Chuyện kinh tế khu ổ chuột
Theo nhiều hộ dân tại “khu ổ chuột” dưới chân cầu Thủ Thiêm, khu ổ chuột này hình thành từ vài năm nay, khi một số hộ dân vì nhiều lý do trong đó có cả nguyên nhân không đồng thuận với phương án đền bù, giải tỏa của địa phương nên vẫn ở lại. Hiện cả khu ổ chuột này có khoảng 10 hộ dân sinh sống với gần 50 nhân khẩu.
Khu ổ chuột dưới chân cầu Thủ Thiêm |
Qua tìm hiểu các hộ dân cho biết, việc giải quyết đền bù đất đai của các hộ dân nơi đây hiện đang chờ phán quyết từ phía tòa án. Vì lý do này cho dù các hộ dân muốn sửa chữa hay xây mới lại nhà cũng không được phép.
Trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” ấy, người dân ở đây mạnh ai nấy tự chắp vá lấy nhà cửa của mình với phương châm "lủng tới đâu thì vá tới đó". Nhưng sức người cũng chẳng thể đo lại sức thiên nhiên, do nằm mép bờ sông nên mỗi bận triều cường lên thì cả khu dân cư này lại bị nhấn chìm trong nước.
Ngoài việc loay hoay với bài toán đền bù - giải tỏa, thì bài toán việc làm sau tái định cư cũng gian nan. Khu nhà xập xệ “có tiếng” bên kênh Tàu Hủ, phường 10, quận 8 đã biến mất sau một lệnh giải tỏa trắng từ vài năm nay, nhưng nhiều dân cư cũ của khu này vẫn bám trụ quanh đó vì không thể bỏ công việc làm ăn.
Còn những người vô gia cư tại Nguyễn Thị Diệu, quận 3 cũng rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì bài toán kinh tế. Nhiều năm nay, TP đã có phương án di dời, tái định cư cho những hộ dân này nhưng vì không đồng thuận với phương án giải tỏa của địa phương nên họ vẫn ở lại. Với lại theo chị Điều Thị Nhung, một hộ vô gia cư tại đây, đi rồi không biết làm gì để sống, ở đây buôn bán đắp đỗi sống qua ngày quen rồi.
Chỉnh trang bộ mặt đô thị luôn phải gắn liền với đời sống dân sinh của cả vạn người – một bài toán khó |
Hầu hết các kênh rạch Sài Gòn rồi sẽ được nạo vét, xây bờ kè. Nhà ổ chuột dọc bờ kênh rồi sẽ được xóa. Thoát khỏi “nhà ổ chuột”, thế nhưng đa phần người dân đều lo lắng. Chị Phan Mỹ Dung (khu Miếu Nổi, P5, Gò Vấp), nói: “Giải tỏa rồi chúng tôi cũng chưa biết đi đâu, làm gì nữa. Sống ở đây dù tạm bợ nhưng mỗi tháng dành dụm cũng dư vài ba trăm ngàn. Còn vào đất liền thuê nhà thì sẽ không đủ sống, làm công nhân thì không biết chữ ai mà thuê”.
Phấp phỏng với hai chữ “giải tỏa” treo trên đầu, hầu hết cư dân ở hàng loạt khu ổ chuột chúng tôi ghé tới đều lo âu về sinh kế sau khi giải tỏa. Bởi cho dù khi người dân đã được tái định cư hẳn hoi trong các chung cư cao tầng, rồi thì họ sẽ làm gì để sinh sống?. Theo khảo sát, hầu hết những hộ dân này đều là những người buôn gánh bán bưng, có người bán quán tại gia, có người buôn hàng đồng nát, bán vé số,… và mặt bằng chung về dân trí là thấp. Chỉnh trang bộ mặt đô thị luôn phải gắn liền với đời sống dân sinh của cả vạn người – một bài toán khó.
Nhiều khu “ổ chuột” đã khang trang
Việc xóa các khu nhà “ổ chuột” không khó nếu có sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân. Bằng chứng là ngay trung tâm TP.HCM, nhiều khu nhà “ổ chuột” được giải quyết triệt để như khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh), khu vực Rạch Bùng Binh (quận 3).
Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xem là điển hình trong chương trình chỉnh trang đô thị mà TP.HCM đã thực hiện trong gần 10 năm qua. Nếu ai đi qua dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong những ngày này, khó có thể tưởng tượng được rằng hơn 10 năm trước đây là một “dòng kênh đen”. Những khu nhà “ổ chuột” chen chúc giữa dòng kênh hôi hám. Nhưng với quyết tâm chính trị của tập thể lãnh đạo TP, hơn 1,5 triệu dân ở 7 quận dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được di dời đến nơi ở mới để tiến hành cải tạo dòng kênh.
Nhiều khu ổ chuột "xóm nước đen" đã được giải tỏa khang trang |
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé trước đây cũng là điểm nhức nhối về nhà “ổ chuột” ven kênh rạch. Từ khi dự án đầu tư xây dựng Đại lộ Đông Tây nay là đường Võ Văn Kiệt được thực hiện, những căn nhà lụp xụp ven kênh đã được di dời. Đến nay, dọc hai bên đường nhiều nhà cao tầng đang mọc lên, dáng một đô thị hiện đại đang dần xuất hiện.
TP cũng đang thực hiện nhiều dự án khác như dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện tình trạng ngập úng cục bộ cho địa bàn các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú. Hay như dự án cải tạo rạch Ụ Cây ở quận 8 đã tiến hành di dời 2.550 căn nhà tạm bợ với hơn 13.700 cư dân cũng đã được thực hiện.
Chương trình di dời và tái định cư 15.000 hộ dân tập trung chủ yếu ở các tuyến kênh rạch, như khu vực Tân Hóa - Lò Gốm và các chi lưu có 4.074 hộ; kênh Tham Lương - Bến Cát, Vàm Thuật - Rạch Nước Lên giai đoạn 1 gồm 1.000 hộ; các chi lưu Nhiêu Lộc - Thị Nghè 4.800 hộ; Kênh Đôi - Kênh Tẻ 4.676 hộ. Theo Sở Xây dựng TP, tính lũy kế tổng số hộ đã di dời của chương trình từ năm 2006 đến nay là 10.461 hộ/15.000 hộ, đạt 70% so với chương trình. Một trong những nguyên nhân chậm di dời các hộ sống ven kênh rạch là do thiếu vốn. |
Theo Đất Việt