Nằm ngay sát chân cầu Long Biên, khu dân cư số 2, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) là dãy nhà sập sệ, cũ nát. Đây là nơi những người lao động ở chợ đầu mối Long Biên tá túc và sinh sống.
Hầu hết những người dân sinh sống trong khu vực này đều là người lao động từ các tỉnh khác như Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tây cũ (Ứng Hòa, Mỹ Đức,…). Công việc chủ yếu của họ là khuân vác, bán hàng rong, gánh thuê, nhặt rác.
"Khu ổ chuột" dưới chân cầu Long Biên.
Con đường dẫn vào khu dân cư tràn ngập rác thải, mùi hôi thối từ cống nước bốc lên nồng nặc. Thế nhưng những người lao động sống bao năm qua ở đây vẫn hằng ngày chịu đựng để bám chợ mưu sinh.
Đều đặn 1 giờ sáng bà Nguyễn Thị Trái (70 tuổi) - cư dân ở “khu ổ chuột” dưới chân cầu Long Biên lại thức dậy sau khi chợp mắt được một lúc. Bà hối hả mang bao đi khắp các ngõ gách chợ Long Biên để nhặt phế thải. Công việc của bà lão thường bắt đầu từ lúc đồng hồ sang canh và kết thúc vào 10 giờ trưa hôm sau.
Dù tuổi thất thập nhưng bà Trái chưa một ngày dám nghỉ ngơi.
Nhặt nhạnh phế thải xong bà giặt giũ từng tấm nilon rồi tận dụng ngay ngõ ra vào làm chỗ phơi phóng. Đã 70 tuổi nhưng bà Trái không dám nghỉ một ngày nào bởi theo bà “hôm nào mà nghỉ thì chỉ có nhịn đói”.
Ngồi dựa vào bức tường cũ kỹ thở hổn hển, bà Trái kể về cuộc sống của mình. Bà cho biết đã gắn bó ở gầm cầu Long Biên đã gần 40 năm. Nhớ lại chuyện xưa bà lão tuổi thất thập buồn tủi rơi nước mắt.
Bà quê ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, vì khúc mắc gia đình nên bà bỏ chồng bế con gái còn đỏ hỏn mới được gần 2 tháng tuổi xuống Hà Nội một thân một mình nuôi con khôn lớn.
Hai mẹ con bà kiếm sống bằng nghề nhặt rác. “Ngày ấy không có tiền thuê nhà trọ mẹ con tôi sống tạm bợ, lay lắt dưới gầm cầu. Địu con trên lưng đi nhặt rác kiếm cháo sống qua ngày. Tối đến tranh thủ mắc màn chợp mắt được 1 lúc thì 1 giờ đêm xe tải từ các nơi về đổ hàng, hai mẹ con lại phải chạy chợ”.
Căn phòng tạm bợ của bà Trái cùng 2 người lao động khác rộng chưa đầy 10m2, ẩm mốc.
Một tay nuôi nấng đứa con gái đến nay thấm thoát đã gần 40 năm, con gái bà lấy chồng ở tận Bắc Giang. Hằng ngày bà Trái vẫn lam lũ đi nhặt rác kiếm tiền nuôi sống bản thân và giành tiền mua quà, quần áo cho các cháu ngoại.
Có “điều kiện” bà mới dám rủ 2 người cũng dân lao động đến thuê ngôi nhà tạm bợ gần 10 m2 đã cũ nát và sập sệ. Tuy nhiên mỗi tháng hết hơn 1 triệu tiền nhà, tiền điện thì 4 nghìn/số.
Cùng chung số phận như bà Trái, cô Lê Thị Hòa (47 tuổi) ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội sau mỗi vụ mùa màng xong lại khăn gói lên “đóng đô” ở “khu ổ chuột”.
Cô cho hay: “Nhà có 5 người con đang tuổi ăn học nên vẫn phải cố kiếm tiền lo cho các con nên người”, chồng ở nhà lo ruộng vườn còn với cô Hòa thì mỗi khi mặt trời xuống bóng, phiên chợ họp cô lại đi gánh hàng thuê đến thấu sáng. Mỗi ngày gánh vất vả cũng chỉ được 100 nghìn đồng.
