Sau những quan điểm chính thức của Bắc Kinh được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra về cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách kêu gọi Bắc Kinh không nên trung lập về vấn đề này. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi phương Tây cho rằng quân đội Nga đã kiểm soát bán đảo Crimea (Crưm) của Ukraine.
Người dân tuần hành tại Nga ủng hộ người Nga ở Ukraine. |
Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, ông Obama đã kêu gọi Trung Quốc ủng hộ việc quốc gia khác (ám chỉ Nga) không “can thiệp vào công việc nội bộ” của Ukraine và “họ đã khẳng định cùng mong muốn giảm căng thẳng và xác định một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh cãi Nga - Ukraine".
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đứng về phía Mỹ - phương Tây hay đứng về phía Nga hay không. Bắc Kinh vốn đã cáo buộc phương Tây làm dấy lên cuộc khủng hoảng ở Ukraine và “can thiệp một cách không phù hợp” vào công việc nội bộ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Trung Quốc là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Nga, nơi mà cả hai đều có quyền phủ quyết.
Cuộc điện đàm giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình diễn ra sau một cuộc trò chuyện giữa cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Nhằm lôi kéo sự ủng hộ của Trung Quốc về vấn đề Ukraine, Mỹ đang tìm cách tận dụng chính sách không can thiệp, điều mà Bắc Kinh vẫn thường sử dụng để hạn chế sự can thiệp của Mỹ đối với một số quốc gia khác trên thế giới như CHDCND Triều Tiên, Iran và Syria.
Các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc cũng có thể đang theo dõi tình ở bán đảo Crimea qua lăng kính của các dân tộc thiểu số của mình ở khu vực biên giới, nhưng ngay cả khi Bắc Kinh đã công khai phản đối cuộc diễn tập quân sự của Nga tại Crimea, đây có thể chỉ là một hành động tượng trưng và không có kỳ vọng Trung Quốc sẽ ủng hộ việc trừng phạt kinh tế chống lại Nga hoặc có hành động trừng phạt khác.
Theo Báo Tin tức