Những người biểu tình đã phong tỏa 7 giao lộ lớn ở thủ đô Bangkok, buộc nhiều bộ và các tổ chức khác như ngân hàng trung ương phải đóng cửa và các nhân viên phải làm việc từ nhà. Chính phủ hôm qua đã đề nghị phe biểu tình bàn bạc việc giải phóng các cơ quan nhà nước.
"Các nhóm ở từng khu vực biểu tình sẽ không thương thuyết với quan chức chính phủ để giải phóng các tòa nhà... Vì thế, đừng mất công liên lạc với chúng tôi", ông Suthep cho biết trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp.
Cũng trong ngày 27/1, Ủy ban bầu cử Thái đã đề xuất hoãn cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tuần tới, và cảnh báo rằng máu sẽ lại đổ sau các vụ xung đột bạo lực cuối tuần trước.
Việc hoãn bầu cử có thể làm khủng hoảng thêm trầm trọng, làm nước Thái thêm chia rẽ. Quân đội, trước đây thường đứng ra nắm quyền kiểm soát, lần này đã quyết định đứng ngoài cuộc, bất chấp lời kêu gọi của những người biểu tình chống chính phủ.
Theo kế hoạch, hôm nay, Ủy ban bầu cử sẽ gặp Thủ tướng Yingluck để bàn về ngày bỏ phiếu.
Cuộc biểu tình nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck đã bước sang tháng thứ 3. Ủy ban bầu cử cho biết, biểu tình kéo dài nhiều tháng làm đất nước không ổn định để tiến hành bầu cử vào 2/2.
Tuy nhiên, theo tuyên bố mới nhất, chính phủ quyết không trì hoãn ngày tiến hành tổng tuyển cử. "Việc trì hoãn bầu cử là vô ích và chỉ giúp các tổ chức độc lập có thêm thời gian tấn công chính phủ", Bộ trưởng Nội vụ Jarupong Ruangsuwan đồng thời là lãnh đạo đảng cầm quyền Puea Thai cho biết.
Theo VNN