"Luật pháp mình mơ mơ màng màng…"

Thứ năm, 12/09/2013, 08:11
Làm việc với TAND tối cao hôm qua, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, đã bày tỏ như vậy trước tình trạng một số vụ án tham nhũng “nhỏ nhỏ” nhưng bị kéo dài khiến dư luận bức xúc.

Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh và ông Trương Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao. Ảnh: Hoàng Trang

Hôm qua, 11/9, đoàn công tác do ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Trưởng đoàn kiểm tra - giám sát của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với TAND tối cao. Đây là một trong 7 đoàn được thành lập theo kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp.

Hủy án vì lọt tội

"Tôi thì không am hiểu nhiều về tòa nhưng tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến".

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư

Báo cáo của TAND tối cao đề cập tới 10 “đại án” tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong thời gian gần đây, trong đó có vụ liên quan đến lãnh đạo các cấp ở TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Vụ án này có 8 bị can bị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm, trong số này nhiều người từng giữ chức vụ cao như phó chủ tịch UBND tỉnh, bí thư, chủ tịch UBND TP…

Tháng 6/2012, TAND TP.Vĩnh Yên đã đưa vụ án ra xét xử nhưng mới đây Chánh án TAND tối cao đã ra kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm, vì xét thấy tòa sơ thẩm đã áp dụng hình phạt quá nhẹ, không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

TAND tối cao cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình xét xử tội phạm tham nhũng vẫn còn không ít thiếu sót. Thứ nhất là việc giải quyết một số vụ án còn để kéo dài. Nguyên nhân là các vụ án rất phức tạp, kẻ phạm tội có trình độ nên thủ đoạn che giấu tinh vi gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong việc đánh giá hành vi, mức độ phạm tội.

Một số bản án, quyết định giải quyết các vụ án tham nhũng bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, do xác định không đầy đủ dấu hiệu tội phạm hoặc không phân biệt được dấu hiệu khác nhau giữa tội phạm này với tội phạm khác.

Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm tham nhũng còn có những hạn chế nhất định.

Giám định tư pháp “vẫn dở dở ương ương”

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, một trong những vướng mắc lớn là còn thiếu các chế tài về giám định. “Hiện nay khâu giám định tư pháp đang tắc vô cùng, các ngành đã gắng rồi nhưng nó vẫn dở dở ương ương, đến bây giờ đôn đốc các cơ quan rất là khó khăn. Nhiều vụ án giám định không biết bao giờ kết thúc, thích thì làm mấy tháng, không thích thì làm năm nọ qua năm kia cũng không ai làm gì được", ông Thanh nói.

Trưởng ban Nội chính T.Ư cũng đưa ra nhận định “vướng mắc thông thường” trong các vụ án tham nhũng hoặc vụ án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng có lẽ là hồ sơ chưa đầy đủ, trả đi trả lại giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Không chỉ các vụ án lớn, phức tạp mà có những vụ “nhỏ nhỏ” cũng trả đi trả lại rồi lên tận cơ quan cấp cao rất mất thời gian.

Dẫn chứng vụ án xảy ra tại Vifon, ông Thanh nói: “Trong vụ này hai ông là Bộ Công thương và Bộ Tài chính không chịu làm nguyên đơn dân sự. Các ông đều có cái lý của mình. Tôi đề nghị anh Trương Hòa Bình cho triệu tập cả hai ông đến tòa với tư cách nguyên đơn dân sự được không? Triệu tập đây không phải là có tội gì đâu mà để làm rõ, lấy lại tiền cho nhà nước cả mấy chục tỉ đồng, nên làm cho dứt điểm vụ này đi, một vụ nhỏ như thế này mà đẩy lên Bộ Chính trị thì tốn thời gian quá”.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND tối cao cho rằng ba ngành tố tụng T.Ư xác định về thành phần tham gia tố tụng nên phải có sự thống nhất với nhau chứ riêng tòa án không quyết được.

Tuy nhiên ông Thanh nói ngay: “Tôi thì không am hiểu nhiều về tòa nhưng tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến. Luật pháp mình mơ mơ màng màng thế chứ ở các nước là nghiêm lắm”.

Ông cũng đề nghị: "Vụ Vifon dù là nhỏ nhưng tôi thấy không đáng phải kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, khiến người dân cảm thấy bị chìm xuồng rồi, do vậy tôi đề nghị đưa vào đợt này làm cho dứt điểm”.

Theo dự kiến, đoàn công tác sẽ làm việc với TAND tối cao từ nay cho đến cuối tháng 9. Sau khi nghe báo cáo tự kiểm tra giám sát của Ban cán sự  Đảng TAND tối cao, đoàn công tác sẽ trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, làm việc trực tiếp với một số đơn vị về công tác xét xử án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng phức tạp.

Xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng

Cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội.

Báo cáo của Thành ủy Hà Nội cho biết, từ 1/1/2011 đến 30/6/2013, Công an TP đã khởi tố điều tra 72 vụ, 186 bị can về tội tham nhũng. Số vụ, bị can đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 53 vụ, 157 bị can. Thanh tra Nhà nước TP đã chuyển 5 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cho Công an TP...

Tại buổi làm việc, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan chức năng của TP như Thanh tra, Kiểm toán, Thuế, Hải quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp kịp thời phát hiện những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; kết quả xác minh nếu đủ chứng cứ, kịp thời khởi tố điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu và các chức danh chủ chốt.

Chỉ đạo chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, đảm bảo đúng quy định pháp luật không để lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan sai.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn