Sau sự kiện "nhân bản xét nghiệm" tại BV Hoài Đức (Hà Nội) bị phanh phui, sự thật ngành y tế tuyến dưới đã được phơi bày. Vậy lãnh đạo ngành y tế, cụ thể là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền sẽ làm gì bây giờ?
Nếu nhìn vào thực tế những vụ việc tương tự đã từng diễn ra thì với người tố cáo sau vinh danh sẽ là "địa ngục" (thực tế là gần 100% cán bộ BV Hoài Đức đã làm đơn tố ngược rồi). Một số vị trí của bệnh viện sẽ khuyết nhân sự, theo logic mà ông Trần Trọng Dực – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã nói thì nhiều vị trí không dưới 100 triệu đồng, sẽ được ngã giá.
Điều gì sẽ xảy ra theo phương án này, với trình độ chuyên môn kém, y đức phải gác lại để "thu hồi vốn đã bỏ ra" thì không chỉ mấy chục triệu tiền bảo hiểm y tế bị thất thoát mà nhiều mạng sống của người bệnh sẽ phải trả giá.
Ảnh minh họa. |
Giải pháp nhân bản bệnh viện là sự lựa chọn cần thiết, vậy nhân bản bệnh viện là gì? Trong sinh học có tự nhân đôi nhiễm sắc thể để cho ra tế bào nguyên mẫu. Trong thực tế các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia nhân bản các doanh nghiệp, các bệnh viện nên khi muốn là họ có ngay một doanh nghiệp, một bệnh viện chất lượng cao tương đương nguyên mẫu.
Trở lại chủ đề nhân bản bệnh viện ở Việt Nam, hãy lấy hai bệnh viện để xem xét đó là 1 BV Trung ương đang quá tải (ví dụ BV Bạch Mai) và BV Hoài Đức. Nếu toàn miền Bắc mỗi tỉnh hiện nay chỉ cần có 1-2 bệnh viện mang thương hiệu Bạch Mai và hệ thống xe cấp cứu tốt thì nhiều người sẽ không chết oan và chắc chắn sẽ không còn quá tải bệnh viện. Còn BV Hoài Đức xứng đáng để xoá sổ, thay vào đó là BV Bạch Mai 2.
Phương pháp nhân bản như thế nào? Chúng ta cần chú trọng đạt được là thương hiệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người.
Thương hiệu BV Bạch Mai là của nhân dân Việt Nam, Bộ Y tế toàn quyền sử dụng để phục vụ nhân dân (hiện nay nhiều người lợi dụng xã hội hóa đưa máy móc của cá nhân vào để trục lợi thương hiệu các bệnh viện nhà nước có tiếng). Cơ sở vật chất, các khối nhà bê tông ở tuyến dưới như vậy là đã tạm đủ rồi. Trang thiết bị, tuỳ khả năng kinh phí mà triển khai quy mô khoa phòng, nhưng chắc chắn không thiếu nếu nhìn vào cách chi tiêu hiện nay, hãy mua sắm trang thiết bị đạt chuẩn để phục vụ khám và điều trị.
Vấn đề quan trọng nhất là con người, cách thực hiện như sau, mỗi khoa phòng tại BV Bạch Mai 2 sẽ có 1 BS phó trưởng khoa, 1 vài BS chính có tay nghề, y đức và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, Ban giám đốc chỉ cần 1 phó giám đốc từ BV Bạch Mai về điều hành. Hiện nay tại BV Bạch Mai rất nhiều BS được đào tạo chính quy mong muốn được làm việc không công, nếu cần hãy sử dụng họ để tạo nguồn ngay từ hôm nay.
Tuy nhiên, cơ chế ở đây sẽ khó cho Bộ trưởng Tiến và Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vì BV Bạch Mai thuộc Bộ Y tế, BV Hoài Đức thuộc Hà Nội. Vậy có thể lấy BV Xanh Pôn với thương hiệu và chất lượng khá tốt để nhân bản thay cho BV Bạch Mai sẽ thuận hơn. Với giải pháp đại cục toàn quốc thì nên lấy các BV Trung ương làm nguyên mẫu.
Hãy nhân bản bệnh viện có chất lượng để không còn tình trạng nhân bản xét nghiệm, đó có thể là sự lựa chọn của nền Y tế Việt Nam.
Theo Kienthuc