‘Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm nếu đúng là phải xử bắn’

Thứ năm, 12/09/2013, 08:26
Bức xúc trước vụ việc nhân bản hàng nghìn kết quả xét nghiệm máu ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng tội này là phải xử bắn.

Sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Qua thực tế tiếp xúc cử tri, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, người dân phản ánh đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mà không có tiền thì bị y tá “chích đau hơn”.

Dẫn trường hợp liên quan tới việc trục lợi từ bảo hiểm y tế, coi thường y đức trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức và làm con dấu giả để báo cáo khống ở Thăng Bình (Quảng Nam), Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, ông rất bức xúc. “Bệnh viện tuyến huyện của thủ đô mà nhân bản hàng loạt kết quả, làm như thế nếu đúng là người ta đem ra bắn”, Phó chủ tịch Sơn nói.

Ông cho rằng, nhiều vấn đề liên quan tới khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn nhiều bất ổn, báo cáo giám sát vì thế phải chỉ rõ hơn các bất cập chứ không phải “để lấy lòng nhau”.

nhân bản, bệnh viện, Hoài Đức
Bệnh viện Hoài Đức, nơi xảy ra vụ nhân bản kết quả xét nghiệm gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Chia sẻ với Phó chủ tịch Quốc hội về tình trạng phân biệt đối xử, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho hay, đa phần người có thẻ bảo hiểm y tế đến bệnh viện là than vãn. Số kết dư quỹ bảo hiểm y tế được báo cáo giám sát chỉ ra lên tới 13.000 tỷ đồng chưa chắc đã tốt, bởi nó liên quan đến việc chi trả cho người bệnh.

“Người có thẻ được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực, không được đối xử công bằng như người có tiền”, Phó chủ tịch nước nói.

Ngoài ra, trong việc khám chữa bệnh, ở bệnh viện tuyến dưới xảy ra tình trạng giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng… Tuy nhiên, Phó chủ tịch nước cũng nhìn nhận, bức xúc của ngành y là một quá trình tích tụ từ trước đến nay.

“Nhiều khi đồng chí bộ trưởng (bà Nguyễn Thị Kim Tiến) cũng bị oan ức. Nhưng tại sao tình trạng này để lâu thế, trong khi bộ máy thanh tra, kiểm tra của chúng ta rất lớn?”, bà Doan đặt vấn đề.

Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu thực trạng có huyện “số thẻ bảo hiểm y tế được phát còn cao hơn dân số huyện đó, có cán bộ khoe có 3 cái thẻ, có người 4 thẻ”. “Vậy quản lý của ta như thế nào? Báo cáo giám sát phải làm rõ hơn ở phần chi trả, trùng tên”, ông đề nghị.

Ông cũng đặt vấn đề về tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, tình trạng quá tải ở những bệnh viện chuyên khoa, phải xử lý kỹ thuật cao. Điều này liên quan đến quy hoạch bệnh viện, ví dụ như khu vực miền Trung, Tây Nguyên mới chỉ có bệnh viện ung bướu ở Đà Nẵng…

Nhìn nhận những bất cập của lĩnh vực này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn cho rằng: “Hạn chế thì chắc có rất nhiều. Vài thập kỷ sau vẫn còn nhiều hạn chế”.

Theo bà, ở các nước, Bộ Y tế và An sinh xã hội là một, tức là phải hai bộ (Y tế và Lao động) ghép vào nhau. Bảo hiểm y tế cần quản lý đặc thù nhưng ở Việt Nam lại quản lý chồng chéo. Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền, chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội quản.

“Chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền cũng không đủ”, bà Tiến nêu thực tế.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng, vấn đề an sinh của Việt Nam đã tốt hơn trước cũng như đang tốt hơn nhiều nước. Lộ trình của bảo hiểm y tế cũng chỉ mới được 20 năm trong khi các nước tiên tiến đi trước cả trăm năm nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập, biến động.

Theo báo cáo giám sát, số tiền thu từ bảo hiểm y tế tăng nhanh qua các năm, từ trên 13.000 tỷ đồng (2009) lên trên 40.000 tỷ đồng, tương ứng với số chi cũng tăng mạnh, từ gần 15.500 tỷ lên gần 35.500 tỷ đồng. Việc quản lý quỹ ngày càng hiệu quả, từ chỗ lũy kế bội chi 2009 là 3.083 tỷ đến 2012 kết dư 12.892 tỷ đồng.

Tình trạng trùng thẻ bảo hiểm y tế xảy ra khá phổ biến tại nhiều tỉnh (cá biệt có người nhận được 4-5 thẻ. Giai đoạn 2009-2012 có trên 700.000 thẻ cấp trùng, trong đó Nam Định trùng khoảng 100.000 thẻ, Vĩnh Phúc trên 70.000 thẻ, Hà Nội gần 53.000 thẻ, TP HCM trên 42.000 thẻ…

Theo đoàn giám sát, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định việc lập danh sách các nhóm đối tượng được giao cho nhiều ngành khác nhau, trong khi một người có thể thuộc nhiều nhóm đối tượng, trong khi chưa có cơ chế phối hợp để rà soát danh sách nên khó kiểm soát trùng thẻ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn