Sự thật trần trụi về những “người rừng” giữa thủ đô

Thứ hai, 06/01/2014, 19:17
Ở giữa nơi phồn hoa đô hội khó có thể tin có những kiếp người còn đang sống vất vưởng như những “người rừng” thực sự.


"Người rừng" Trương Ngọc Tuấn.

Thế nhưng nó lại có thật ở một xóm lều tạm, ngập ngụa rác rưởi bên cạnh đoạn đường chạy dọc sông Tô Lịch thuộc quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Họ dựng lều cheo leo ở đoạn bờ cao trên những cái cây để nghỉ ngơi và cũng là ngôi nhà che mưa nắng trong nhiều năm. Cuộc sống của họ gắn liền với rác rưởi, thức ăn thừa cùng sự bố thí của người dân.

Xóm “trên cây” giữa lòng Hà Nội

Gọi là “xóm” cho oai nhưng thực ra là những túp lều tạm bằng bạt rách hay vỏ chăn cũ nát buộc vào mấy cành cây cho chắc chắn. Xóm được hình thành trên khoảng một bờ đất cao trước đây là bờ đê của sông Tô Lịch, nay nằm chênh vênh giữa trên là đường Bưởi, dưới là đường bờ sông Quan Hoa.

Cái “xóm trên cây” này được che chắn bằng những cây cối rậm rạp rất khó phát hiện, phải chú ý lắm thì mới thấy được những túp lều này. Theo như bà Nguyễn Thị Hạnh – một người dân ở gần, xóm được hình thành cũng khá lâu rồi, cách đây khoảng 4-5 năm. Lúc đầu chỉ thấy một ông già đến dựng lều ngày đi kiếm ăn, tối lại về ngủ ở đó. Sau dần có thêm một vài người nữa kéo đến dựng lều ở cùng và họ sống từ đó đến nay.

Chúng tôi tìm cách “leo” lên cái xóm nhưng chẳng gặp ai, chỉ có một ông già nhem nhuốc, đen đúa ló đầu ra khỏi túp lều nói chuyện. Tự giới thiệu mình là Trương Ngọc Tuấn (SN 1946, quê ở Hà Đông), ông Tuấn cho biết mình là người đầu tiên cũng là “trưởng bản” của xóm - vì cao tuổi nhất và sống ở đây lâu nhất.

Ngoài ông còn có một chàng trai và một phụ nữ trung tuổi nữa sống mỗi người một lều riêng biệt. Trước đây từng có tới bốn lều, sau có một đôi vợ chồng dọn đi, giờ chỉ còn ba lều mà thôi. Nhưng mấy hôm nay do có nhiều người đến đây, nên hai người hàng xóm của ông ban ngày chẳng trở về vì xấu hổ, đến tận nửa đêm họ mới về ngủ.

Giới thiệu về cuộc sống của những cư dân trong “xóm trên cây” này, ông nói: “Tất cả chúng tôi đều sống bằng nghề nhặt rác kiếm tiền ăn hàng ngày. Tôi già rồi chỉ quanh quẩn ở mấy chỗ gần này xem có gì nhặt nhạnh để bán kiếm một vài nghìn mua mì tôm, ngày nào may mắn thì được vài chục nghìn. Còn những hôm rủi thì chẳng kiếm được hoặc chẳng bán được gì, cả ngày chỉ ăn một gói mì tôm”.

Nói đoạn, ông chỉ mấy cái túi bóng đựng rác phế thải ông nhặt trong ngày hôm nay chưa bán được. Còn thanh niên bên cạnh và một người phụ nữ trung tuổi thì khỏe hơn, có chiếc xe đạp cà tàng nên rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm ở những chỗ xa để kiếm được nhiều hơn. Cũng vì thế mà căn lều của ông tạm bợ nhất chỉ có mấy vỏ chăn nhàu nát, cùng vài đồ đạc hư hỏng nhặt từ bãi rác. Lều của hai người hàng xóm bên cạnh “sang” hơn, có mấy cái đệm thải và bộ ghế salông cũ rách để dùng.

Ăn thì nấu luôn tại chỗ, bữa ăn của cư dân trong xóm đơn giản là thức ăn thừa của những người tốt quen mặt họ cho. Không thì món chính là mì tôm và ông Tuấn còn chỉ cho thấy cả một thùng mì vừa được người ta tặng cho mấy hôm trước. Tắm giặt thì đi tắm nhờ hay xin nước về tắm giữa thiên nhiên, chẳng sợ gì vì chẳng có ai ngó ngàng đến cả. Đấy là mùa hè, còn mùa đông thì cả tháng chẳng dám tắm một lần vì lạnh. Quần áo thì phải cuốc bộ giặt ở tít hồ Tây cách đây hơn 3 cây số, rồi mang về phơi.

Những phận đời phiêu dạt

Cuộc sống vất vưởng là vậy, nhưng mấy người ở xóm tạm bợ này đã gắn bó được 3 cái Tết, đến nay là cái Tết thứ tư. Vì nếu không bám trụ ở đây, những người này cũng chẳng biết đi đâu về đâu nữa. Mỗi con người nơi đây là mỗi mảnh đời khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, trôi dạt về đây, quy tụ thành một “xóm trên cây” này.

Theo như chúng tôi tìm hiểu, anh thanh niên hàng xóm với ông Tuấn là một người câm điếc khoảng gần 30 tuổi, mồ côi cha mẹ. Anh ta không có tên tuổi cụ thể và cũng không biết chữ, vì thế hay gọi là “thằng câm”.

