Trao đổi với PV về căn bệnh này, PGS.TS.BS Trần Anh Tuấn - giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết: Năm nào bệnh đau mắt đỏ cũng xuất hiện nhiều vào những tháng mùa mưa chứ không phải năm nay mới có. Tuy nhiên năm nay số người đau mắt đỏ đến bệnh viện khám có vẻ nhiều hơn so với mọi năm.
PGS.TS.BS Trần Anh Tuấn - giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM |
Thưa PGS, tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ là gì và đường lây bệnh ra sao?
Đau mắt đỏ có tên gọi chính xác là bệnh viêm kết mạc cấp, hay là viêm kết mạc họng hạch. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do Adenovirus gây ra. Khi bị nhiễm Adenovirus, bệnh nhân có triệu chứng giống bị nhiễm siêu vi như hơi nóng sốt, hơi mệt mỏi, nhưng những triệu chứng này rất mơ hồ.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng đặc trưng là đau hạch trước tai (đụng vào rất đau), đau họng giống như viêm họng và đau, đỏ, cộm, xốn cả hai mắt, chảy nước mắt, sưng phù mi nhưng nhìn không bị mờ (bệnh không gây giảm thị lực).
Ngoài ra, dịch tiết (ghèn) ở mắt người đau mắt đỏ thường trong, khác với đau mắt đỏ do vi trùng, do nhiễm trùng thì ghèn thường có mủ, ghèn nhiều và màu vàng.
Tuy nhiên, một số người khi bị đau mắt đỏ lại chùi, chậm, dụi mắt nhiều quá cũng gây trầy trụa giác mạc (tròng đen) và bệnh nhân sẽ bị cộm, xốn, đau mắt rất nhiều, thậm chí mắt mờ hẳn đi, bề mặt giác mạc không còn trơn láng nữa. Khi bị nhìn mờ là bệnh có biến chứng gây tổn thương giác mạc.
Đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt…, do dùng chung khăn mặt với người bệnh, hoặc tay người nào đó có dính dịch tiết đau mắt đỏ của người này đụng vào mắt người khác.
Có phải chỉ viêm kết mạc cấp mới gây mắt đỏ hay còn bệnh nào khác cũng có triệu chứng đỏ mắt như vậy, thưa PGS?
Trong thời điểm hiện nay, có những người bị bệnh gây đỏ mắt khác nhưng khi thấy xung quanh có nhiều người bị đau mắt đỏ thì cứ nghĩ mình cũng bị bệnh đau mắt đỏ mà không đi khám bệnh, nên dẫn đến bệnh càng nặng hơn do không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Do vậy, người dân cần lưu ý để biết và phân biệt với một số bệnh gây đỏ mắt khác.
Có ba bệnh có thể khiến bệnh nhân tưởng mình chỉ là đau mắt đỏ đơn thuần:
Một là bệnh viêm loét giác mạc (còn gọi nhiễm trùng mắt). Bị bệnh này mắt cũng có triệu chứng đỏ nhưng có dấu hiệu nhìn mờ và cộm, xốn rất nhiều. Do vậy, những trường hợp bị viêm kết mạc cấp mà có biến chứng thì cũng đưa sang nhóm bệnh viêm loét giác mạc. Cần lưu ý đặc điểm viêm loét giác mạc thì thường bệnh nhân chỉ bị ở một mắt, hiếm khi bị hai mắt một lúc. Trong khi đau mắt đỏ lại bị cả hai mắt.
Hai là bệnh viêm màng bồ đào, tức viêm màng trong con mắt. Viêm màng bồ đào thường cũng chỉ bị ở một mắt nhưng bệnh có đặc điểm là mắt rất đau, đụng nhẹ lên mi mắt cũng đau thốn mắt, sợ ánh sáng, đau nhức mắt nhiều, nhìn mờ.
Ba là bệnh thiên đầu thống, còn gọi là bệnh cườm nước. Bệnh có đặc trưng là xảy ra ở người trên 50 tuổi và cũng thường chỉ bị một mắt, kèm đau nhức, nhìn mờ, nhức nửa đầu cùng với bên mắt bị đau.
PGS có thể cho biết tình hình đau mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM như thế nào ?