“Những ngày đầu gánh không quen chân tay đau ê ẩm, người mỏi nhừ nhưng rồi dần cũng quen, thấm thoát thế mà tôi cũng sống ở đây được gần 10 năm rồi. Nhiều lúc nhớ chồng, nhớ con nhỏ ở nhà nhưng vài ba tháng mới tranh thủ về được 1, 2 hôm. Ở xóm này ai cũng đi làm thuê như mình cả nên cũng đồng cảm cho nhau”, cô Hòa buồn rầu kể.
Gần 30 nhân khẩu chung nhau 1 nhà tắm được che tạm bằng bao tải nilon.
Cô cũng vui vẻ kể về 3 cô con gái đầu giỏi dang, trong đó cô con gái đầu giờ đã ra trường đi làm tự lo cho cuộc sống, 2 người em đang học đại học. “Mình sống khổ thế nào cũng được miễn sao các con học hành thành tài thì vợ chồng tôi cũng ấm lòng”, cô kể.
Theo cô Hòa, ở dãy nhà tạm bợ của cô có 7 phòng với gần 30 nhân khẩu. Tuy nhiên chỉ có chung một nhà tắm và vệ sinh.
“Gần 30 người tắm chung một nhà tắm bé xíu, không có cửa kiên cố phải che tạm bằng bao tải nilon. Chúng tôi ở đây tất cả dùng nước giếng khoan lên nhiều hôm nguồn nước bơm lên tanh và mùi khó chịu lắm nhưng vẫn phải dùng vì nếu không dùng cũng chẳng lấy đâu ra nước để sinh hoạt, nấu nướng. Phòng trọ thì ẩm mốc, mưa thì dột mà nắng thì nóng rát”, cô cho hay.
Ngôi nhà sập sệ "đệ nhất" chợ Long Biên của vợ chồng ông Hùng.
Ở dãy chợ đầu mối Long Biên không ai là không biết đến vợ chồng ông Dương Đức Hùng (68 tuổi) và bà Phạm Thị Bích (56 tuổi). Túp lều được ông bà thuê với giá 700 nghìn đồng mỗi tháng sập sệ “đệ nhất” ở chợ Long Biên bởi túp lều không khác gì ổ chuột, dột nát, chờ sập và không có điện sinh hoạt.
Vốn là người quê ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên nhưng vì cuộc sống ở quê kiếm đồng tiền khó khăn hai vợ chồng ông Hùng ra Hà Nội sống nhờ chợ Long Biên bằng nghề nhặt rác, phế thải từ hàng chục năm nay. Không con cái, hai ông bà chỉ biết dựa vào nhau sống.
Bên trong ẩm thấp, dột nát là nơi ở của cặp vợ chồng nghèo.
Tranh thủ nấu cơm ăn để tối đi nhặt rác ông Hùng kể: “Hai vợ chồng chỉ biết nuôi vài con chó con làm bạn, không con cái bầu bạn, nhiều khi thấy hàng xóm xum vầy bên mâm cơm tối vợ chồng tôi thấy mà thèm, nhưng số trời không cho cũng đành chịu”.
Cả đêm đi nhặt rác đủ cho ông bà sống tạm bợ nơi cửa chợ. Ở trong ngôi nhà chờ sập chỉ cao gần 1,5 mét nên mỗi khi vợ chồng ông Hùng vào nhà đều phải cuối đầu, bên trong thì sập xệ, bề bộn đồ dùng, quần áo.
"Ở đây nắng nóng mấy vợ chồng tôi cũng chịu được. Chỉ sợ nhất là hôm nào trời mưa, lúc ấy hai vợ chồng chỉ biết mặc áo mưa ngồi trên giường chờ trời tạnh”, ông Hùng buồn rầu kể.
Theo Nguoiduatin