễn Xuân Trường – Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết.

Theo Giadinh.net.vn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích