Bạo lực bùng phát dữ dội tại Thái Lan

Thứ sáu, 27/12/2013, 07:50
Một cảnh sát thiệt mạng và gần 100 người bị thương trong cuộc đụng độ dữ dội giữa lực lượng an ninh và người biểu tình ở Thái Lan vào hôm qua.


Một người biểu tình ném hơi cay về phía cảnh sát - Ảnh: Minh Quang

Từ sáng sớm hôm qua, người biểu tình đã kéo đến khu vực đăng ký tranh cử ở Sân vận động Thái - Nhật để ngăn cuộc bốc thăm số thứ tự tranh cử. Tuy nhiên, do bị chặn lại bởi hàng rào bê tông và kẽm gai của cảnh sát và quân đội, những người biểu tình đã tức giận xông vào, giật sập cửa rào và tấn công cảnh sát.

Cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay, súng cao su và cả vòi rồng để xua đuổi. Đáp lại, người biểu tình cũng dùng hơi cay, vòi rồng và cả súng AK. Hai bên giằng co khá căng thẳng suốt 8 tiếng đồng hồ. Trong sân vận động, cảnh sát phải dùng trực thăng để đưa đón người của Ủy ban Bầu cử và đại diện các đảng tham gia tranh cử vì bên ngoài người biểu tình đã phong tỏa các cửa ngõ ra vào.

Vụ đụng độ căng thẳng đến mức lãnh đạo Hiệp hội Nhà báo Thái Lan phải kêu gọi giới truyền thông rút khỏi hiện trường sau khi có một nhà báo Nhật bị thương. Kết quả là một cảnh sát thiệt mạng vì trúng đạn của phe biểu tình, gần 100 người khác bị thương ở cả hai phía và cảnh sát phải rút lui để người biểu tình chiếm giữ sân vận động.

Sau khi chiếm được sân vận động, những người biểu tình kéo ra chiếm đường quốc lộ gần đó và ngăn không cho lưu thông ra vào Bangkok. Cảnh sát bắt giữ 14 người biểu tình đột nhập gây bạo động nhằm ngăn cản tranh cử. Đây là vụ đụng độ căng thẳng thứ hai giữa cảnh sát và phe biểu tình trong vòng một tháng qua. Kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra vào đầu tháng 11/2013, đã có 6 người thiệt mạng.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia sau vụ đụng độ, Phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul cho biết biểu tình ở Thái Lan không còn ôn hòa, đã biến thành bạo động đến mức nguy hiểm đến tính mạng. Ông Surapong lên án phe biểu tình ngăn cản bầu cử, hành hung và sát hại người thi hành công vụ.

Dù cuộc bốc thăm đã hoàn tất nhưng Ủy ban Bầu cử cho biết họ rất lo ngại. Theo cơ quan này, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Ủy ban Bầu cử đề nghị Thủ tướng Yingluck Shinawatra dời bầu cử sang một thời điểm khác, nếu không cơ quan này sẽ dùng quyền của mình để quyết định thay.

Tuy đang nghỉ ngơi ở quê nhà Chiang Mai, bà Yingluck vẫn theo sát tình hình ở Bangkok, cả việc người biểu tình hôm qua kéo đến bao vây tòa nhà chính phủ và dinh thự của bà. Bà cho biết rất lo lắng nhưng không đưa ra ý kiến gì về đề nghị hoãn cuộc bầu cử.

Một phó thủ tướng khác là ông Pongthep Thepkanchana đã xuất hiện trên truyền hình tuyên bố không có luật nào cho phép chính phủ thay đổi ngày bầu cử và khẳng định bầu cử vẫn sẽ được tiến hành như kế hoạch vào đầu tháng 2/2014.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn