“Thần tài” vé số
Người Sài Gòn lâu nay đã quen với hình ảnh ông “Thần tài” với râu ria, hia mão, quần áo chỉnh tề… y chang như trên sân khấu, phim ảnh, đi bán vé số dạo. Đến đâu ông cũng thu hút ánh nhìn của người tò mò, họ tỏ ra thích thú và mua vé số của ông với hy vọng hưởng… vía Thần tài.
Ông là Trương Minh Tấn (60 tuổi), người Sài Gòn gốc với dáng nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Khuôn mặt ông lúc nào cũng toát lên vẻ vui tươi, hóm hỉnh.
Không chỉ bán tại TP.HCM, “Thần tài” còn ngao du xuyên Việt khắp các tỉnh, thành miền Trung và ĐBSCL để bán vé số, đi đến đâu người ta đều… ngoái nhìn, vây quanh.
“Thần tài” với râu ria, hia mão, quần áo chỉnh tề… y chang như trên sân khấu, phim ảnh đi bán vé số dạo, ông luôn vui vẻ, tươi cười. Ảnh: CA TP.HCM. |
Ông Tấn chọn bán vé số để đắp đổi qua ngày, nhưng nghề này cũng không dễ dàng, bởi đồng nghiệp đông kín, giăng khắp hang cùng ngõ hẻm, cạnh tranh khốc liệt. “Thần tài” kể ông mất nhiều ngày suy nghĩ làm sao có thể bán được nhiều vé số mà không phải năn nỉ, để khách hàng móc tiền ra mua một cách vui vẻ và tôn trọng mình. Ông đặt vị thế của mình vào người mua vé số, tâm lý ai cũng muốn Thần tài gõ cửa nhà mình, để mau chóng phát tài, đổi đời trong chốc lát!
Ý nghĩ lóe lên trong đầu ông: “Mặc bộ y phục của Thần tài đi bán vé số”. Nghĩ là làm, ông cất công tìm hiểu cặn kẽ từ quần áo, hia, mũ, râu tóc cũng như cách hóa trang, học lối đi đứng, cười nói, cách vuốt râu sao cho thiệt giống với chân dung Thần tài mà người dân tôn kính.
"Thần tài" chụp ảnh với các bạn trẻ trước chợ Bến Thành. Ảnh: CA TP.HCM. |
Những ngày đầu đi bán, ông chịu không ít khổ sở, bởi lẽ quần áo tầng tầng lớp lớp nóng nực, lại trang điểm, râu ria rất khó chịu. Đã vậy nhiều người còn tưởng ông có vấn đề về thần kinh, trẻ con bu quanh trêu ghẹo. Nhưng đa phần khi hiểu ra sự việc họ tỏ ra thích thú với ý tưởng độc đáo của ông, sẵn sàng mua vé số ủng hộ, ông bán nhiều gấp đôi bình thường. Trừ những lúc ốm đau, sớm nào ông cũng mặc bộ y phục Thần tài đi bán vé số, không phải nài nỉ nhiều nhưng người mua vẫn đông.
Sau khi mua vé, khách còn nhận được những câu chúc tốt đẹp từ “Thần tài” nên ai cũng vui vẻ trong lòng. Ông kết thúc một ngày làm việc vào đầu giờ buổi chiều và bán trên dưới 300 tờ.
Bận rộn nhất đối với “Thần tài” là những ngày Tết, ông đi bán từ sáng sớm đến khuya, thấy “Thần tài” là nhiều người đã gọi đến mua để mong tài lộc phát đầu năm.
“Dị nhân” bán vé số
Lâu nay, dân nhậu, cà phê ở nội thành TP.HCM mỗi khi bắt gặp ông Châu Thơ Phương (56 tuổi, ở Q.11, TP.HCM) ai cũng bật cười bởi cách ăn mặc không giống ai nhưng lại nói chuyện rất tiếu lâm và thân thiện - mọi người thường gọi ông là “Thần tài vé số”.
Không chỉ ấn tượng về trang phục, chiếc xe đạp, mà cách nói chuyện của ông cũng mang lại cho người ta sự thoải mái. Bộ trang phục và phụ kiện của ông từ đầu đến chân đều rất đặc biệt, nhiều màu như xanh, đỏ, hồng, vàng. “Thần tài” cho biết hiện có 9 bộ trang phục với 9 màu khác nhau, tự ông thiết kế, may, dán, nhuộm, sơn phết. Bộ màu đỏ ông hay mặc vào dịp Tết với ý nghĩa vui tươi, mang lại may mắn cho mọi người.
Với đôi giày, tất, chai nước cũng một màu, mái tóc giả được nhuộm theo trang phục, chiếc kính vui vẻ có gắn cái mũi to thường đeo, ông Phương khiến mọi người bật cười sảng khoái mỗi khi ông xuất hiện.