Năm nay bệnh đau mắt đỏ xuất hiện nhiều hơn mọi năm, nhưng hiện số người đau mắt đỏ đã có dấu hiệu chựng lại.
Thống kê của bệnh viện cho thấy những tuần trước trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 230-250 lượt bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ, nhưng những ngày gần đây giảm còn khoảng 200 lượt bệnh nhân/ngày và đa số là bệnh nhân cũ đến tái khám, số ca mới mắc bệnh đã giảm.
So với những năm 1993-1994 thì đợt đau mắt đỏ năm nay ở TP.HCM số ca mắc còn ít hơn nhiều.
Việc điều trị đau mắt đỏ như thế nào, PGS có lời khuyên gì với người bệnh?
Bệnh do Adenovirus gây ra, nên theo y văn thì không điều trị bệnh cũng tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu được điều trị bệnh sẽ khỏi nhanh hơn. Bác sĩ có thể cho nhỏ thêm thuốc kháng viêm để chống bội nhiễm, đỡ phù nề, cần thiết thì cũng có thể cho thêm thuốc uống.
Trường hợp nếu chưa đi khám được, bệnh nhân có thể ra nhà thuốc mua nước muối sinh lý Natriclorid 0,9% hoặc Efticol 0,9% về nhỏ mắt ngày 5-6 lần. Nhỏ nước muối sinh lý có tác dụng như rửa mắt, làm cho mắt sạch, không bị bội nhiễm thêm. Mỗi lần nhỏ từ 6-10 giọt, rồi nhắm mắt lại một lúc. Sau đó dùng bông gòn sạch hoặc khăn giấy sạch thấm nhẹ mắt và vứt đi.
Không nên dùng khăn lau, chậm mắt vì khăn cứ lau đi lau lại nhiều lần, có khi bệnh nhân lại đút túi quần, túi áo rất bẩn, có khi còn làm nhiễm trùng thêm.
Bệnh nhân cần lưu ý luôn rửa tay sạch bằng xà phòng nhiều lần trong ngày cũng như phải rửa tay sạch sẽ trước và sau khi nhỏ thuốc hay nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, để tránh bị lây nhiễm rồi lại quẹt, dụi lên mắt.
Ngoài ra, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc kháng sinh, kháng viêm về nhỏ mắt hay uống khi bị đau mắt đỏ hay lấy toa thuốc của người khác mua thuốc điều trị cho mình.
Nếu mắt đã bị biến chứng (giác mạc bị trầy xước) mà tự ý dùng thuốc kháng viêm corticoid sẽ gây tác dụng ngược là làm chậm lành biểu mô, khiến vi trùng dễ xâm nhập. Nếu dùng thuốc này lâu ngày (không được quá hai tuần) sẽ còn bị tác dụng phụ là tăng nhãn áp, làm giảm sức đề kháng của mắt khiến mắt dễ bị nhiễm trùng, nếu giác mạc đã bị trầy xước sẽ làm bệnh nặng thêm.
Làm thế nào để phòng tránh được bệnh đau mắt đỏ, thưa PGS?
Trong lúc có nhiều người đau mắt đỏ thì nên hạn chế đến chỗ đông người vì chỗ đông người thường dễ có người đang mang mầm bệnh và mình sẽ bị nhiễm phải. Những người đang bị đau mắt đỏ không nên đến chỗ đông người, nên ở nhà nghỉ ngơi để tránh lây lan và để có thời gian nhỏ thuốc.
Nếu nhà có người bị đau mắt đỏ, nên hạn chế nói chuyện và tiếp xúc gần với người bệnh. Người bệnh nên dùng ly riêng khi uống nước vì uống chung ly cũng có thể lây nhiễm virus gây đau mắt đỏ.
Khi tiếp xúc với những người xung quanh, bệnh nhân đau mắt đỏ nên đeo khẩu trang để hạn chế nước bọt bắn ra khi nói chuyện, ho và lây bệnh cho người khác.
Do bệnh dễ lây lan trong môi trường công cộng, đông người như trường học, nhà trẻ, nên khi trẻ bị đau mắt đỏ cần cho bé nghỉ ngơi ở nhà. Cô giáo khi chăm sóc trẻ nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không dùng khăn chung cho trẻ; không dùng thuốc nhỏ mắt của trẻ này để nhỏ cho trẻ khác...
Theo Tuoitre