Nữ giáo viên 30 năm ròng đi tìm mộ người yêu

Thứ tư, 20/11/2013, 18:48
Chỉ một lời hẹn ước cùng người yêu đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cô giáo Chu Thị Linh Quang (Sơn Tây, Hà Nội) đã quyết ở vậy và dành trọn nửa đời người để đi tìm mộ người yêu. Câu chuyện của cô Quang đã khiến bao người cảm động...
Nữ giáo viên 30 năm ròng đi tìm mộ người yêu 1

Cô giáo Chu Thị Linh Quang.

Giấc mơ định mệnh

Xuất hiện trong lễ trao giải cuộc thi viết “Cô giáo của tôi" (do Báo Giáo dục thời đại và Bộ GD&ĐT tổ chức) vừa diễn ra với tư cách là nhân vật trong bài viết đạt giải, cô giáo Chu Thị Linh Quang (sinh năm 1951, cựu giáo viên Trường THPT Tùng Thiện, nay là THPT Sơn Tây, Hà Nội) đã khiến cả hội trường phải rưng rưng nước mắt.

Theo đó, 43 năm về trước, cô gái Linh Quang và chàng trai Đào Đức Định (SN 1950) yêu nhau từ những ngày còn học chung dưới mái trường phổ thông. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Định lên đường tham gia kháng chiến. Ngày chia tay, họ cầm tay nhau bịn rịn và trao nhau lời hứa hẹn trở về.
“Trước ngày đi, anh cầm tay tôi hẹn ngày chiến thắng sẽ trở về. Tôi nhìn anh âu yếm: “Em sẽ đợi anh về”. Anh trìu mến thì thầm: “Nếu chờ đợi quá lâu, em yêu ai lấy ai anh không phản đối, chỉ sợ em chờ anh mà lỡ dở tình duyên”. Tôi chỉ biết nắm chặt tay anh, nước mắt rưng rưng hứa nhất định đợi ngày anh về”, cô Linh Quang nghẹn ngào nhớ lại.
Tác phẩm đã xuất bản của cô Linh Quang:

- Sinh nhật - thơ NXBVH 1997.

- Tiếng hát gọi mặt trời - thơ  NXBHNV 2001.

-  Thông điệp xanh - thơ NXBHNV 2005.

-  Thường nhật - thơ NXBVH 2008.

- Giải nhất thơ Hà Tây 1995-1996 do Hội VHNT Hà Tây tổ chức.
Ở lại quê nhà, cô giáo Linh Quang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án và đếm từng ngày mong đợi người yêu trở về để cùng dựng xây mái ấm. Những lúc nhớ người yêu cô lại dồn tất cả tình cảm vào những vần thơ chan chứa yêu thương.
Tuy nhiên, niềm hy vọng giản đơn của cô giáo dạy Văn đã không bao giờ trở thành hiện thực, khi vào tháng 10/1971, cô và gia đình nhận được giấy báo tử của người yêu.

Cô Linh Quang kể, 3 tháng trước cái ngày đau đớn đó, vào một buổi trưa của tháng 6 (âm lịch) năm 1971, khi cô đang nằm nghỉ để chuẩn bị cho những tiết dạy buổi chiều thì mơ thấy một cơn ác mộng. Trong giấc mơ, cô thấy có một chiếc xe com măng ca đỗ trước cửa nhà mình. Bước xuống xe là một người lính mặc quân phục, đeo xà cột…
Anh bước nhanh vào nhà đưa cho cô một tờ giấy đánh máy có ba chữ: “Giấy báo tử”. Bên dưới dòng chữ này là tên người yêu. Cô òa lên khóc và chạy ra ngoài trời. Trời lúc đó đang mưa như trút nước. Cô cứ thế chạy, chạy mãi trên triền đê mặc cho gió mưa quất vào mặt rát bỏng. Cô vừa chạy vừa khóc, nước mắt đắng chát hòa lẫn với mưa.
Tan giấc mộng kinh hoàng cô choàng tỉnh dậy thì thấy người ướt đẫm nước mưa. Ngoài trời lúc đó mưa gió và sấm chớp đang “xé toạc” cả bầu trời. Khi đã thức tỉnh hoàn toàn, cô chạy về nhà đem ảnh người yêu ra xem rồi khóc. Trong cơn cảm thán, cô đã viết liền một mạch bài thơ “Em đi trong mưa”. Thế rồi, tháng 9 (âm lịch) năm đó, cô cùng gia đình nhận được giấy báo tử của người yêu.

Dù chưa nên nghĩa vợ chồng, mới chỉ nợ nhau một lời hẹn ước, thế nhưng khi người yêu hy sinh, cô giáo Linh Quang đã quyết định ở vậy để chăm sóc bố mẹ người yêu và nguyện bằng mọi cách tìm đưa được hài cốt của anh về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương – nơi hai người đã ghi dấu biết bao kỷ niệm. 43 năm qua, câu chuyện về tấm lòng son sắt và nghĩa tình cao cả của cô giáo Linh Quang đã in đậm trong biết bao tâm thức của các thế hệ học trò Trường THPT Sơn Tây.
Ba mươi năm, đi hai nước tìm mộ người yêu

Cô Linh Quang cho biết, bố của người yêu cô trước kia cũng là một thầy giáo nhưng ông đã mất năm 1996. Còn mẹ thì nay đã 100 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Đặc biệt, bao nhiêu năm qua, bà vẫn chưa phút nào thôi nghĩ về người con trai đang nằm đâu đó trên chiến trường. Ước nguyện của bà là đưa được hài cốt con trai về lại quê nhà để bà dẫu có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng.
Riêng cô giáo Linh Quang, kể từ ngày người yêu hy sinh vẫn cận kề bên bố mẹ người yêu để chăm sóc ông bà. Trong nhà riêng, cô vẫn dành một góc trang trọng để thờ di ảnh của người yêu (tấm ảnh này cô tình cờ tìm thấy trên báo Người cao tuổi). Đến những ngày lễ, Tết, giỗ chạp cô cũng chung tay cùng gia đình người yêu lo lắng trọn vẹn như một người dâu con đúng nghĩa. 43 năm cô sống một mình lẻ bóng, mỗi lúc buồn cô lại trải lòng vào những vần thơ và đem yêu thương “rải” lên những thế hệ học trò qua những “con đò” trên bến chữ.

“Năm tháng tuổi trẻ qua đi, có nhiều người thương mến, cảm thông và muốn chia sẻ khó khăn, cùng bước tiếp chặng đường dài phía trước nhưng hình ảnh của người yêu đầu tiên không thể xóa mờ trong tôi. Những lá thư viết vội anh gửi cho tôi từ chiến trường như vẫn còn nguyên màu mực. Tôi chẳng thể quên anh để bước sang tình yêu khác được”, cô Linh Quang trải lòng.

Năm 2006, cô chính thức nghỉ hưu. Trước đó, do đời sống còn nhiều khó khăn nên dù rất muốn nhưng phải đến năm 1980 cô và gia đình liệt sỹ Đào Đức Định mới có điều kiện đi tìm mộ của anh. Thời gian đầu, cô và gia đình đinh ninh anh hy sinh ở Lào với manh mối là bức thư cuối cùng gửi từ Lào, nhưng mọi thứ vẫn chỉ là số không. Không chùn bước, năm 2010 cô lại lặn lội sang đất Lào thêm một lần nữa nhưng mọi thứ vẫn vô vọng. Sau này, hễ cứ tích góp được đồng nào cô đều dành để đi tìm mộ người yêu.

Mới đây, sau bao năm cố gắng, cô và gia đình liệt sĩ Đào Đức Định nhận được tin anh hy sinh trong chiến dịch Chen La I, Chen La II ở chiến trường Campuchia. Tất nhiên, khỏi phải nói cảm giác vui mừng của cô và bà mẹ già 100 tuổi khi hay biết tin này. Hiện cô và gia đình của liệt sĩ Đào Đức Định đang cố gắng sắp xếp để đưa được hài cốt anh về quê sớm nhất.

Tìm về mái Trường THPT Sơn Tây, nơi cô Chu Thị Linh Quang từng có nhiều năm tháng giảng dạy, khi nhắc đến tên cô, không thầy cô giáo nào là không nhớ. Cô Linh Quang – với những bài giảng Văn đầy truyền cảm của một “tâm hồn thơ” và hơn hết là một tấm gương sáng về lòng “trung trinh tiết nghĩa” đã ghi dấu vào mái trường thân yêu này như một dấu son.
Theo GiadinhNet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích