Georgi và trợ lý người Việt. |
Sinh ra và lớn lên ở Bulgaria nhưng Georgi Stoilkov, 41 tuổi, rời xa gia đình, chu du khắp châu Âu và sống bằng nghề sửa xe đạp hàng chục năm nay.
Georgi nhớ lại, thuở còn là một cậu bé, anh thường cùng cha mình đi đạp xe. Khi đó Bulgaria cũng chưa có nhiều xe, nên khi hỏng thì phải tự cặm cụi sửa. Rồi thói quen ấy ngấm vào người lúc nào không hay. Sau hai năm đại học, đột nhiên Georgi muốn sống cuộc sống theo cách của riêng mình nên quyết định nghỉ học, khăn gói sang Hy Lạp. Từ đó, cuộc đời anh gắn liền với xe đạp.
"Đến nay tôi đã có kinh nghiệm sửa xe đạp 25 năm", Georgi nói.
Có lúc sống xa nhà, Georgi không có đủ tiền để mua một cốc cà phê trong mấy tháng trời, nhưng anh vẫn kiên trì làm việc. Khi được hỏi vì sao lại có niềm đam mê đặc biệt như vậy, Georgi cười trả lời: "Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết mình có thể mày mò cả tuần với một chi tiết hỏng mà không chán". Đó cũng là điểm khác biệt lớn của Georgi so với dân "ghiền" xe, anh thích sửa xe hơn là đi "phượt".
Không thỏa mãn với châu Âu, Georgi từng có thời gian đến Mỹ, khám phá những cửa hàng xe đạp ở đó. Với kinh nghiệm lâu năm, anh chàng rất tự tin về khả năng "chinh phục" các sự cố hỏng hóc của xe đạp, số lượng xe khiến anh mất nhiều thời gian chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù công nghệ thay đổi mỗi ngày, Georgi cho biết .
"Có lẽ do từ hồi còn ở Bulgaria không có sách báo để tham khảo, nên tôi tự mày mò. Khi gặp xe có công nghệ mới, tôi chỉ thấy phấn khích. Làm việc không hẳn vì tiền là tất cả, bạn phải yêu thích chúng", anh nói.
Georgi thường"chọn người cho xe". Với những chiếc xe có nhiều gắn bó, anh chỉ tặng hoặc bán lại cho người mà anh tin sẽ "giúp chiếc xe được là chính nó". Bởi mỗi chiếc xe chỉ hợp với một người, "giống như bạn đồng hành với nhau vậy".
Cách đây hai năm, anh gặp Guim Valls Teruel (người sáng lập Câu lạc bộ dành cho những người yêu xe đạp ở Hà Nội) và cô vợ người Việt khi họ đi vòng quanh thế giới. Vốn chỉ biết Việt Nam qua Internet, Georgi nói với Guim, "khi nào các bạn về Việt Nam thì nhắn cho tôi nhé, tôi chưa được đến châu Á bao giờ".
Tưởng như đó chỉ là một lời nói vui, nhưng khi Teruel gửi email thì Georgi chẳng ngần ngại xách balô lên đường. "Nghe có vẻ hơi điên rồ nhỉ, nhưng mà sao không chứ", Georgi mỉm cười. Thế là từ đó Georgi trở thành nhân viên sửa xe đạp ở câu lạc bộ nói trên.
Sống ở Hà Nội, Georgi phát hiện ra rằng chi phí sinh hoạt ở đây không rẻ như mình tưởng trước đó. "Giờ thì tôi ở đây được hơn nửa năm, không ngờ là tôi lại thích Hà Nội đến thế. Biết vậy tôi đến từ khi mình còn trẻ", anh cười lớn.
Ban đầu, Georgi bị sốc bởi giao thông của Hà Nội, nhưng dần quen và khi muốn sang đường thì rất thành thục. Anh yêu quý những người bạn, đồng nghiệp người Việt vì họ luôn niềm nở và thân thiện. Ông cũng thích các món ăn truyền thống như phở bò, nem, bún chả... Anh yêu thích phong cảnh ở các tỉnh biên giới phía bắc, đã đi vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Sài Gòn. Và hơn thế, anh thấy "có rất nhiều cơ hội ở đây".
"Mọi người nói với tôi, ban đầu người Việt dùng xe đạp là phương tiện đi lại chính trong một thời gian dài. Sau đó chuyển sang dùng xe máy nhiều hơn. Và hiện nay đang bắt đầu quay lại với xe đạp", Georgi cho biết.
Georgi chia sẻ, phần lớn khách đến sửa xe vẫn là người nước ngoài đang sống tại Việt Nam, chỉ có một lượng nhỏ là người Việt. Georgi rất vui vì góp phần đem những công nghệ (xe) mới đến Việt Nam, cổ vũ tinh thần đi xe đạp ở Việt Nam. Khi được hỏi về dự định sẽ ở lại bao lâu, anh mỉm cười và nói: "Biết đâu tôi sẽ sống luôn ở đây và kết hôn với một cô gái Việt".
Theo VnExpress