Theo Hòa thượng Trần Nhiếp (sư cả trong chùa) cho biết, ban đầu đàn vạc chỉ vài chục con mùa mưa về đây trú ẩn vì có nhiều cây sao cổ thụ ở xung quanh chùa. Thời gian sau đàn vạc thấy “đất lành” nên tập trung ngày càng đông, chọn những cây sao để làm tổ, đẻ trứng và trú ngụ quanh năm chứ không ở tạm như trước.
Điều đặc biệt là những nhà dân ở xung quanh phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer cũng ra sức bảo vệ đàn vạc quý hiếm. Vì vậy, dù có người đi lại trong sân chùa đàn vạc vẫn thản nhiên sinh sống, trú ngụ trên thân cây như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Sư Danh Tuấn ở chùa Đường Xuống Mới cho biết: “Lâu lâu cũng có đoàn khách tham quan vì thấy có nhiều vạc sinh sống trên ngọn cây sao. Thông thường ban đêm đàn vạc này đi ăn đến sáng lại bay về trú ngụ trong vườn nhà chùa. Sư cả trong chùa cũng thường xuyên nhắc nhở người dân xung quanh không nên phá rối, săn bắn nên đàn vạc ngày càng tăng”.
Theo ước tính của sư Tuấn, hiện có khoảng hơn 1.500 cá thể vạc đang sinh sống trong vườn nhà chùa và khoảng 300 con còng cọc mới đến trú ngụ trong thời gian gần đây.
Theo Dân Trí