Bằng "bàn chân kỳ diệu", cậu bé bị liệt đôi tay Nguyễn Ngọc Ký đã viết nên cổ tích đời mình bằng những câu chuyện đầy nghị lực. Ngấp nghé tuổi thất thập, nhà giáo ưu tú nổi tiếng vẫn miệt mài viết văn, tư vấn tâm lý. Và thiên tình sử cảm động của ông cùng hai chị em gái ruột đã trở thành một huyền thoại đẹp.
Luôn tay xoa bóp đôi tay mềm thõng và đôi chân với nhiều những vết kim tiêm do quá trình chạy thận nhân tạo của ông Ký, bà Vũ Thị Đậu bắt đầu chuyện tình của mình bằng tiếng cười nhẹ nhàng:"Đúng là duyên phận, tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày mình sẽ tái giá và càng không nghĩ đến chuyện ngược đời là nên duyên với anh rể của mình".
Quay qua nhìn bà Đậu trìu mến, ông Ký tươi cười tiếp lời:"Được một người vợ hiền hết lòng yêu thương chăm sóc đã là hạnh phúc, cuộc đời mình lại may mắn được đến hai người phụ nữ tuyệt vời bên cạnh".
Từng dòng ký ức của câu chuyện tình cảm động được nối tiếp nhau trong cơn mưa chiều yên ả, tại ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ quận Gò Vấp, TP. HCM. Bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký kiên trì tập luyện để viết bằng chân.
Ông Ký và người vợ hiện tại, vốn là em gái ruột của người vợ đầu. Trước khi qua đời, người vợ đã hết lòng cậy em tiếp duyên chị để đỡ đần sớm tối cùng anh lúc tuổi già. |
Tên tuổi của cậu bé đã nổi tiếng khắp cả nước với hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích học tập xuất sắc. Ngày tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có hẹn gặp riêng Ký, trò chuyện về hướng đi sự nghiệp và hỏi han chuyện vợ con.
Chàng trai trẻ thật thà: "Với điều kiện sức khỏe của mình, cháu lo công tác làm nghĩa vụ bình thường của người cán bộ đã khó. Nếu lấy vợ, phải gánh thêm trách nhiệm làm chồng, làm cha, cháu sợ không đủ sức nên chưa dám nghĩ tới".
Thủ tướng nhẹ nhàng: “Hoàn cảnh của cháu phải xây dựng gia đình càng sớm càng tốt, có vợ có con cháu sẽ thêm nguồn động viên, giúp đỡ đặc biệt không gì bằng" và hứa hẹn "nếu cần sẽ đứng ra mai mối giúp". Lần gặp ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho Ký, mơ ước nhỏ nhoi về hạnh phúc gia đình dần nhen nhóm trong cậu.
Ra trường, ông Ký về lại ngôi trường nơi quê nhà mà ngày xưa ông đạt giải học sinh giỏi Toán quốc gia để giảng dạy. Một lần, người anh kết nghĩa đến nhà chơi, dẫn theo cô em gái vợ Vũ Thị Nhiễu, vốn là cô gái xinh đẹp có tiếng của vùng Hải Hậu, Nam Định.
Nhiễu vừa tốt nghiệp và cũng đang về quê để chuẩn bị trở thành cô giáo. Phút giây đầu tiên gặp gỡ, trái tim đôi trẻ đã như cùng chung nhịp đập, ánh nhìn đã trao gửi bao yêu thương quyến luyến. Sau cuộc hội ngộ đầy vấn vương, ông anh kết nghĩa ra về, hẹn tháng sau sẽ cùng Nhiễu trở lại.
Đúng hẹn, ông anh bận việc không xuống được, cô Nhiễu một mình đạp xe đạp hơn 30 km xuống thăm ông. Mải mê trò chuyện, trời tối, đường xa, lo Nhiễu thân gái dặm trường nên ông Ký ngỏ ý giữ cô ở lại. Trong buổi tối với cảnh khuya tĩnh mịch, những vì sao lấp lánh bên thềm hiên vắng, câu chuyện của hai trái tim vừa nhen nhóm lửa yêu bỗng tâm đầu ý hợp hơn bao giờ hết.
Sáng hôm sau cô gái ra về, mang theo cả tâm trạng chàng trai với bao nhớ thương dịu vợi: "Tối nay hai đứa bên thềm/ Trời không trăng, đất dịu hiền lặng im/ Khuya về thăm thẳm màn đêm/ Vẫn đôi mắt ấy ánh lên sắc hồng/ Đây của em cả tấm lòng/ Muốn dâng anh trọn giữa vòng yêu thương/ Đây của anh cả quê hương/ Muốn dành em hết bốn phương đất trời".
Những bâng khuâng lưu luyến được chàng trai trải lòng qua những lá thư đong đầy yêu thương "Tình ta là một ngọn thơ/ Anh là người thợ say sưa kiếm tìm. Thời gian gạn lọc trái tim/ Biết yêu hẳn có niềm tin vô bờ".
Khi hay tin con gái đem lòng yêu chàng trai tật nguyền, gia đình Nhiễu không đồng ý. Chính cô Đậu bấy giờ vì thương chị đã nhào vào hứng đỡ những trận đòn của bố. Và trước những ngăn cản quyết liệt, cô Nhiễu vẫn vững một lòng tin son sắt: “Dù cho sóng gió phũ phàng/ Lòng em vẫn đứng vững vàng bên anh”.
