Gặp tay chơi đồ cổ số một Đồng bằng sông Cửu long

Thứ bảy, 15/02/2014, 17:42
“Ai muốn thưởng lãm, anh cứ giới thiệu tới, tôi cho ngắm tự do. Càng nhiều người biết, đến nhà ngắm cổ vật, tôi càng sướng”.

Một góc sưu tập của ông Trung.

Một góc sưu tập của ông Trung.

So với các tay chơi đồ cổ ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng…, ông hãy còn “mới”, nhưng ở vùng đất mới đồng bằng sông Cửu Long, sở hữu được bộ sưu tập đồ cổ như ông, thật đáng ngả mũ chào. Ông đang sở hữu “bộ đồ chơi” có số tuổi tính bằng “trăm năm”, thậm chí ngàn năm. Ông đặc biệt quan tâm tới gốm sứ Chu Đậu thời Trần - thời vàng son nhất trong lịch sử gốm sứ nước ta.

Khác với những người chơi đồ cổ mà tôi từng biết, họ luôn kín kẽ, “bí mật”…, còn ông Trung nói với tôi: “Ai muốn thưởng lãm, anh cứ giới thiệu tới, tôi cho ngắm tự do. Càng nhiều người biết, đến nhà ngắm cổ vật, tôi càng sướng”.

Đồ cổ có sẵn trong máu

Nguyễn Quốc Trung sinh ra trong một gia đình khá giả ở đất Tây Đô. Nhà anh ở đường Nguyễn Trãi - con đường nổi tiếng của giới thượng lưu TP.Cần Thơ.

Từ lúc nhỏ, chiếc tủ sắt ở phòng khách của cha - ông Nguyễn Văn Khánh - luôn bí ẩn với cậu bé Trung. Khi cha mất cách đây hơn 15 năm, ông Trung tò mò mở tủ. Trước mặt ông hiện ra nhiều chiếc đĩa cổ xanh bóng màu men ngọc, những chiếc đồng hồ quả lắc xưa trong truyện cổ… Có một thứ ma lực đã cuốn ông Trung vào những món đồ cổ của cha để lại.Thực ra, dòng máu mê đồ cổ bắt đầu tuôn chảy trong huyết quản cậu bé Trung khi sống thời niên thiếu ở quê ngoại - xã Tân Lược, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Nhà ông bà ngoại của cậu có rất nhiều đồ cổ, nhưng chỉ để sinh hoạt, chứ không để “chơi”. Đến nay, nhiều người anh em, bà con của ông Trung ở đây vẫn còn giữ nhiều món đồ cổ có tuổi thọ hàng trăm năm. Bị chiếc tủ đồ cổ của cha mê hoặc, ông Trung bắt đầu công cuộc săn tìm cổ vật như một định mệnh.

choi-do-co1

Ông Trung với chiếc đĩa cổ thời Càn Long... càng đưa vào chỗ tối, chiếc đĩa này càng rực sáng như một ngọn đèn pha...

Ông nhớ lại món đồ đầu tiên ông mua được là chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Omega có tuổi đời hơn trăm năm. Tiếp đó là các đồng hồ quả lắc treo tường hiệu Vulcain, Tissot, Odo, Fr, Cadijon, Upli… lừng danh thời ấy giá từ 3 đến 30 triệu đồng/chiếc. “Cơ duyên nào ông si mê đồng hồ cổ?”- tôi hỏi.

“Như có quỷ thần nhập vào tôi. Tôi bỗng bị mê hoặc bởi những âm thanh du dương, thánh thót, thánh thiện như tiếng chuông nhà thờ nơi thánh đường vậy. Bản tính của tôi đã thích thì giá nào cũng chơi nên từ “thủa ban đầu lưu luyến ấy” đến nay và cả sau này nữa, có đồng hồ vừa ý là tôi mua, giá cả không là vấn đề”- ông Trung trả lời.

Trong căn nhà 3 lầu của ông Trung ở khu đô thị mới Cần Thơ treo đến … 70 chiếc đồng hồ quả lắc từ 200 đến 400 năm tuổi. Dân sành điệu thường gọi đây là loại đồng hồ ba-xê với 3 đặc tính: Chạy cơ; cũ và cổ; lên dây. Ông Trung rút từ hộc bàn một chiếc đồng hồ cổ rạn kính bề mặt, phân bua:  “Tìm cả năm nay mà chưa có kính để thay đó”.

Chỉ mua chứ không bán

Nhẹ nhàng nâng niu chiếc đĩa sứ, ông Trung giới thiệu:  “Món “đồ chơi” tôi trân quý nhất là chiếc đĩa này. Trông nó khác biệt hẳn với đống đồ cổ kia. Càng đưa vào chỗ tối, chiếc đĩa này càng rực sáng như một ngọn đèn pha, lộ rõ những nét vẽ mềm mại, những đường chạm trổ kỳ diệu, tuyệt mỹ. Nó được sản xuất thời Vua Càn Long bên Trung Quốc, cách đây độ 300 năm”

Tết Giáp Ngọ vừa rồi, một thương lái cổ vật giàu sụ đất Sài thành đã lặn lội xuống Tây Đô trả giá 40.000USD, nhưng không “giành” được chiếc đĩa cổ từ tay ông Trung. “Thời gian tới ư? Tôi tiếp tục mua thêm đồ cổ nếu thấy thích. Từ trước đến nay, tôi chỉ mua chứ chưa từng bán”- ông Trung cho biết.

