Không để người lao động “sa cơ lỡ vận”

Thứ hai, 30/12/2013, 09:14
Thời gian qua, do nền kinh tế khó khăn, hàng loạt DN rơi vào phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, kéo theo đó là số lượng người lao động mất việc làm tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc.

Xung quanh vấn đề này, Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Đồng - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều DN sử dụng lao động nhưng tìm mọi cách “quỵt” quyền lợi của họ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có hành động gì để hỗ trợ cho người lao động, thưa ông?

Cần nhìn rõ, đặc điểm loại hình DN nước ta chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Cả nước vẫn còn trên nửa triệu DN tư nhân đang hoạt động, sản xuất, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Do đó, “nội lực” của DN thực sự chưa đủ để chống đỡ lâu dài, khi nền kinh tế chung gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt DN bị phá sản khi nền kinh tế gặp biến động.

Tuy vậy, ở những thành phố lớn vẫn có thêm DN mới thành lập, có nhiều dự án mới mở ra, cần nhiều nhân lực, người lao động vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn. Vì thế, vẫn diễn ra hình thức dịch chuyển lao động từ khu vực này sang khu vực khác, hoặc người lao động tạm thời chưa tìm được việc làm do mong muốn tìm nơi làm việc có điều kiện tốt hơn chỗ cũ, chứ không phải họ thất nghiệp do thiếu việc làm.

Đến thời điểm này, Chính phủ cũng vẫn đang khuyến khích mọi thành phần kinh tế thành lập DN, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bởi ở nước ta số DN/đầu người dân vẫn còn rất thấp. Còn theo luật, kể cả khi DN phá sản cũng phải ưu tiên quyền lợi của người lao động trước tiên. Khi mất việc, nhiều người cũng đã biết tìm đến Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để nhận hỗ trợ.  Bên cạnh đó, nước ta còn đang có Quỹ Quốc gia về việc làm nhằm hỗ trợ những cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động, các dự án khởi nghiệp... với lãi suất thấp. Theo báo cáo, quỹ này vẫn đang hoạt động khá hiệu quả và được coi là chỗ dựa cho người lao động khi bị mất việc.

Với DN có nhu cầu tuyển dụng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến khích tuyển dụng người lao động bị mất việc làm để làm việc lâu dài tại DN, tổ chức…. Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng sẽ thường xuyên theo dõi, hỗ trợ và có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ người lao động bị mất việc đang gặp khó khăn về đời sống và sinh hoạt…

Nhưng hiện nay do DN phá sản, chủ DN bỏ trốn, nên hầu hết các quyền lợi của người lao động như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đều không được hưởng. Vậy hướng giải quyết của Bộ cho những đối tượng này như thế nào?

Để ngăn chặn “đại dịch” trốn đóng BHXH và chủ DN bỏ trốn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trên cả nước giám sát chặt tình hình quan hệ lao động tại các DN. Yêu cầu Liên đoàn Lao động các quận, huyện chủ động phối hợp với cơ quan BHXH chốt sổ BHXH cho công nhân mất việc; giám sát ngăn ngừa tẩu tán tài sản để bảo vệ quyền lợi người lao động. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của công nhân.

Đồng thời, cũng sẽ tạm ứng ngân sách để hỗ trợ cho công nhân (những người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp). Như vậy, cùng với số công nhân được giới thiệu việc làm mới, được hưởng trợ cấp thất nghiệp, số công nhân còn lại (chưa đi làm chỗ khác, không đủ điều kiện được lãnh trợ cấp thất nghiệp) nếu được hỗ trợ sẽ góp phần san sẻ phần nào thiệt thòi của người lao động.

Bên cạnh đó, hiện Bộ đã có chỉ đạo Cục Việc làm theo dõi biến động trên thị trường lao động nhằm đưa ra những điều chỉnh cụ thể như các chính sách, trợ giúp người lao động gặp khó khăn.

Có thực tế, tại nhiều nơi, dù có việc làm nhưng người lao động vẫn trong tình cảnh không hợp đồng, không bảo hiểm, không được hưởng bất cứ quyền lợi gì khi bị mất việc. Cơ quan chức năng đã làm gì để giải quyết thực trạng này?

Đây là một thực tế đang diễn ra hiện nay, hiện tượng DN “quỵt” quyền lợi của người lao động không phải là hiếm gặp ở thị trường lao động nước ta. Nguyên nhân, cũng xuất phát từ đặc điểm mô hình DN kinh doanh, sản xuất nhỏ chiếm tỷ trọng rất lớn. Người lao động thì trình độ hạn chế, nên thường tham gia công việc giản đơn, kéo theo hiểu biết về luật pháp mơ hồ. Nhiều người không biết cách bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi bị mất việc.

Đứng trước thực tế này, Bộ vẫn đang tiếp tục tăng cường giám sát, quản lý, kiểm tra, cũng như nâng cao nhận thức  của DN để DN thấy rõ người lao động chính là nguồn tạo ra lợi nhuận. Do đó, cần phải chia sẻ quyền lợi của mình với người lao động sao cho hài hòa.

Tuy nhiên, để bảo vệ mình, ngay bản thân người lao động cũng cần  trang bị thêm thông tin, có ý thức đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình trong quá trình đàm phán với chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho công đoàn viên.

Để giải quyết phần gốc Chính phủ vẫn tiếp tục khuyến khích tăng quy mô DN. Điều này sẽ tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động, đồng thời tăng tính chất bền vững của DN.

Xin cảm ơn ông!

Theo HQONLINE

Các tin cũ hơn