Phiên chợ đồ cổ giữa lòng Hà Nội

Thứ tư, 22/01/2014, 14:51
Sống ở Hà Nội nhiều năm, nhưng ít người biết về phiên chợ đồ cổ, đồ cũ, đồ giả cổ ở giữa lòng đường tại ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng (Hà Nội).

Chợ đồ cổ, đồ cũ họp mỗi năm một phiên vào những ngày cận Tết Nguyên đán

Chợ đồ cổ, đồ cũ họp mỗi năm một phiên vào những ngày cận Tết Nguyên đán

Không có bảng hiệu, không có nội quy, không có cổng,... gọi là chợ nhưng ở đây chỉ có khoảng chục gian hàng, mỗi gian gói gọn trên chiếc bàn hơn 1m2. Đã thành lệ từ nhiều năm nay, phiên chợ này được “mở ra” một cách âm thầm, nhưng vẫn thu hút được nhiều người yêu thích cổ vật, ưa hoài niệm.

Đến đây, dường như ai cũng có cái cảm giác như đi trong một khu trưng bày triển lãm cổ vật, với những món đồ cũ, đồ cổ hàng trăm năm tuổi. Những món đồ ở chợ đa dạng, từ các loại đồ thờ, tượng Phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng, lư hương… đến các vật dụng bình dị trong cuộc sống hàng ngày như bát, đũa, dao, nĩa...

Vì là phiên chợ chỉ mở mỗi năm một lầnnên thu hút rất đông khách. Có người đến để tìm mua những món đồ mà từ lâu cất công tìm kiếm, có người đến để xem cho vui. Những người già, ưa hoài niệm đã đành, nhưng ở phiên chợ đặc biệt này còn có rất nhiều người trẻ. Họ kiếm tìm, mải miết lưu giữ những giá trị, hồn cốt tinh hoa văn hóa.

chodocogiualonghanoi2

Đồ được bày bán ở giữa lòng đường nhưng thu hút khá đông người mua bán.

Đồ cổ không phải ai cũng chơi được. Nhiều người nói đến được với nhau còn vì cái “duyên”. Đó không chỉ là một thú chơi sang, sang không chỉ vì giá trị, mà sang trong cả cốt cách, đó cũng chính là một trong những điều làm nên nét đặc sắc của chợ phiên này.

Cầu may mắn trong những giá trị xưa cũ

Người đến chợ đồ cổ đâu phải chỉ là để mua, mà còn là để tìm lại những nét thanh tao từng “vang bóng một thời”. Thường thì, các món đồ được đem đến bày bán đều là của dân sưu tầm. Nhiều người bán không quá quan trọng chuyện bán được hay không, lời lãi bao nhiêu, mà chủ yếu mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sưu tầm và chơi đồ cổ.

Đa phần người bán, người mua đều là những người “sành” hoặc có ít nhiều hiểu biết về đồ cổ, họ gặp nhau để cùng nhau chia sẻ niềm đam mê với đồ cổ, bàn luận về những giá trị xưa cũ.

Kinh doanh đồ cổ đã gần 20 năm, anh Nguyễn Văn Khánh (Tây Hồ, Hà Nội), chủ một gian hàng đồ cổ cho biết: “Tôi không quá lệ thuộc vào lời lãi mà là mấy chục năm gắn bó với nghề, muốn giữ gìn truyền thống cha ông để lại. Đến với phiên chợ chủ yếu là để gặp mặt, giao lưu với những người yêu thích đồ xưa”. Việc mua bán, trao đổi những món đồ cổ vào dịp cuối năm cũ cũng mang ý nghĩa về tinh thần và cầu mong sự may mắn. "Ví như mua đèn dầu, thắp đèn sáng quanh năm mang ý nghĩa cả năm gặp vận đỏ", anh Khánh lý giải.

Chị Hạnh, một du khách thường ghé chợ đồ cổ vào mỗi dịp Tết chia sẻ: “Đến chợ như thấy không khí Tết đang ùa về từng góc phố. Cảnh người mua, người bán nhộn nhịp với nét mặt hân hoan trông vui lắm”.

Đi trong khu chợ bày bán đa dạng các loại đồ cổ, du khách có thể sà vào bất cứ gian hàng nào để ngắm nghía, hỏi han một cách thoải mái mà không sợ làm chủ hàng phật ý. Chính vì vậy, sau nhiều năm hoạt động, chợ đồ cổ Hà Nội đã trở thành một điểm hẹn thú vị trong những ngày giáp Tết để mọi người dừng chân ngắm nhìn, hoặc chọn mua những món đồ xưa cũ với hy vọng sẽ có một năm mới tràn ngập niềm vui và thịnh vượng.

Theo Petrotimes.vn

Các tin cũ hơn