Ông nhớ lại, ông Khánh - cha ông - vốn là người khó tính, lúc “sanh tiền” chỉ “chơi” đồ cổ một mình, kể cả con cái trong nhà cũng không được đụng vào. Giờ ông Trung muốn thay đổi, quảng bá cho nhiều người đến nhà ông thưởng lãm. Tết Giáp Ngọ vừa qua, bạn bè ông Trung đến chật nhà thưởng lãm kho đồ cổ của ông.

Tôi đón lấy chén trà từ tay ông Trung. Chiếc chén nhỏ xinh như hạt mít. “Một ngàn năm tuổi rồi đó. Tôi đi giám định hẳn hoi ở những nhà khảo cổ học hàng đầu”- ông Trung khe khẽ nói. Điểm nổi bật nhất ở chiếc chén này là màu men trắng Bạch định đầy ma thuật, loại men có một không hai trong thế giới sành sứ thế giới xưa nay, có từ thời nhà Tống. Đồ dùng sử dụng loại men này vốn chỉ phục vụ cho giới hoàng tộc mà từ thường dùng là “ngự dụng”.

Ông Trung cứ chạy lên, chạy xuống cầu thang tòa nhà 3 lầu lấy từng món đồ xuống “khoe” với tôi, miệng không ngớt giải thích: “Đồ “ngự dụng” rất có giá trị bởi tinh xảo tới từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi mê đồ “ngự dụng” bởi nó có hồn lắm, càng nhìn càng đẹp đến mê mẩn”.

Ông Trung “khoe”: “Tôi còn có một căn nhà ở đường Nguyễn Trãi chỉ làm “nhiệm vụ” trưng đồ cổ. Còn căn nhà này tôi nhường cho em trai ở, kết hợp chứa đồ cổ. Ngày ngày, tôi chạy xe máy độ 10km sang thăm mẹ đẻ và em, nhân tiện ngắm đồ”.

Nặng lòng với đồ cổ dân tộc

“Hai căn nhà của tôi rồi cũng hết chỗ chứa. Tôi thì không muốn “tàn bạo” để đồ cổ tôi cưng như con một cách lộn xộn như trong những cái kho. Ý tưởng xây một bảo tàng tư nhân nho nhỏ xuất hiện trong đầu tôi vào dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua. Đất thì tôi đã sẵn có hơn 1.000m2 ở trục đường chính nối liền nhiều tỉnh ĐBSCL đi qua địa bàn quận Cái Răng, TP.Cần Thơ. Chỉ cần đợi tôi “săn” được nhiều đồ cổ của dân tộc mình…”- ông Trung tiết lộ.

Từ trước tới nay, ông Trung chạy chiếc xe gắn máy Attila, ông dự tính sẽ sắm chiếc ôtô để “đi săn rừng xa”, như lời ông, thậm chí sang tận Trung Quốc. Nhưng nơi ông quan tâm hàng đầu là vùng Hải Dương nhằm “truy tìm” đồ gốm cổ Chu Đậu. Bộ sưu tập hiện thời của ông Trung có khá nhiều đồ gốm sứ Chu Đậu, nhưng vẫn còn đơn điệu về thể loại. Ông khát khao sẽ tìm mua được nhiều món đồ cổ có xuất xứ từ Chu Đậu.

“Tôi sẽ tập trung sưu tập đồ sứ Chu Đậu. Đó là tinh hoa, là văn hóa của cha ông ta để lại, cần được sưu tập đầy đủ, tạo điều kiện cho người dân Việt mình thưởng lãm, để khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Tôi thấy sành sứ Chu Đậu của ta đâu kém tinh xảo như của người Nhật, người Trung Quốc. Ta cần nghiên cứu, bảo tồn...”.

Như “say” mạch câu chuyện, ông kể rành rọt về nguồn gốc dòng gốm sứ tinh hoa trong lịch sử dân tộc: “Gốm Chu Đậu hình thành từ thế kỷ thứ 13, bị hủy diệt thời chiến tranh Lê – Mạc. Tên đầy đủ là gốm Chu Đậu – Mỹ Xá, từng được sản xuất tại làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Gốm sứ Chu Đậu – Mỹ Xá nổi tiếng vì màu men và họa tiết thuần Việt, từng được xuất khẩu nhiều sang châu Âu”.

Ông Trung nhắc lại một sự kiện làm chấn động giới chơi đồ cổ nước nhà: Vào năm 1997, người ta tìm thấy rất nhiều đồ gốm Chu Đậu trong một con tàu của người Bồ Đào Nha bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Từ đó, danh tiếng đồ gốm Chu Đậu mới lan xa. Tính đến nay, gốm Chu Đậu đã “lưu lạc” đến 32 nước trên thế giới, được trưng bày trang trọng trong 46 bảo tàng lớn trên thế giới.

Ông Trung dự định sẽ “lùng sục” ở vùng Hải Dương, vì ông tin chắc trong dân gian còn lưu giữ nhiều đồ gốm sứ Chu Đậu.“Biết đâu khi tôi xây dựng bảo tàng tư nhân nho nhỏ về gốm Chu Đậu sẽ góp phần thúc đẩy phục hưng vốn quý này của dân tộc ta. Nhưng trước mắt tôi muốn thu hút càng nhiều người dân, đặc biệt là dân Nam Bộ gần gũi quanh đây hiểu biết nhiều hơn về một thời đại văn minh của dân tộc ta, mà lịch sử văn minh thế giới đã ghi nhận”- ông Trung thiết tha bày tỏ.

Theo Lao động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích