Con của người đồng tính sẽ mang họ ai?

Thứ tư, 25/09/2013, 16:52
Đây là một trong những ý kiến băn khoăn được đặt ra tại phiên thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 24/9.

Đây là một trong những ý kiến băn khoăn được đặt ra tại phiên thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 24/9.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo của Chính phủ khi bỏ quy định cấm trong luật hiện hành và thay bằng “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Đề xuất cho người đồng tính đăng ký sống chung

Tại phiên thẩm tra, nhiều đại biểu nêu câu hỏi, bày tỏ sự băn khoăn và cho ý kiến về việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), luật hiện nay cấm hôn nhân đồng tính, dự thảo đã đưa ra quy định nhẹ nhàng hơn là “không thừa nhận”.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng, cần đặt ra một số vấn đề khi quy định nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa họ. Ví dụ như khi hai người đồng tính sống chung và xin con nuôi thì cháu bé sẽ mang họ của ai? Nếu một trong hai người chết thì giải quyết các vấn đề liên quan thế nào?

Cũng băn khoăn về số phận những đứa trẻ sống trong gia đình người đồng tính, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng đứa trẻ chắc chắn chịu ảnh hưởng lớn. Mặc dù vậy dự thảo mới chỉ quan tâm đến người đồng tính mà chưa quan tâm đến số phận những đứa trẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc bỏ quy định cấm nhưng cũng không thừa nhận thì giống như chúng ta “bỏ ngỏ”. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất, có thể cho những người đồng tính đăng ký sống chung, không cho đăng ký hết hôn. Khi họ không muốn ở cùng nhau có thể xin hủy đăng ký sống chung đó.

dong tinh

Một đám cưới người đồng tính tổ chức tại Hà Nội.

Thận trọng hơn, đại biểu Trần Thị Dung (Ủy ban Pháp luật) cho rằng cần cân nhắc kỹ việc không cấm cũng không thừa nhận nhưng lại đặt ra việc giải quyết những vấn đề pháp lý để giải quyết quan hệ sống chung giữa họ.

Công nhận theo lộ trình?

Phát biểu ý kiến tại phiên thẩm tra, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho hay, một số nước công nhận hôn nhân đồng giới nhưng có lộ trình, đã đi theo các giai đoạn: Nhà nước thừa nhận người đồng tính, tiếp theo là thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, sau đó mới thừa nhận hôn nhân giữa những người này.

Đại biểu Hồ Thị Thủy “chất vấn” Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Có phải chúng ta đang ở giai đoạn 2 như cách mà nhóm các nước thừa nhận theo lộ trình không?”.

16 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới

Tính đến tháng 8/2013, có 16 quốc gia công nhận hôn nhân giữa những người đồng giới, 17 quốc gia dù không thừa nhận hôn nhân nhưng đã thừa nhận việc chung sống có đăng ký giữa những người cùng giới tính.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, vấn đề đồng tính và người đồng tính chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng đang là thực tế ở Việt Nam. Đến nay chưa có điều tra chính thức về số người đồng tính nhưng đã có nhiều trang web, diễn đàn, câu lạc bộ dành cho họ với số lượng thành viên tham gia khá cao.

Các trường hợp đồng tính ở Việt Nam công khai việc sống chung và gia đình họ thừa nhận ngày càng tăng lên. Cộng đồng người đồng tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện mong muốn được Nhà nước công nhận và bảo vệ quyền được sống theo bản dạng giới và khuynh hướng tính dục của mình.

Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật hiện hành cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc họ chung sống như vợ chồng vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình đã tổ chức công khai lễ cưới.

Các cơ quan nhà nước đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này. Việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý về vấn đề này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, việc thừa nhận hôn nhân của người cùng giới tính cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh với bước đi phù hợp.

Trong hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay, xét dưới góc độ văn hóa, quan niệm truyền thống về hôn nhân gia đình, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng tính nhưng cũng không can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục của họ.

Bộ trưởng cho rằng cần tôn trọng việc sống chung giữa họ cũng như thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung.

Theo Giadinh

Các tin cũ hơn