Nhật - Trung tranh cãi về "thảm sát Nam Kinh"

Thứ hai, 10/02/2014, 10:13
Một số nhà sử học thế giới và Trung Quốc khẳng định, “thảm sát Nam Kinh” là một sự kiện có thật, đã được ghi nhận trong nhiều sách lịch sử của thế giới. Trong khi đó, phía Nhật lại phủ nhận.

Tuyên bố trên được đưa ra nhằm đáp trả lại phát biểu của ông Naoki Hyakuta, giám đốc đài truyền hình NHK (Nhật Bản) khi cho rằng thảm sát Nam Kinh chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử.

Trước đó, tuyên bố gây sốc của một giám đốc khác cũng thuộc NHK về “phụ nữ giải khuây” đã khiến nhiều người phẫn nộ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua email với Tân Hoa Xã, Giáo sư Ben Dorfman, Đại học Aalborg, Đan Mạch cho biết, vấn đề thảm sát Nam Kinh được đề cập trong rất nhiều sách lịch sử thế giới.

Ông cũng chỉ ra cụ thể 2 cuốn sách. Đó là cuốn “Lịch sử thế giới thế kỷ 20 – 21” của nhà xuất bản Routledge và “Lịch sử xã hội thế giới” do công ty Mifflin Houghton phát hành. Cả 2 quyển đều là tài liệu yêu cầu bắt buộc đọc đối với sinh viên năm 1 tại Đại học Aalborg.

tham sat

Cũng theo ông Dorfman, các “hành vi tàn bạo” của phát xít Nhật, bao gồm cả hãm hiếp và cướp bóc sau khi Nam Kinh thất thủ vào tháng 12/1937, được trình bày rõ ràng trong 2 quyển sách trên.

“Lịch sử là lịch sử và không thể thay đổi được nó”, Zhu Chengshan, người phụ trách Nhà tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh cho biết.

Việc Nhật chối bỏ những gì đã xảy ra tại Nam Kinh chẳng khác nào cho cả thế giới thấy một nước Nhật không có tí kiến thức gì về lịch sử.

Theo các tài liệu thu thập được, ngay sau khi tiến vào thành phố Nam Kinh, phát xít Nhật đã tiến hành cuộc thảm sát, cướp bóc và hãm hiếp trong suốt hơn 6 tuần sau đó. 300 nghìn thường dân đã bị sát hại trong suốt thời gian đó, tài liệu cho biết thêm.

Cũng theo Tân Hoa Xã, việc tìm ra sự thật ban đầu gặp rất nhiều khó khăn do có rất ít nhân chứng và tài liệu còn sót lại. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực khác nhau, Bắc Kinh đã tìm được khoảng 200 nhân chứng còn sống cho đến ngày nay.

Nhiều bộ phim và triển lãm ảnh về Thảm sát Nam Kinh cũng đã được tổ chức tại một số nước như Mỹ, Italia, Nga và Philippines.

“Không thể chối bỏ những gì đã xảy ra tại Nam Kinh. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép những bi kịch như thế được tái diễn lại một lần nào nữa”, Zhu Chengshan nói.

Theo Motthegioi

Các tin cũ hơn