Ông tâm sự ở trên này buồn lắm. Rất mong con cái lên đón về ăn Tết nhưng không được cũng đành chịu
Cuộc sống "người rừng" thay đổi
Như chúng tôi đưa tin về trường hợp ông Trương Văn Tuất (SN 1946) – “người rừng” bới rác kiếm sống, dựng lều lán ven sông Tô Lịch (Hà Nội) hơn 4 năm nay. Mới đây, ông Tuất đã được chính quyền địa phương làm hồ sơ chuyển đến Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (xã Thụy An, Ba Vì, TP.Hà Nội) để được chăm sóc.
Ông Tuất không còn sống ở lều, lang thang nhặt rác mưu sinh qua ngày nữa.
Vượt hơn 60km từ trung tâm thành phố, chúng tôi tìm đến nơi ông Tuất sống. Theo quan sát, khuôn viên khá rộng, thoáng mát và sạch sẽ. Nơi đây tiếp nhận và nuôi dưỡng hơn 300 đối tượng người già cô đơn không nơi nương tựa và trẻ em tàn tật bị bỏ rơi.
Hỏi thăm vào khu nhà ông Tuất ở, chúng tôi thấy phòng trống trơn. Một vài người mách: “Ông Tuất đi chơi rồi, ít khi có nhà. Chắc ông đang ngồi đọc sách ngoài sân”.
Thấy chúng tôi, ông vui mừng chào từ xa.
Khi chúng tôi đi ra sân tìm thì gặp ông đang trên đường về vì được báo có người đến thăm. Nhìn thấy tôi, ông tươi cười vẫy tay chào. Thấy ông cầm một cuốn sách, tôi hỏi, ông trả lời: “Tôi đang đọc Tam Quốc diễn nghĩa. Hay lắm đấy! Sáng nào tôi cũng phải nhờ ánh sáng mặt trời mới nhìn thấy mà đọc, được nửa cuốn rồi”.
Ông kể rằng, ngày nào ông cũng ra khu sân gần cổng tìm chỗ yên tĩnh, không gian riêng để đọc và cầu khấn Phật trước tượng Phật Bà Quan âm Bồ tát.
[
Cứ sáng ra, ông Tuất lại ngồi trầm ngâm ở sân trước để đọc truyện Tam Quốc.
Ông kể với tôi, phải nhờ ánh sáng mặt trời vì giờ mắt ông cũng hơi kém rồi.
Thấy chúng tôi đi cùng ông Tuất, một cụ tên Vĩnh (90 tuổi) đã sống ở đây hơn 30 năm, là bạn cùng phòng với ông Tuất, bước ra nói xen vào: “Cháu bảo ông ấy tắm rửa đi, từ khi lên đây không giặt quần áo, tôi cho cái áo rét mà không mặc, ông ấy cứ đi suốt ngày, đến bữa mới về”.
Nghe đến đây, ông Tuất quay sang tôi giải thích: “Có chết ở đây tôi cũng không cởi cái áo này ra đâu. Áo này tôi mua từ ngày làm căn nhà 4 tầng dưới Hà Nội đấy”.
Ông Tuất khăng khăng lý giải thêm rằng, do chưa quen khí hậu, thời tiết trên này nên không dám tắm. “Gần 70 tuổi đầu có phải ít đâu. Dần dần cho quen thời tiết đã, đang lạnh thế này tắm nhỡ cảm, chết thì sao, làm gì có con cháu trông nom”, ông Tuất đáp lại.
Cô Hằng – người quản lý khu nhà ông Tuất ở - cho biết:“Mình vừa nói vừa nịnh ông nhưng ông nhất định không tắm, thay quần áo ấm. Hôm qua trời mưa mà ông cứ lang thang đi bộ ở ngoài, mọi người bảo nhiều lần không được. Bát cơm hôm nào ông cũng để nguội đến muộn mới ăn”.
Ông kể rằng, hai hôm nay ông không ăn cơm vì không cảm thấy đói, ăn không hợp khẩu vị. Bát cơm ông thường đậy giấy cất vào một góc đợi hơn 12 giờ trưa và hơn 7 giờ tối mới bỏ ra ăn cho đúng bữa với thói quen khi còn sống ngoài vỉa hè.
“Ở trên này buồn lắm”
Đang trò chuyện, ông bất giác quay sang tôi hỏi về cái lều ông dựng ven sông như thế nào. Ông vẫn coi đó như cái nhà của mình, giờ ông thấy nhớ. Ông kể trước khi đi lên trung tâm, con gái không cho mang theo đồ đạc gì cả, ông chỉ mang tạm được chiếc túi và bộ quần áo đang mặc trên người.
“Nhớ cái lều không biết giờ ra sao, tôi còn để cái đài radio mới, chiếc kính, hai chiếc áo sơ mi, giầy và chăn người ta mang cho hôm nọ nữa”, ông Tuất nói thêm vào.
Ông tâm sự do chưa quen ai, chưa thích nghi được với cuộc sống trên này nên thấy buồn, cô đơn… Hơn nữa, sợ người ta khinh nên ông không dám đi nhặt chai, lọ trong khuôn viên trung tâm hay kể về cuộc sống của mình trong cái lán dưới Hà Nội.
“Trên này nhiều người nhưng buồn, cô đơn lắm, cũng không được đi đâu ra khỏi cổng. Chứ ở dưới Hà Nội ngày nào cũng gặp bạn là lính Trường Sơn năm xưa”, ông Tuất chia sẻ.
Vì thế, theo lời kể của cô Hằng thì ngày nào ông cụ cũng ngồi ở sân trước cạnh cổng để chờ, mong ngóng con cháu lên thăm.
Ông nói: “Vợ chồng con gái, con trai lên, xuống xe ô tô là mình chạy ra đón được ngay. Sợ chúng nó không biết tôi đang ở trong này. Huyền (con gái ông –PV) bảo sẽ đưa chồng con lên thăm tôi, chỉ còn hơn chục ngày nữa đến Tết thôi”.
Nói đến con, ông xúc động bày tỏ: “Ba cái Tết tôi ăn ở ngoài lều đấy rồi. Năm nay ăn Tết trên này xa quá, ăn uống thì không sao nhưng nhớ con cháu. Rất mong chúng nó lên là một chuyện. Nếu con không đón được, khổ nhưng đành chịu chứ biết làm sao, chẳng trách chúng nó được, Huyền còn phải lo nhà chồng nó, chẳng lẽ bỏ con bơ vơ ở nhà để lên với bố. Mình cũng mong sau này có điều kiện lên đón mình. Tôi về Hà Nội là không bao giờ lên đây nữa”.
Nghe đến đây, lòng tôi thắt lại, nghĩ thương ông. Đến tuổi gần đất xa trời, cần sự chăm sóc của con cháu…nhưng lại không thể có. Mong muốn được đón Tết ấm áp, sum họp cùng với gia đình có lẽ quá xa vời đối với ông Tuất.
Nhưng tôi cũng được an ủi phần nào khi thấy ông đã được sống trong ngôi nhà kiên cố, có chăn áo ấm để mặc trong thời tiết giá rét này, ông cũng không phải lang thang bới rác nhặt chai lọ kiếm miếng ăn hàng ngày nữa…
Theo Tri Thức Trẻ