Xung quanh vụ việc nghi vấn nhà sư trụ trì chùa Chân Long (thôn 4, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị dân tố thay tượng cổ bằng tượng mình, người dân xã Chàng Sơn cho biết trong vòng ba năm sư trụ trì Thích Minh Phượng đã thay ô tô hai lần.
Sư thầy hai lần đổi xe ô tô
Sư thầy Thích Minh Phượng đã làm những việc khiến người dân xã Chàng Sơn bức xúc như tự ý thay tượng Phật cổ bằng tượng mới, vứt câu đối, tượng cổ vào góc chùa, rồi đến việc vứt tượng Ngọc Hoàng xuống sông...
Nhưng trên hết, lối sống xa hoa, trần tục của sư thầy Thích Minh Phượng mới khiến người dân địa phương phẫn nộ. Người dân phát hiện trong phòng tắm riêng của sư có keo vuốt tóc, hình nữ nhi khỏa thân, trong phòng bếp còn có vỏ bia chai, bia lon… Và chiếc xe ô tô của sư Phượng cũng khiến nhân dân chú ý.
Theo người dân xã Chàng Sơn, kể từ năm 2010 đến nay thầy Phượng đã đổi hai lần xe. Chiếc xe ô tô trước đây có hiệu KIA, nhà sư mua với giá khoảng 400 triệu đồng. Chiếc xe này có màu xám.
Nhưng sau một thời gian sử dụng chưa được bao lâu thì tới năm 2012 sư thầy lại đổi chiếc xe mới hiệu KIA Morning, màu trắng, giá thành khoảng trên 600 triệu đồng.
Bốn chiếc khóa tại cửa gara chứa xe ô tô của sư Thích Minh Phượng. |
Hiện tại, chiếc xe này vẫn nằm trong gara mà nhà sư xây dựng trong khuôn viên của chùa. Ngày 15/11, sư Phượng có về chùa và muốn lấy chiếc xe mang đi, tuy nhiên người dân không đồng ý và đã ngăn cản. Đến ngày 20/11, theo quan sát của phóng viên, đã có thêm 3 chiếc khóa lớn khóa chặt cửa gara này lại.
Ông Chu Văn Điệp, người dân Chàng Sơn bức xúc cho biết: “Không hiểu tại sao sư Phượng lấy tiền đâu mà mua ô tô rồi chưa đi được bao lâu thì lại đổi mới, phải chăng ông ta lấy tiền công đức của nhân dân đóng góp để phục vụ nhu cầu xa hoa của mình?”.
Muốn lễ chùa phải hỏi ý kiến… chính quyền xã
Sau khi sư Phượng rời khỏi chùa hôm 5/11, chìa khóa chùa do một cụ già trong ban Hậu Tự giữ và khá thân thiết với sư Phượng. Tuy nhiên, đến ngày 11/11, người dân đã lấy lại chìa khóa chùa và phân công nhau khóa cửa và trông giữ. Những ngày này, người dân xã Chàng Sơn thậm chí có những hôm thức trắng để canh chùa.
Hiện tại, số phận của ngôi chùa cổ Chân Long, đã được xếp hạng di tích quốc gia khá long đong khi cửa chùa thường xuyên bị khóa kín. Nếu muốn vào thăm chùa, vãn cảnh, thắp hương, người dân phải lên xin phép chính quyền xã, sau đó xã báo về với người giữ khóa được phân công thì mới được mở cửa chùa.
Cô Tình, trưởng thôn 4 xã Chàng Sơn cho biết: “Trước sự bức xúc của người dân, nhằm đảm bảo trật tự, ổn định cuộc sống và một số phần tử quá khích nên chính quyền địa phương đã tiến hành nghiêm cấm mọi người tự ý vào chùa”.
Câu thơ nhân dân treo trước cổng chùa Chân Long. |
Cô Tình cũng cho biết thêm, hiện tại giữa chính quyền và người dân chưa có ai nhận giữ chùa, trong khi sư trụ trì đã bỏ đi, do đó, quy định việc khóa chùa như vậy để đảm bảo hiện trạng của ngôi chùa, giữ lại những hiện vật còn có.
“Trước kia ban Hậu Tự cầm chìa khóa thì theo sự chỉ đạo của sư thầy, còn hiện tại, nhân dân cầm khóa thì các ngày Rằm, mùng Một, mở cửa từ 7h sáng đến 19h, để người dân tự do và có thời gian sắp xếp đến thắp hương”, anh Chín, một người dân thôn 4 cho biết.
Đóng góp 300 triệu nhưng không biết tiền đi đâu
Nhằm thể hiện tâm đức với chùa, nhiều người dân xã Chàng Sơn đã tự nguyện “phát tâm đức” bằng cách đóng góp tiền của để nhằm xây dựng một khuôn viên chùa khang trang hơn, sạch sẽ hơn nhưng với số tiền của người dân đóng vào thì nhiều mà không thấy sư thầy sử dụng vào mục đích đúng đắn, và minh bạch.
Trong những người dân đóng góp số tiền vào cho nhà chùa thì có gia đình đóng lên tới 300 triệu đồng nhưng hiện nay vẫn chưa có gì tiến triển.
Theo bà Hoàng Thị Loan, gia đình bà đã “phát tâm” theo yêu cầu của sư Phượng muốn xin gia đình bà một mái chùa nhằm xây dựng nhà (Tứ Ân) và được con trai cả của bà là anh Hùng đồng ý “phát tâm” cho nhà chùa 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, số tiền trên gia đình bà Loan trao cho sư trụ trì Thích Minh Phượng đã 4 năm nhưng hiện nay vẫn chưa thấy nhà chùa xây dựng và giải thích rõ ràng về vấn đề này.
Sư Thích Minh Phượng tại chùa Chân Long sáng 15/11 (Ảnh do người dân cung cấp). |
Nhằm giảm bức xúc với gia đình bà Hoàng Thị Loan, ngày 18/11, bà Liên ban Hậu Tự mới đến nhà giải thích về vấn đề 300 triệu đồng xây mái chùa.
Theo lời kể của bà Loan, bà Liên đến nói, số tiền 300 triệu đồng thì sư Phượng đã đi đặt một nhà “Tứ Ân” với trị giá là 200 triệu đồng, còn 100 triệu đồng còn lại thì sư thầy lại đổi sang làm tượng Phật và yêu cầu bà phát tâm ở những chùa khác còn thiếu tượng. Nhưng chùa khác là chùa nào thì bà Loan không được biết.
Bà Loan chia sẻ: “Mấy năm trước tôi đã đến hỏi sư thầy tại sao không xây mái chùa thì được sư Phượng nói muốn xây chùa hai tầng nhưng chính quyền xã không cho xây hai tầng nên đã tạm dừng”.
Còn chị Nguyễn Thị Hiếu, con gái bà Loan bức xúc: “3 năm về trước, chúng tôi đã gửi đơn đến chính quyền địa phương nhờ chính giải thích vì sao sư thầy không xây mái chùa mặc dù đã nhận tiền, thì UBND xã giải thích, vì sư Phượng muốn xây chùa 2 tầng nên đã không làm theo nguyên mẫu di sản văn hóa của chùa nên UBND xã không cho làm”.
Theo Đất Việt