Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko tuyên bố, Thượng viện Nga sẽ ủng hộ quyết định của Quốc hội Crimea về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Một ngày trước đó, các đại biểu Quốc hội Crimea đã thông qua quyết định bắt đầu quá trình Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Nga và ấn định ngày 16/3 là ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về quy chế tương lai của bán đảo.
Chỉ số uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng lên mức kỷ lục, 67% người dân Nga ủng hộ hoạt động của nhà lãnh đạo đất nước. Theo dữ liệu của VTsIOM, góp phần vào điều đó là lập trường của điện Kremlin trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Vào tuần qua, tại cuộc gặp với các nhà báo, Tổng thống Nga đã giải thích thêm hành động của Moscow. Theo ông Putin, ở Ukraine đã có cuộc đảo chính phản hiến pháp và chiếm giữ vũ trang chính quyền. Còn Nga không có ý định đưa quân đội vào quốc gia láng giềng và dùng vũ lực để sáp nhập Crimea.
Quyết định của Hội đồng Liên bang sử dụng quân đội ở nước ngoài là cần thiết để bảo vệ cuộc sống và lợi ích của các công dân nói tiếng Nga của Ukraine trong trường hợp khẩn cấp. Đó là nguy cơ thực tế, có chú ý đến những các phương pháp mà các nhà lãnh đạo hiện nay ở Kiev đã sử dụng để lên nắm chính quyền.
Ông Vladimir Putin lưu ý: “Quốc hội Ukraine phần nào đó là hợp pháp còn lại là không, kể cả Tổng thống tạm quyền. Rõ ràng, hiện nay chỉ có một Tổng thống hợp pháp duy nhất, đó là Victor Yanukovych. Theo Hiến pháp, chỉ có 3 cách pháp lý để loại bỏ Tổng thống đương nhiệm: Tổng thống chết, xin từ nhiệm và bị luận tội. Đây là tiêu chuẩn của Hiến pháp nhưng nó đã không được thực hiện. Có cảm giác rằng, chính vì điều này mà những nhóm người tự gọi là “chính quyền hiện hành” đã ra quyết định giải tán Tòa án Hiến pháp, quyết định này không phù hợp với khuôn khổ pháp lý của bản thân Ukraine, cũng như của châu Âu. Hơn nữa, họ đã giao cho công tố viên trưởng tiến hành vụ án hình sự chống lại các thẩm phán bị sa thải. Đó là cái gì? Chuyện vớ vẩn”.
Theo Tổng thống Nga, tình hình cách mạng đã phát triển ở Ukraine trong những năm qua vì người dân không hài lòng với hoạt động của chính quyền, phản đối sự phân tầng xã hội và tham nhũng khổng lồ. Tuy nhiên, ý muốn thực hiện những thay đổi không có nghĩa là được phép sử dụng những phương pháp bất hợp pháp và phản hiến pháp.
Trong khi đó, tình hình ở các khu vực phía Đông Ukraine trở thành căng thẳng hơn, vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh giữa những người ủng hộ và phản đối "Maidan" tại Kiev.
Ở hai thành phố láng giềng Kharkov và Dnepropetrovsk tình hình cũng không bình yên. Hàng chục nghìn người đã xuống đường phản đối Kiev bổ nhiệm các thống đốc mới (đó là hai nhà tài phiệt trong top 100 người giàu có nhất của Ukraine trong bảng xếp hạng của "Forbes"). Những người biểu tình đòi có quyền tự bầu chọn chính quyền khu vực và đòi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về quy chế của khu vực theo hình mẫu của Crimea.
Về Crimea thì cơ bản mọi việc đã ngã ngũ, và Sevastopol cũng đã ủng hộ quyết định của Hội đồng tối cao nước Cộng hoà tự trị Crimea về tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16 tháng 3. Những người dân Sevastopol - thành phố có tầm quan trọng quốc gia, được hưởng quy chế đặc biệt cũng đã quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý cùng lúc với cuộc trưng cầu dân ý toàn Crimea.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa được đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Đó là tin của Viện trưởng Viện Nobel Na Uy Geir Lundestad thông báo. Ủy ban Nobel lưu ý rằng, khi thông qua quyết định về giải thưởng họ sẽ chú ý quan tâm đến các sự kiện quan trọng nhất trên thế giới, ví dụ, sự bất hòa giữa Nga và Ukraine và các nước phương Tây xung quanh Crimea.
Theo ANTĐ