Ông Ký càng cảm phục gấp bội trước tấm lòng cô gái. Cuối cùng, trước tình yêu tha thiết của đôi trẻ và nhờ lời thuyết phục "liều" của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: "Trên đời này ai cũng chết, chỉ có nhà văn nhà thơ là không chết. Cứ gả Nhiễu cho Ký sẽ không phải khổ đâu", cụ già mới đồng ý.
Ông cụ đã cùng nhà thơ Đoàn Văn Cừ đón xe xuống nhà Nguyễn Ngọc Ký ăn cơm chuyện trò. Và một tháng sau, ngày 26/12/1970 đám cưới diễn ra trong niềm hạnh phúc tột cùng. Người thân, bạn bè hân hoan chúc mừng cho mối duyên đẹp của đôi trẻ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng gửi tặng quà cưới là xấp lụa trắng để cô dâu may áo dài đi dạy, xấp kaki để chú rể may comple đến lớp và tấm cái khăn nhiễu trùng tên cô dâu.
Ba đứa con, hai gái một trai, xinh xắn, ngoan hiền lần lượt ra đời. Hai vợ chồng vừa đi dạy vừa làm kinh tế, nuôi lợn trồng rau để chăm lo các con ăn học thành đạt. Đến năm 1993, ông Ký vào Nam công tác, bà Nhiễu vẫn tảo tần ở quê. Bất thình lình bà bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người.
Ông tức tốc trở về Bắc chăm sóc bà rồi sau đó đưa vào Nam chữa trị. Bảy năm trời bà nằm một chỗ, ông vừa cáng đáng mọi việc để chu toàn kinh tế, vừa là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời, chăm lo miếng ăn giấc ngủ, sát cánh cùng bà chiến đấu bệnh tật.
Trong những giờ phút thập tử nhất sinh trên giường bệnh, bà Nhiễu thường nắm tay cô em gái Vũ Thị Đậu dặn dò: “Nếu chị có mệnh hệ nào thì không có ai chăm anh, cậy em tiếp duyên chị để đỡ đần sớm tối cùng anh lúc tuổi già. Anh ấy tình nghĩa, đức độ, nếu em gắn bó cùng anh ấy thì chị mới yên tâm được”.
Bà Đậu giãy nãy, không đồng ý vì “từ lúc chồng mất, em không bao giờ tính chuyện đi bước nữa, càng không có chuyện em vợ mà đi lấy anh rể ngược đời ấy”. Không an lòng để chồng đơn độc khi mình nhắm mắt xuôi tay, lúc chỉ có riêng ông Ký, bà Nhiễu lại tỉ tê “cái Đậu góa bụa, một thân một mình nuôi con vất vả, mong anh chịu lời em mà bảo bọc mấy mẹ con nó”.
Sau 7 năm kiên cường chống chọi bệnh tật, bà Nhiễu ra đi mãi mãi sau cơn tai biến lần hai. Lời trăng trối dặn dò của bà Nhiễu không được chấp thuận vì con cái của cả ông Ký và bà Đậu đều không đồng ý. Cuối cùng trong một đợt ông ốm nặng dài ngày, con cái bận công việc không thể lo lắng chu toàn cho bố đã nhớ lời dặn dò của mẹ, viết thư nhờ dì Đậu vào Nam chăm bố.
Cơ hội gần gũi đã giúp 2 người thấu hiểu nhau hơn. Được sự ủng hộ vun vén của mọi người, họ quyết định gắn bó, nương tựa vào nhau trong lúc bóng xế tuổi già bằng một đám cưới nhỏ giản dị. Con ông Ký thống nhất gọi bà Đậu là "dì", con bà vẫn gọi ông là "bác".
Hạnh phúc từ cuộc sống riêng đã giúp ông ý thức hơn bao giờ hết giá trị thiêng liêng của gia đình. Và bằng công việc "gỡ rối tơ lòng" qua tổng đài điện thoại trong 10 năm nay, ông đã đứng ra hàn gắn cho hàng nghìn cặp đôi trước nguy cơ đổ vỡ.
Cơn mưa chiều vẫn dai dẳng, tiếng nói cười của đôi vợ chồng già vẫn ấm áp trong nếp nhà nhỏ. Gần 3 năm nay, mỗi tuần ông Ký phải chạy thận 3 lần. Bà Đậu sớm hôm kề cận chăm sóc ông như chị gái đã làm, giúp ông thêm sức mạnh để “gõ phím bằng chân”, hoàn thành những trang cuối cuốn tự truyện xúc động “Tôi học đại học”. Mỗi chuyến được mời đi giao lưu nói chuyện của ông, đều có bóng dáng nhanh nhẹn của bà âm thầm tháp tùng bên cạnh.
Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Ông bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi. Bảy tuổi, ông quyết tâm đến trường, cắn răng chịu đau để luyện tập dùng chân để viết. Ông hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích học tập xuất sắc. Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú. Ông cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân, là tác giả của hơn 30 đầu sách, nổi bật với các sách cho lứa tuổi thiếu nhi. Hiện ông về hưu và sống tại Gò Vấp, TP. HCM. Ở tuổi 67, ông vẫn miệt mài viết sách, là chuyên gia tư vấn tâm lý qua tổng đài điện thoại và là diễn giả của những buổi giao lưu nói chuyện, truyền lửa cho thế hệ trẻ. |
Theo Xahoi