Nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, báo động an toàn công trình

Thứ tư, 19/02/2014, 20:30
Dưới các dầm trụ chính cầu, những vết nứt xuất hiện dọc thân trụ từ mép đất lên trên phía dầm khoảng 20m, phía dưới vết nứt khoảng 1m có rêu và nước rỉ ra.

Theo hồ sơ dự án xây dựng, cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng thuộc tuyến vành đai 2 nằm trên địa bàn hai quận Hai Bà Trưng và Long Biên.

Điểm đầu cách ngã ba Minh Khai khoảng 275m, và điểm cuối vượt qua quốc lộ 5 tại km2+630 khoảng 400m về phía Khu đô thị Sài Đồng. Chiều dài toàn bộ tuyến dự án là 8493m, trong đó phần tuyến chính là 5830m với hai cầu là cầu Vĩnh Tuy dài 3778m và cầu vượt quốc lộ 5 với chiều dài 364m cùng với các cầu nhánh.

Vết nứt kéo dài từ mép đất lên dầm khoảng 20m.

Theo phát hiện của phóng viên, thì vị trí nứt trụ cầu được xác định tại trụ số T22. Trụ T22 là trụ chính nằm ở vị trí giữa sông Hồng, vết nứt được xác định kéo dọc thân trụ từ mép đất lên trên phía dầm khoảng 20m, phía dưới vết nứt khoảng 1m có rêu và nước rỉ ra. Cũng trên trụ T22 đã xuất nhiều các vết nứt ngang khác, với chiều dài khoảng 3-4m.

Ban quản lý Dự án Tả Ngạn (thuộc UBND TP Hà Nội) là chủ đầu tư xây dựng công trình. Sau khi hoàn thành vào tháng 9/2009 và đưa vào sử dụng năm 2010 thì cầu Vĩnh Tuy được bàn giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội quản lý.

Nước đã rỉ ra từ trong kết cấu thân trụ.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng dự án 3, Ban quản lý Dự án Tả Ngạn, cho biết: Đến nay chưa có thông tin gì về việc nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, ngoài ra sau khi đưa vào sử dụng và đã hết 24 tháng bảo hành cầu theo quy định nên đến nay cầu Vĩnh Tuy đã được bàn giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Theo như phản ánh của phóng viên thì cũng chưa thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vết nứt, bởi việc xác định này cần phải có thiết bị, và khả năng vết nứt không phải do chịu lực.

Một chuyên gia xây dựng đi cùng phóng viên kiểm tra thực tế vết nứt tại trụ chính T22 cho biết: Đây là một vết nứt có thể xác định là nguy hiểm, bởi vị trí, cũng như chiều dài vết nứt lớn, kéo theo đó là có hiện tượng rỉ nước từ trong kết cấu ra phía ngoài, điều này tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các tác nhân xâm thực vào bêtông và tiếp cận cốt thép hay các thành phần của cấu trúc xây dựng và dẫn đến huỷ hoại cấu trúc công trình.

Trụ T22 là một trong những trụ chính quan trọng của cầu Vĩnh Tuy.

Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường hai đầu cầu khoảng 5800m, trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng là 3700m. Tổng Công ty xây dựng Thăng Long được UBND thành phố Hà Nội chỉ định thi công gói thầu số 12 có chiều dài tổng cộng 946.8m, tổng giá trị hợp đồng là 302 tỷ đồng, trải dài từ trụ T22 đến T38, bao gồm 3 nhịp cầu chính là dầm hộp đúc hẫng khẩu độ 135m và 13 nhịp cầu dẫn.

Phần móng của các trụ cầu được đặt trên từ 20-24 cọc khoan nhồi đường kính D=2m, sâu trung bình 50m tới tầng cuội sỏi. Phần cầu dẫn từ trụ T25 đến T38 là 13 nhịp dầm SupperT, chiều dài 40m/nhịp.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích