Phe đối lập quyết phong tỏa Bangkok từ ngày 13/1.
6.000 người được thuê kích động bạo lực?
Theo dự kiến, phe biểu tình sẽ huy động sức người để phong tỏa 20 địa điểm quan trọng tại thủ đô Bangkok, trong đó có các trụ sở chính quyền và những khu vực giao thương trọng yếu, bắt đầu từ ngày 13/1.
Theo các nhà phân tích, thủ lĩnh phe biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban đang học theo phong trào “Chiếm phố Wall” tại Mỹ hồi năm 2011, theo đó sẽ cho người biểu tình chiếm giữ các giao lộ ở những khu vực trung tâm tài chính và hành chính của Bangkok.
Ông Suthep tuyên bố mục tiêu của chiến dịch kéo dài khoảng 10 - 20 ngày này là làm chính phủ “mất mặt” và phải tuân theo “các yêu cầu của nhân dân”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xuống đường, chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi chiến thắng” - ông Suthep tuyên bố.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep còn đe dọa không cho phép bà Yingluck rời Thái Lan và toàn bộ tài sản của bà sẽ bị phong tỏa nếu như lực lượng của ông chiến thắng. Hôm 5/1, ông Suthep đã dẫn đầu đoàn người biểu tình tuần hành dài 8km tại Bangkok. Ông ta cũng nhận được hơn 1,78 triệu baht mà người ủng hộ quyên góp trên dọc đường tuần hành.
Cho đến nay, các cuộc biểu tình tại Bangkok chủ yếu vẫn diễn ra hòa bình, dù các cuộc đối đầu giữa cảnh sát chống bạo động và những người phản đối chính phủ đang diễn biến xấu đi hồi tháng trước, khiến nhiều người phải nhập viện và 3 người bị bắn chết.
Phát ngôn viên đảng cầm quyền Pheu Thai yêu cầu phe đối lập phải trả lời thông tin cho biết đang huy động khoảng 6.000 người làm hạt nhân kích động bạo lực. Người phát ngôn này cho rằng, thông tin trên cho thấy phe biểu tình đang hướng đến làn sóng bạo lực mới, gây bất ổn đất nước thay vì hành động hòa bình.
Thủ tướng Yingluck đề nghị đối thoại
Sức ép từ phe biểu tình không khiến nữ Thủ tướng Yingluck nao núng trong việc thúc đẩy cuộc bầu cử sớm theo đúng dự kiến vào tháng 2 tới. Theo bà Yingluck - 46 tuổi - việc ngừng tổ chức bầu cử sẽ là hành động vi hiến và làm gia tăng thêm sự bất ổn cho đất nước, cũng như khiến cho bộ máy chính quyền không thể vận hành.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra kêu gọi những người bất mãn với chính phủ hãy gạch tên bà trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 2, chứ đừng xuống đường chống đối, gây hại cho đất nước. Hôm 5/1, bà Yingluck đã bày tỏ quan ngại về làn sóng bất ổn.
“Cuộc bầu cử có thể không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho các vấn đề hiện nay, nhưng đó là liệu pháp tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng theo thể chế dân chủ” - bà Yingluck viết trên trang mạng Facebook. “Chúng ta không nên để con cháu mình phải gánh hậu quả của cuộc xung đột này” - bà kêu gọi.
Với mong muốn tránh cho Bangkok rơi vào cảnh tê liệt một lần nữa, Thủ tướng Yingluck đang thúc đẩy cuộc đối thoại mới với phe biểu tình và đề nghị quân đội đóng vai trò trung gian hòa giải. Ông Suthep đã có cuộc gặp gỡ với một vài tướng lĩnh quân sự hồi cuối tuần trước, để bàn thảo về giải pháp cho bất đồng. Tuy nhiên, cuộc gặp không đạt được kết quả nào khi ông Suthep vẫn kiên định yêu cầu lập chính phủ lâm thời để tiến hành cải cách quốc gia, trong lúc bà Yingluck tái khẳng định cần tiến hành bầu cử dân chủ.
Giao dịch vũ khí và đạn dược tăng bất thường
Trước tình hình căng thẳng dâng cao, cảnh sát Thái Lan được quân đội hỗ trợ sau khi phát hiện lượng giao dịch vũ khí và đạn dược tăng một cách bất thường trong vài ngày qua. Chính quyền Thái Lan cảnh báo hành động chiếm giữ thủ đô là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, phe áo đỏ ủng hộ chính phủ của bà Yingluck tuyên bố sẽ tổ chức chiến dịch “giải phóng Bangkok” khỏi tay phe đối lập và sẽ trả đũa nếu cuộc bầu cử bị hủy bỏ.
Hãng Reuters bình luận, làn sóng tuần hành đối lập càng kéo dài, bà Yingluck càng có nguy cơ bị cô lập, khi mà quân đội vẫn không có dấu hiệu can thiệp để ủng hộ chính phủ. Hồi tháng 12/2013, tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố “cánh cửa không đóng lại mà cũng chẳng mở ra” khi được hỏi về khả năng quân đội can thiệp để tháo ngòi khủng hoảng.
Những khủng hoảng chính trị hiện thời đang gây tác hại đối với nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á, khi nó đang phải vật lộn với xuất khẩu giảm sút và chi phí tiêu dùng yếu đi. Phe biểu tình cam kết không phong tỏa các sân bay và sẽ tránh đẩy ngành du lịch Thái Lan - đóng góp 9% GDP cho nền kinh tế - vào suy thoái. Song trên thực tế ngành công nghiệp không khói của Thái Lan đã bắt đầu hứng chịu các tác động tiêu cực từ làn sóng biểu tình, khi nhiều quốc gia đã ra khuyến cáo đi lại đến quốc gia vốn được mệnh danh là “nụ cười Châu Á” này.
Theo Lao động