Người thanh niên này trước kia ở Lạng Sơn, lúc nhỏ đi chăn trâu cho nhiều nhà nhưng cơm ăn chẳng no, áo chẳng đủ mặc lại bị hành hạ thể xác, nên bỏ đi xuống Hà Nội nhặt rác kiếm sống. Mới đầu, anh ta ngủ ở vỉa hè rồi gầm cầu sau đó gặp ông Tuấn được ông rủ về đây ở cùng. Ngôn ngữ của người thanh niên này cũng chẳng ai hiểu, chỉ trừ mỗi ông Tuấn dịch được mà thôi.

Còn người phụ nữ năm nay khoảng gần 50 tuổi, gầy gò ốm yếu, không rõ quê quán, từng lang thang xin ăn nhiều nơi. Theo ông Tuấn thì hình như người phụ nữ đó có chồng, nhưng sau đó chồng chết, bị gia đình nhà chồng đánh đuổi ra khỏi nhà vì sợ bị tranh chấp tài sản nên phải tha hương. Bản thân lại bệnh tật, không thể lao động được nên đi xin ăn rong ruổi nhiều nơi rồi dạt về Hà Nội. Có hôm nằm co ro ở bãi hoang vì không xin được gì, đói, lạnh lại ốm sốt, may nhờ ông Tuấn cứu giúp nên qua khỏi.

Từ đó, người phụ nữ này cũng về đây ở, không đi ăn xin nữa mà nhặt rác kiếm sống. Rồi còn một cặp vợ chồng bị tàn tật nữa, nhưng họ chỉ ở một thời gian rồi đi đâu mất. Họ cũng là những người xin ăn, nhặt rác tha hương nhiều nơi rồi gặp nhau mà thành vợ thành chồng.

Trong những mảnh đời phiêu bạt đó có lẽ kỳ lạ  và “hoành tráng” nhất vẫn là ông Tuấn. Như tự giới thiệu thì ông từng là bộ đội Trường Sơn, có vợ và hai con - một trai, một gái, đều đã có gia đình đầy đủ. Nhưng ông không thích sống với vợ con nên ra đây ở đã được gần 4 năm rồi.

Hỏi lý do không ở cùng vợ con, ông chỉ nói: “Tôi xích mích với vợ con nên không ở cùng được”. Ông cũng khoe là đồng đội cũ và con gái, con trai cũng thỉnh thoảng đến đây thăm. Nhưng 6 - 7 tháng nay không thấy mấy đứa con của ông đến thăm nữa.

Nhưng theo như chúng tôi tìm hiểu, gia cảnh ông Tuấn từng khấm khá. Trước kia ông cũng có đất cát, tiền của, nhưng sau này ông bán đất đi chia cho các con ra ở riêng làm ăn, bị phá sản nên đứa thì phải trốn nợ, vợ cũng phải đi làm thuê làm mướn giúp việc kiếm sống. Tính tình ông lại không được bình thường nên không sống cùng với vợ con được, cũng có lần người con gái đến đón ông về ở cùng, nhưng ông từ chối.

Về đâu những “người rừng” thủ đô?

Tuy là cuộc sống tạm bợ ở một xóm tối tăm, nhưng những con người bất hạnh này sống với nhau hết sức hòa thuận. Cuộc sống trông vào một vài chục nghìn tiền bán phế liệu để sinh sống, nhưng cũng chỉ kiếm được vào những ngày trời không mưa, còn những ngày mưa hết tiền thì chịu chết, ngồi ở nhà chia nhau từng gói mì tôm, từng chút thức ăn thừa. Nếu có ai ốm đau, họ sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo góp nhau từng đồng để mua thuốc cho những người bị bệnh.

Ngồi trong căn lều bằng bạt rách chẳng che được cơn gió bắc trong ngày Hà Nội rét đậm, nhiệt độ chỉ hơn 10 độ, mà xót lòng cho những phận đời bất hạnh nơi đây. Thế mà những người này đã đón trọn 3 cái Tết lạnh giá tại cái xóm nghèo trên cây này.

Nói về việc ăn Tết giữa cảnh “màn trời chiếu đất”, ông Tuấn cho biết: “Tết mỗi người cũng cố kiếm cái gì đó ăn dự trữ ngày mùng 1, còn đến mùng 2 thì lại bắt đầu công việc vì đây là lúc dễ kiếm tiền nhất, có ít người nhặt rác nên kiếm được nhiều, ra Giêng có nhiều đồ để bán kiếm tiền mới không lo đói”. Rồi ông thở dài: “Tết nhất có nhà mà không về được thì cuộc sống còn gì đáng nói đâu!”.

Sau khi nhận được thông tin về nhóm “người rừng” này, UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy đã cử người đến nắm tình hình và thuyết phục đưa ông Tuấn vào viện dưỡng lão và ông đã đồng ý.

Còn những túp lều bên cạnh thì sẽ được dọn dẹp để dự án cầu vượt trên cao đi ngang qua đây trong nay mai. Vậy là cuối cùng, sau mấy năm ăn Tết ngoài đường, “người rừng” Trương Ngọc Tuấn sẽ được đón một cái Tết ấm cúng trong viện dưỡng lão. Tuy nhiên, mấy người hàng xóm của ông không hiểu sẽ đi đâu về đâu khi những căn lều tạm bị xóa sổ?

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn