Nhà máy vàng lớn nhất Việt Nam nợ dân từng bó rau, ổ bánh mỳ

Thứ sáu, 27/12/2013, 12:56
Bức xúc vì việc Công ty TNHH vàng Phước Sơn (Thuộc Tập đoàn Besra) thiếu nợ người dân và doanh nghiệp, ngày 26/12, hàng trăm người dân thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) đã bao vây Nhà máy vàng Phước Sơn để siết nợ. Chiều cùng ngày, công ty đã thông báo ngừng hoạt động.
Bức xúc vì Công ty vàng Phước Sơn thiếu nợ, ngày 26/12 người dân đã đến vây và đập trụ sở công ty. Ảnh: Nguyễn Thành

Bức xúc vì Công ty vàng Phước Sơn thiếu nợ, ngày 26/12 người dân đã đến vây và đập trụ sở công ty. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nợ từng bó rau, ổ bánh mỳ

Sáng 26/12, khoảng 200 người dân bao gồm các tiểu thương chợ Khâm Đức và người dân có góp vốn vào Công ty CP Quảng An tụ tập, dựng lều lán trước cổng nhà máy vàng Phước Sơn, tiến hành chặn xe ra vào nhà máy để yêu cầu công ty trả nợ. Hơn 10 chiến sĩ công an huyện Phước Sơn đã được tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự.

Đến khoảng 3h chiều cùng ngày, nhà máy vàng Phước Sơn ngừng hoạt động, công nhân bắt đầu ra về. Một số công nhân cho biết, chỉ nghe thông báo nghỉ làm, nhưng không nghe nói bao giờ sẽ đi làm lại.

Người dân tụ tập đòi nợ tại Nhà máy vàng Phước Sơn

Người dân tụ tập đòi nợ tại Nhà máy vàng Phước Sơn.

Lạnh buốt, nhưng bà Bùi Thị Liễu (72 tuổi) làm nghề bán rau ở chợ Khâm Đức đã mấy chục năm nay vẫn theo đoàn người lên nhà máy từ sáng sớm. Công ty còn mắc nợ bà hơn 25 triệu đồng tiền rau.

Theo chị Hoàng Phùng Thị Anh (35 tuổi) trú tại khối 2 thị trấn Phước Đức chủ lò bánh mỳ Gia Huy ngay thị trấn Khâm Đức, số tiền mà công ty nợ chị đến nay đã lên 40 triệu đồng.

Cá biệt là trường hợp bà Dương Thị Hoa (62 tuổi) bán hàng rau quả tại chợ Khâm Đức bị công ty này nợ hơn 220 triệu đồng.

Vỡ nợ dây chuyền vì Công ty Vàng

Không những nợ tiểu thương, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn nợ nhiều doanh nghiệp kinh doanh tại huyện Phước Sơn. Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay số tiền mà công ty này đang nợ các đơn vị ở Phước Sơn khoảng 30 tỷ đồng, chưa kể số tiền thiếu nợ các tiểu thương buôn bán tại chợ, các nhà hàng, khách sạn.

Trong các đơn vị bị mắc nợ, có công ty khai thác vật liệu và xây dựng công trình Quảng An (có trụ sở tại thị trấn Khâm Đức) bị Công ty TNHH vàng Phước Sơn nợ 23 tỷ đồng, công ty thương mại Phước Sơn bị nợ 4 tỷ đồng. Việc Công ty TNHH vàng Phước Sơn thiếu nợ đã khiến việc vỡ nợ dây chuyền xảy ra trên địa bàn huyện Phước Sơn.

Chị Lê Thị Đô (50 tuổi) chủ nhà khách Trung Đô, bị công ty này thiếu nợ tiền lưu trú hơn 420 triệu đồng, đến nay vẫn chưa đòi được đồng nào. Ngoài ra, chị Đô và gia đình còn góp cổ phần cho Công ty Quảng An 4,6 tỷ đồng. Nay Công ty TNHH vàng Phước Sơn thiếu nợ Công ty Quảng An, gia đình chị Đô cũng lâm vào hoàn cảnh bi đát, vì bị các con nợ, ngân hàng siết nợ. Bức xúc chị Đô cùng chồng lên nhà máy yêu cầu Công ty TNHH vàng Phước Sơn trả nợ cho gia đình chị và Công ty Quảng An để ổn định cuộc sống.

Cùng hoàn cảnh, chị Hồ Thị Thọ (41 tuổi), khối 7 thị trấn Khâm Đức góp cổ phần cho Công ty Quảng An hơn 4 tỷ đồng. Để có tiền hùn vốn chị Thọ phải vay mượn. Đến kỳ trả nợ, không có tiền gia đình chị phải cầm cố nhà cửa, cho con cái nghỉ học vì liên tục bị xã hội đen hăm dọa.

Thiếu nợ cả huyện lẫn tỉnh

Theo ông Phạm Thế Quyền, UBND huyện được Cục thuế Quảng Nam thông báo, hiện nay Công ty TNHH vàng Phước Sơn đang thiếu nợ tiền thuế 190 tỷ đồng. Ngoài ra lãnh đạo công ty cam kết với huyện hỗ trợ địa phương 4 tỷ đồng làm đường nhưng không thấy thực hiện. Chính quyền huyện hết sức lo ngại vì việc công ty thiếu nợ trên địa bàn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế. Trong khi đó, Phước Sơn là huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam. Lý do công ty đưa ra là giá vàng giảm, sản xuất gặp khó khăn.

“Tôi thấy nhà máy vẫn sản xuất, vẫn chở vàng đi, nhưng mắc nợ dân, doanh nghiệp và địa phương không chịu trả”, ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, cách đây 10 ngày, trước tình hình nợ nần của công ty dẫn đến tình trạng bất ổn tại địa phương, ông Quyền đã điện thoại yêu cầu lãnh đạo công ty làm việc với huyện nhưng công ty không lên, khiến địa phương hết sức bức xúc và không có hướng giải quyết tình hình.

Theo ông Quyền, lãnh đạo Nhà máy vàng Phước Sơn đã thông báo bằng điện thoại rằng, từ ngày 26/12, nhà máy ngừng sản xuất, công ty sẽ gửi văn bản cho huyện sau.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn