Trước đề cập của PV về thực hư 1.200 bao tải tiền lẻ chùa Hương gom được trong mùa lễ hội mà một số báo đề cập trước đó, chiều 7/1, Thượng tọa Thích Minh Hiền, sư trụ trì chùa Hương, khẳng định “tôi không có một xu nào trong số tiền đó".
Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, đây là số tiền người dân gửi Ngân hàng NN-PTNT huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Sau đó ngân hàng NN-PTNT gửi tiền lên ngân hàng trung ương, nhưng một tờ báo lại thông tin đó là tiền của chùa Hương.
Thượng tọa Thích Minh Hiền và Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương Nguyễn Văn Hậu tại buổi thông tin báo chí chiều 7/1. |
“Thấy có khách sạn mang tên chùa Hương, có người bảo sao thầy lại kinh doanh khách sạn? Chùa cấm uống rượu sao thầy lại kinh doanh rượu mơ chùa Hương? Rồi tôi cũng bị ngộ nhận là kinh doanh xe buýt chùa Hương…”, Thượng tọa Thích Minh Hiền phân trần về sự “oan uổng”.
“1.200 bao tải tiền lẻ tương đương với 20 tỷ đồng là người dân gửi ngân hàng trong 3 tháng hội chứ không phải tiền của tôi”, Thượng tọa khẳng định.
Vị sư trụ trì chùa Hương cũng cho biết, khi ngân hàng huyện Mỹ Đức mang số tiền lẻ này lên gửi ngân hàng trung ương, nhưng vì phải chờ tiếp quản, nên ngân hàng này lại phải chuyển số tiền đó về.
“Khi gặp Thống đốc, tôi đã nói tại sao lại không giải quyết luôn, vì đây là tiền lẻ nên rất đau đầu”, Thượng tọa nói và cho biết những số tiền chùa thu được đã dùng để trùng tu, lát đường chùa.
Cũng tại buổi thông tin báo chí này, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, cho biết số tiền thu được từ chùa Hương được dùng để khắc phục môi trường suối Yến, tái đầu tư chùa và thực hiện nhiều công trình khác.
Ông Hậu dẫn chứng, chỉ làm một chiếc cổng chùa đã mất 11 tỷ đồng, ngoài ra còn tới 3 chiếc cổng nữa chưa được làm. Hay số tiền chi phí cho ban tổ chức lễ hội lên đến 14 tỷ đồng mỗi năm, dành cho 600 người phục vụ.
Liên quan đến việc đấu thầu cửa hàng ăn tại khu vực chùa Hương, theo ông Hậu, chùa Hương rất rộng và liên quan đến nhiều thôn. Khu vực kinh doanh thuộc thôn nào thì thôn đó được kinh doanh. Người kinh doanh ở vùng khác không được kinh doanh ở chùa Hương, vì đây là tiền lệ “Đất vua chùa làng. Nó như lộc Phật cho người dân ở đó”.
Cũng theo ông Hậu, ban tổ chức không cho đấu thầu. Trên thực tế giá hộ kinh doanh nộp thuế chỉ khoảng 10 triệu đồng, nhưng các hộ kinh doanh này bán lại cửa hàng với mức giá có khi còn lên đến 300 triệu đồng. Hiện trong quy hoạch, chỉ có 14 cửa hàng ăn được cấp giấy phép kinh doanh.
Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương còn cho biết, rút kinh nghiệm năm nay các cửa hàng ăn không được ghi biển hiệu thịt thú rừng hoang dã, mà phải ghi cụ thể là nhím nuôi, heo nuôi… Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho du khách thắng cảnh suối Yến, chùa Hương sẽ huy động các thuyền chở phao cứu sinh, đồng thời sẽ bố trí phao ở những khu vực suối nước sâu.
Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, vào ngày 6/1 Âm lịch, chùa Hương sẽ khai hội đầu xuân. Đến 15/1 Âm (đêm rằm) chùa Hương sẽ tổ chức đêm thơ nguyên tiêu.
Theo Infone