Ông cho biết, mỗi dịp lễ, Tết hay những ngày kỷ niệm, ông dán thêm câu “Happy new year” trong những ngày Tết dương lịch; “Mừng xuân, mừng Đảng” và cờ Tổ quốc lên ngực, sau lưng. Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, sau lưng ông có dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Còn những ngày lễ khác thì ông mặc màu hồng, như ngày Valentine 14/2, ông dán câu “14/2 - Ngày lễ tình yêu”, nhiều cặp đôi đã nhiệt tình mua vé số ủng hộ ông…
Ông Phương có những bộ trang phục kỳ lạ luôn thu hút sự chú ý của nhiều người |
Không ít người mua vé số ủng hộ ông, một người vui tính, luôn đem lại niềm vui cho mọi người |
Ông Phương chia sẻ: “Việt Nam không giống như nước ngoài, mình còn ít người mặc những trang phục lạ đời để kiếm sống ở đường phố. Mặc như thế cũng không ảnh hưởng đến ai, không vi phạm pháp luật, mỗi người có mỗi cách làm. Đây là cách thu hút khách hàng tốt nhất, đem lại niềm vui, tiếng cười và may mắn cho mọi người. Mọi người vui tôi cũng vui theo. Hàng ngày cuộc sống vui vẻ, đem lại niềm vui cho thiên hạ là sướng rồi”.
“Thần tài” cho biết với cách bán vé số kiểu này, mỗi ngày ông kiếm được 250.000 - 300.000 đồng. Ban đầu ăn mặc lòe loẹt đi bán vé số ông cũng… "mắc cỡ lắm, nhưng riết rồi quen".
“Cũng có nhiều người phát ngôn ác ý khi thấy tôi ăn mặc thế này, họ nói “Thằng này khùng”. Nói vậy là lạc hậu, là… khùng. Cần phải nhìn xa ra thế giới để thấy đây là nghệ thuật, là kỳ nhân”, ông Phương cười nói.
Vào các buổi chiều, tại ngã tư CMT8 - Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM) người đi đường thường xuyên thấy một phụ nữ hơn 40 tuổi cầm xấp vé số chạy đi chạy lại, khóc lóc để “câu” lòng thương hại.
Với chiêu này, mỗi ngày người phụ nữ bán được khoảng gần 500 tờ vé số. Nhiều ngày quan sát, chúng tôi thấy chị ta cầm xấp vé số hàng trăm tờ chạy đi chạy lại không chỉ trên vỉa hè mà còn ra giữa đường đông xe cộ đang lưu thông. Khuôn mặt của chị luôn tỏ ra khắc khổ, một tay cầm xấp vé số, một tay đưa lên như lau nước mắt, miệng luôn nói: “Làm ơn mua giùm với, đài sắp xổ rồi mà còn nhiều quá, làm ơn mua giùm một, hai tờ với”.
Người phụ nữ này chiều nào cũng cầm xấp vé số vài trăm tờ, khóc lóc để "câu" lòng thương hại của người đi đường. |
Chạy ra giữa đường để nài nỉ. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, người phụ nữ này có thể bán cả trăm tờ vé số |
Rất nhiều người đang chờ đèn đỏ hoặc đang chạy dừng lại mua vé số giúp chị. Từ 2 đến 5h chiều, người này bán sạch xấp vé số 500 tờ. Khi thấy máy ảnh chuẩn bị chụp, người phụ nữ tỏ ra dè chừng, sau đó đi khỏi khu vực “kiếm ăn” của mình.
Một người chạy xe ôm đang đợi khách bên đường cho biết: “Đến chiều, trên tay còn cầm vài trăm tờ nhưng với “chiêu” đánh vào lòng thương, người này bán hết vèo. Tôi thường thấy chị ta cầm khoảng 500 tờ vé số nhưng đến 5h chiều thì hết sạch, kiếm lời trên 500.000 đồng”.
Vừa qua, bên vỉa hè đường Pasteur, Q.3, TP.HCM xuất hiện một người đàn ông khoảng 40 tuổi đứng bán vé số thu hút sự chú ý của người đi đường. Không như những người bán vé số bình thường khác, ông nghĩ ra “chiêu độc” để bán được nhiều bằng cách cho tất cả kết quả trúng thưởng lên người.
Người đi đường bị thu hút bởi cách khác lạ này của người đàn ông khi ông ghi tất cả kết quả trúng thưởng của đợt xổ trước lên các tờ giấy lớn rồi treo lên phía trước và sau lưng mình. Ông dùng chiếc khăn màu đỏ, màu may mắn quấn các xấp vé số lên đầu mình. Trên tay cầm các xấp vé số mời gọi người đi đường ghé mua.
Theo Zing