Triều Tiên vừa lên tiếng công kích truyền thông Hàn Quốc vì đã đưa những thông tin “đồi bại” cáo buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh hành quyết 9 nghệ sĩ nước này để bảo vệ danh tiếng cho vợ mình.
Trước khi kết hôn nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cô Ri Sol-ju từng là một ca sĩ trong đoàn nhạc Unhasu. Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đã đưa tin rằng các thành viên của đoàn nhạc này và đoàn nghệ thuật Wangjaesan đã bị hành quyết vì họ bị nghi ngờ làm một băng video khiêu dâm và ông Kim lo ngại rằng điều đó có thể hủy hoại danh tiếng của vợ ông.
Vợ chồng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tờ báo này dẫn lời của một người Triều Tiên đào tẩu cho rằng các cơ quan an ninh Triều Tiên đã nghe lén được những cuộc trao đổi giữa các diễn viên, trong đó có một người nói rằng cô Ri Sol-ju cũng đã từng “vui chơi” trước khi gặp ông Kim.
Một câu chuyện tương tự cũng được đăng tải trên tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cách đây vài tuần. Mặc dù bài báo này không nhắc đến tên bà Ri nhưng họ cho biết cô ca sĩ Hyon Song-wol, người được cho là cựu nhân tình của ông Kim, là một trong những người bị xử tử vì vi phạm luật về văn hóa phẩm khiêu dâm.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã chỉ trích báo chí Hàn Quốc vì đã dẫn lại câu chuyện trên tờ Asahi Shimbun và cho rằng đây là một nỗ lực nhằm bôi nhọ hình ảnh nhà lãnh đạo của nước này. KCNA cho rằng những “kẻ điên” ở Hàn Quốc đang biến mình thành nô lệ của truyền thông với những âm mưu nham hiểm và thông tin thất thiệt.
Chuyên gia về Triều Tiên John Delury ở Đại học Yonsei tại Hàn Quốc nhấn mạnh rằng rất nhiều câu chuyện “hấp dẫn” trên báo chí Hàn Quốc và Nhật Bản về đất nước Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều dựa vào một nguồn thông tin giấu tên duy nhất, thường là từ các cơ quan tình báo.
Ông nhận định: “Những câu chuyện như thế này được đều đặn ‘bơm’ cho báo chí và sau đó được lan truyền nhanh chóng. Cả thế giới đều rất háo hức với các câu chuyện của Triều Tiên, càng có tính khiêu dâm càng tốt. Một số thông tin có thể là thật, nhưng cũng có rất nhiều thông tin là bịa đặt.”
Ông Delury nói: “Các tiêu chuẩn báo chí thông thường bị ném qua cửa sổ với tâm lý ‘Đó là Triều Tiên, chẳng ai biết cái gì đang diễn ra ở đó’.”
Tờ Asahi Shimbun cho biết bài báo này của họ dựa trên những thông tin do một người đào tẩu cấp cao cung cấp, tuy nhiên có vẻ như nguồn tin này đã không trao đổi trực tiếp với tờ báo.
Ông Leonid Petrov, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Úc cho biết ông không hề nghe bất cứ thông tin nào về việc một nhân vật cấp cao của Triều Tiên đào tẩu kể từ năm 1997.
Ông nói rằng mặc dù những người đào tẩu bình thường và những công nhân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài cung cấp rất nhiều thông tin về cuộc sống của người dân bình thường tại đất nước này, tuy nhiên những thông tin về giới lãnh đạo cấp cao thì lại hoàn toàn không có gì.
Ông nói: “Dù vụ việc đó có xảy ra ở Triều Tiên hay không đi nữa thì mọi người vẫn nói rằng đã có một vụ hành hình ở đó, đơn giản là vì không ai có thể kiểm chứng được nguồn thông tin.”
Ông Jiro Ishimaru, biên tập viên của tạp chí Asia Press tại Nhật Bản cho biết: “Một trong những nguồn tin của chúng tôi ở Triều Tiên xác nhận đã có một vụ xử tử tập thể vào ngày 20/8, tuy nhiên chúng tôi cũng nhận được thông tin có vài người nhìn thấy cô Hyon Song-wol sau dịp này.”
Nhiều người nhìn thấy ca sĩ Hyon Song-wol sau vụ xử tử.
Ông Ishimaru cho biết nguồn tin của ông là một người đàn ông có liên hệ với các quan chức an ninh của Triều Tiên, và người này cho biết Triều Tiên có thể đang thực hiện một chiến dịch bài trừ “văn hóa phẩm đồi trụy” do ông Kim phát động từ hồi tháng 6 nhằm tiêu diệt các hiểm họa tiềm tàng đối với chế độ.
Ông Ishimaru nhận định nguyên nhân người ta tung tin đồn về vụ xử tử tập thể của ông Kim bắt nguồn từ một bộ phim tài liệu về Kim Jong-un sản xuất năm 2010 của đài KBS (Hàn Quốc) được sao chép và tuồn vào Triều Tiên qua ngả Trung Quốc. Nguồn tin của Ishimaru cho biết ông ta cũng đã xem bộ phim tài liệu này ở Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã ra lệnh tịch thu các bản sao của bộ phim tài liệu này dưới vỏ bọc ngụy trang là chống văn hóa phẩm khiêu dâm, bởi nếu bộ phim đó được phổ biến rộng rãi ở Triều Tiên, nó có thể gây ra rắc rối lớn cho chế độ.
Mặc dù tờ Chosun Ilbo nói rằng những người bị xử tử trong vụ hành quyết này đều là những nhân vật nổi tiếng nhưng thân phận của hầu hết những người có liên quan vẫn là một ẩn số.
Ông Ishimaru cho biết nguồn tin của ông chỉ có thể xác định được 2 người được cho là nổi tiếng, tuy nhiên không ai trong số đó là cô Hyon. Ông nói: “Có nhiều điều mà chúng ta chưa biết, chẳng hạn như tại sao những người nổi tiếng ở Triều Tiên lại trở thành các mục tiêu chính trị. Tuy nhiên đến nay chúng tôi có thể khẳng định rằng đây không phải là một chiến dịch chống văn hóa phẩm khiêu dâm.”
Sau khi báo chí Nhật Bản và Hàn Quốc đưa tin rằng trang web có những hình ảnh về các màn biểu diễn của đoàn nhạc Unhasu bị đóng cửa và cả hai đoàn nhạc này bị giải tán, ông Ishimaru nhận định: “Điều đó chỉ có thể nói lên rằng có điều gì đó liên quan đến các nghệ sĩ này đã xảy ra, tuy nhiên điều đó không hề liên quan đến phim khiêu dâm.”
Theo Khampha