Mình cưới vào đúng ngày Noel, lúc đấy còn đúng tháng nữa là Tết. Lần đầu tiên mình biết Tết ở miền Bắc (Hà Nội) là như thế nào, cái rét nó ngấm vào từng thớ thịt của mình ra sao. Ở miền Nam mình chỉ có “quê em 2 mùa mưa nắng” thôi, có biết thế nào là rét đâu.
Hôm đấy là 26 Tết, mình và chồng đi đúng hơn nửa ngày trời vào làng trồng hoa đào ở Nhật Tân để chọn mua 1 cành đào cho ông bà. Nhiệm vụ của chồng mình là mỗi năm mua cho ông bà 1 cành đào to, đẹp, hoa nở bung ra ngày mùng 1 Tết thì mới may mắn cho cả năm. Mình nhớ năm đấy lại rét đậm nên cả vườn hoa đào chưa nở kịp, mua về nên cả nhà phải câu bóng đèn điện chiếu vào cành đào và liên tục thay nước nóng ở lọ đào cho hoa nhanh nở.
Ngược với miền Nam mình, muốn hoa mai mau nở thì lại cho nước đá vào lọ cắm thì hoa sẽ nhanh nở hơn. Lúc đấy mình lại nghĩ, sao ở miền Bắc không trồng hoa mai, vì hoa mai gặp thời tiết lạnh nó sẽ nhanh nở hơn. Trong khi ở miền Nam mình muốn hoa mau nở thì lại ngâm vào nước lạnh?
May mắn là mình không phải làm dâu hay ở cùng bố mẹ chồng, vì khi cưới về, mình có hẳn nhà riêng để ở. Tuy nhiên, ngày 30 Tết, vợ chồng về bên ông bà làm cỗ cuối năm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Sáng sớm 30 Tết mình theo mẹ chồng đi chợ mua thêm ít đồ còn thiếu. Vì mẹ chồng mình rất chu đáo, bà đã chuẩn bị từ hôm trước.
Lạ thay, lần đầu tiên mình thấy Tết nhà nào cũng mua chuối tiêu xanh (trong Nam mình gọi chuối già) về thắp hương, mà chuối ngoài này mấy ngày Tết đắt vô cùng, chưa kể là nải chẵn, hay lẻ.
Ở miền Nam mình thì, ngày Tết lại kiêng không thắp hương bằng chuối, thậm chí nhà nào trồng chuối mà chín thì cũng kiêng không mang vào nhà. Vì sợ “chuối” suốt năm.
Nhà mẹ chồng mình Tết không gói bánh chưng, chỉ mua ở hàng về thắp hương mà thôi. Ra Hà Nội này mình mới biết bánh chưng như thế nào? Cách cắt bánh ra sao? Đều được mẹ chồng mình chỉ dẫn.
Riêng ở miền Nam mình thì lại có bánh tét, chỉ khác nhau cách gói bánh và cách gọi. Nhưng bánh tét thì trong nếp trước khi gói có cho thêm dừa nạo hoặc nước cốt dừa cho bánh thêm ngon hơn.
Mâm cỗ ngày Tết ở Hà Nội này ít nhất là phải có nồi canh bóng, canh măng khô, nem rán (trong Nam gọi là chả giò), thịt đông, xôi gấc, bánh chưng, gà luộc.
Còn ở miền Nam mình thì tùy điều kiện mỗi nhà mà làm mâm cúng ông bà. Duy nhất là nhà nào cũng phải có nồi thịt kho trứng (thịt kho tàu) hay gọi là thịt ba chỉ kho nước dừa, bày mâm ngũ quả (cầu, dừa, đủ, xoài, sung) trên bàn thờ.
Nếu như ở miền Bắc có dưa hành muối thì miền Nam lại có kiệu muối chua ngọt.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Đêm đón giao thừa ở miền Bắc thì lại có con gà luộc miệng ngậm hoa hồng, thêm bánh chưng, giò lụa (trong Nam gọi là chả lụa)… cùng vàng mã. Thắp hương đón giao thừa xong thì mọi người xuống đường đi hái lộc đầu năm, có nhà mình thấy mang về 1 cây mía màu đen (giống như trong Nam mình gọi là mía thanh diệu) . Sau này mình mới biết đấy gọi là cây lộc.
Giao thừa ở miền Nam thì mình thấy đơn giản chủ yếu thắp hương bằng bánh mứt mà thôi. Mọi người đi vào chùa “xin lộc” đầu năm. “Xin lộc” là được thầy trụ trì tặng cho bao lì xì cùng một câu đối ngẫu nhiên.
Khi mình viết ra những dòng này thì một mùa xuân nữa lại sắp về, vậy là tính đến Tết năm nay mình đã đón được 3 cái Tết ở miền Bắc này rồi. Dần dần mình cũng quen với không khí Tết ở Hà Nội này, mình cũng biết chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết cùng mẹ chồng mình hơn. Mình cũng chưa biết hết thủ tục Tết ở miền Bắc như thế nào, mình viết ra đây những gì mình thấy và phần nào biết được. Mong các bạn chia sẻ và thông cảm.
Theo Khampha.vn