Trung tướng Võ Văn Tuấn thông tin về công tác tìm kiếm máy bay mất tích - Ảnh: Nguyễn Tuấn |
34 máy bay, 40 tàu tham gia tìm kiếm
Tính đến hôm qua đã có tổng cộng 34 máy bay, 44 tàu cứu hộ, tàu hải quân của nhiều nước tham gia tìm kiếm, theo AFP. Vụ trưởng Vụ Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman cũng cho biết có nghi vấn máy bay cố quay trở lại nơi xuất phát, nên việc tìm kiếm nay không chỉ tập trung ở vùng biển giữa mạn Đông Bắc Malaysia với Việt Nam, nơi máy bay phát tín hiệu cuối cùng, mà ở cả eo biển Malacca giữa phía Tây nước này với Indonesia. Hải quân Indonesia cũng đã tham gia tìm kiếm, trong khi Úc cũng sẽ điều 2 máy bay ra eo Malacca, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein cho biết. Trong khi đó, quân đội Philippines thông báo họ đã hoàn tất 3 chuyến bay tuần thám và điều 3 tàu hải quân tìm kiếm nhưng không thu được kết quả. Cùng ngày, tàu hải cảnh 3411 của Trung Quốc đã đến gần khu vực nghi máy bay bị nạn, nhưng chưa tìm thấy dấu vết gì. Hải quân Trung Quốc còn điều 2 tàu chiến, mang theo 2 trực thăng, 30 nhân viên y tế, 10 thợ lặn và 52 lính thủy đánh bộ tham gia tìm kiếm, cứu hộ. Ngoài ra, quân đội Singapore hôm qua đã triển khai thêm 2 máy bay vận tải quân sự C-130, 1 tàu hộ vệ, 1 khinh hạm và 1 tàu hỗ trợ tàu ngầm mang trực thăng cùng thợ lặn đến vùng biển máy bay bị nghi mất tích, theo Tân Hoa xã. Tham gia chiến dịch tìm kiếm còn có một số tàu, máy bay của Mỹ và Thái Lan. |
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cuối giờ chiều qua, đại diện Bộ Quốc phòng và Cục Hàng không đã đề xuất thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc (Kiên Giang) chỉ huy công tác tìm kiếm máy bay mất tích.
Sở chỉ huy tiền phương này có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công tác tìm kiếm của các phương tiện ở khu vực phía Nam, cung cấp nhiên liệu, hậu cần cho các lực lượng, phương tiện.
Phó thủ tướng đã đồng ý với đề xuất này, yêu cầu ngành hàng không sẵn sàng, chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất hỗ trợ tối đa cho phương tiện của VN và nước ngoài tham gia tìm kiếm.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cần lên phương án tiếp đón thân nhân của hành khách trên máy bay mất tích (theo thông báo của Malaysia khoảng 800 người thân), quan chức các nước, thông tấn báo chí… dồn về VN.
Theo quy định, nếu máy bay rơi trong vùng FIR VN, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân tai nạn theo NĐ 75. Nhiều nghi vấn cho rằng trong trường hợp rơi, khả năng rơi xuống vùng biển VN rất cao, vì vậy, VN cũng đã lên các phương án chuẩn bị cho trường hợp này.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, VN tạo điều kiện thuận lợi cho các nước tham gia vào tìm kiếm cứu nạn, cho phép tàu Trung Quốc vào tham gia tìm kiếm nhưng yêu cầu chỉ tìm kiếm trong khu vực máy bay rơi và phục vụ tìm kiếm cứu nạn.
Phó thủ tướng lưu ý cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án đón tiếp, hỗ trợ người nhà hành khách trên máy bay đang mất tích khi họ đến VN, chủ động làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang lên phương án hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn nếu xảy ra tình huống máy bay rơi xuống biển.
Cùng ngày, đại diện của Đại sứ quán Mỹ, các đoàn tùy viên quân sự của Trung Quốc, Philippines, Malaysia đã đến Sở chỉ huy của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chia sẻ thông tin, hỗ trợ quá trình tìm kiếm máy bay mất tích.
Sáng nay, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu làm trưởng đoàn sẽ bay ra Phú Quốc, thiết lập Sở chỉ huy trực tiếp tại đây.
Khoảng 2 giờ 45 chiều qua, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và Singapore phát hiện vật thể khả nghi màu vàng cách đảo Thổ Chu (Phú Quốc) 100 km về phía Nam - Tây Nam. Malaysia đã đề nghị VN điều tàu biển ra khu vực trên để tìm kiếm. Lập tức, Bộ Quốc phòng đã điều động thủy phi cơ DHC6 xuất phát từ Phú Quốc ra vị trí cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) 58 hải lý tiếp cận và xác minh vật thể lạ màu vàng để xác minh. Trong khi đó, trung tướng Võ Văn Tuấn cho hay vị trí có dấu hiệu dầu loang, khả nghi máy bay rơi là vùng biển cạn, độ sâu khoảng 25m. Ngoài tìm kiếm, rà soát trên mặt nước, Bộ Quốc phòng đã điều động tàu HQ 888, loại tàu nghiên cứu biển, có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian 3 chiều đề dò tìm tín hiệu dưới mặt biển, có kèm thêm một đội thợ lặn. Dự kiến đến sáng nay (10/3), tàu này tiếp cận vị trí được đánh dấu có dầu loang phát hiện ngày 8/3 để thăm dò dưới đáy biển. |
Loại trừ khả năng mất tích do thời tiết Tại cuộc họp do Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu chủ trì, ông Đinh Đức Tuấn, cơ trưởng Boeing 777, Phó trưởng ban An toàn chất lượng, an ninh của Vietnam Airlines, nhận định máy bay Boeing 777 được thiết kế để hoạt động trong nhiều thời tiết khắc nghiệt, do mất liên lạc trong điều kiện thời tiết tốt nên có thể loại trừ khả năng mất tích do thời tiết. Về mặt kỹ thuật, ông Tuấn nói có thể xảy ra 3 trường hợp. Tuy nhiên, nếu do hở buồng kín, khoảng thời gian máy bay hạ độ cao khoảng 5 phút, phi công được đào tạo có kỹ năng còn 4 phút 45 giây để liên lạc, nhưng ở đây hoàn toàn không có liên lạc. Nếu máy bay chết 2 động cơ cùng lúc, phi công vẫn có khoảng 20 phút để lướt thêm 200 dặm, đủ thời gian để xử lý và liên lạc. Trường hợp cháy hoặc có khói trong buồng lái, phi công cũng đủ thời gian để báo về trung tâm, nhưng khả năng bị cháy buồng lái rất thấp. Ông Tuấn cho rằng, máy bay cùng lúc mất liên lạc và mất tín hiệu trên ra đa mà không hề có thông tin cảnh báo nào trước đó là rất khó hiểu, vì máy bay này có đến 4 - 5 loại hình liên lạc hiện đại. Trường hợp này chỉ có thể xảy ra “khi có người lỡ tay tắt hoặc cố tình tắt thì mới cùng lúc mất liên lạc và ra đa mặt đất cũng không xác định được”, ông Tuấn nói. Về mặt an ninh, khi đã loại trừ yếu tố thời tiết, kỹ thuật thì sự cố xảy ra do con người, không loại trừ nghi vấn máy bay có thể bị đánh bom, khủng bố hay phi công tự sát. |
Theo Thanh Niên