Bán tràn lan ở TP.HCM
Trước đó, khoảng 14g ngày 16-1, 37 học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, huyện Đắk Song) phải nhập viện với các triệu chứng khó thở, tức ngực, co rút chân tay, đau đầu và nổi mẩn ngứa khắp người... sau khi chơi loại đồ chơi có in chữ Trung Quốc gây nổ như pháo.
Mua trước cổng trường
Theo thầy Đoàn Trung Quế - hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An, các học sinh nhiễm độc thuộc bốn lớp 4B, 4C, 5C và 5D. Em Võ Gia Trường, học sinh lớp 5C, kể em mua “quả lựu đạn” trước cổng trường, mỗi quả giá 1.000 đồng.
Đồ chơi hình lựu đạn có giá 1.000-2.000 đồng, độc hại và nguy hiểm được bán ở nhiều nơiẢnh: ĐỨC LẬP |
Cách chơi là dùng chân giẫm hoặc dùng tay đập nhẹ để dung dịch phía trong túi vỡ ra, tác dụng với bột trắng bên ngoài, túi đồ chơi hình “quả lựu đạn” sẽ tự động phình to phát ra tiếng nổ. Sau khi ném “quả lựu đạn” phát nổ, em bị dung dịch bắn lên người, bị ngứa và khó thở nên được đưa vào bệnh viện.
Em Phạm Thị Yến - học sinh lớp 5C, một trong những học sinh bị nặng nhất, ngất xỉu tại trường - kể lại em đang ngồi trong lớp thì thấy các bạn nam đóng cửa và ném các túi đồ chơi hình quả lựu đạn trong lớp. Sau tiếng nổ, em bị bắn dung dịch màu đỏ nhạt vào chân, ngồi một lát em thấy tê chân, người mệt mỏi, khát nước, đau đầu, khó thở và không còn biết gì nữa.
“Dù con đã tạm qua cơn nguy kịch nhưng tôi thấy không yên tâm chút nào, chất đó đã gây ảnh hưởng ngay lên cơ thể các em, còn về lâu về dài thì sao? Từ sáng đến giờ (17g ngày 17-1 - PV) cháu kêu đau bụng, đi ngoài nhiều lần nên tôi càng lo lắng hơn” - chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ của Yến, nói.
Các học sinh cho biết mua đồ chơi này tại cửa hàng của bà Đoàn Thị Lan (trú tổ 2, thị trấn Đức An) ngay trước cổng trường. Bà Lan cho biết bà nhập lô hàng từ chợ C (khu vực bán buôn và bán lẻ đồ chơi trẻ em, chợ Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dạng bìa lớn, mỗi bìa 40 bịch.
Đại tá Lê Ân Tình, trưởng Công an huyện Đắk Song, cho hay ngay sáng 17-1 đã cử người đưa mẫu vật đi giám định tại Viện Khoa học hình sự khu vực phía Nam (TP.HCM) và đang chờ kết quả.
Còn theo trung tá Trần Khánh Dư - đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Đắk Song, ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng công an đã đến hiện trường, thu giữ 59 vỏ đồ chơi đã sử dụng và 6 túi chưa sử dụng, đồng thời tịch thu toàn bộ loại đồ chơi tại gian hàng bà Lan.
Đồ chơi có in chữ Trung Quốc là dạng đồ chơi phát nổ kiểu như pháo, có dạng bịch nilông vuông, mỗi cạnh khoảng 6cm với hai lớp, lớp bên ngoài bằng nilông, kế đến là lớp giấy bạc hình tròn bên ngoài có vẽ hình mặt người trên nền quả lựu đạn, bên trong chứa dung dịch trong không màu, một ít bột trắng và khí. Khi chơi chỉ cần để trên tay vỗ mạnh thì phát nổ. Có em để bịch đồ chơi này trên mặt đất, dùng chân giẫm mạnh để gây nổ. |
Không có đồ chơi trẻ em nhập lậu từ Trung Quốc!?
Liên quan đến lời khai của bà Đoàn Thị Lan, chúng tôi tìm đến chợ trung tâm Buôn Ma Thuột để dò hỏi mua loại sản phẩm đồ chơi này. Cả khu chợ trung tâm hai tầng chỉ có một gian hàng bán đồ chơi trẻ em.
Trong vai người tìm mua hàng, chúng tôi hỏi mua nhưng chủ cửa hàng một mực khẳng định là không có bán loại đồ chơi này và cũng không biết ở đâu có bán. “Chúng tôi kinh doanh trong chợ nên không dại gì bán đồ dễ cháy nổ, lấy tiền đâu mà đền...” - chủ cửa hàng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hòa, phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột, cho biết chợ chỉ còn một quầy hàng mua bán đồ chơi trẻ em trên tầng hai.
Ông Hòa cho rằng ban quản lý chợ không có chức năng kiểm tra các mặt hàng của hộ kinh doanh nên không thể khẳng định gian hàng có đồ chơi này hay không. Tuy nhiên, ông cho hay cách đây không lâu, Công an phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột đã đến kiểm tra việc kinh doanh tại cửa hàng này nhưng không phát hiện được gì.
Về phía quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Quốc Tuấn, đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1, cho biết thời gian qua trên địa bàn Đắk Lắk nói chung và TP Buôn Ma Thuột nói riêng không có đồ chơi trẻ em nhập lậu từ Trung Quốc có thể gây tổn thương, nguy hại cho người sử dụng.
Theo Tuổi Trẻ