Hải chiến Gạc Ma 1988: Khúc bi tráng tháng 3

Thứ năm, 13/03/2014, 12:01
Trận hải chiến đó, ngoài 9 người bị quân Trung Quốc bắt giữ, có 64 chiến sĩ đã hy sinh.

26 năm trước, ngày 14/3/1988, 64 người con đất Việt đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Gạc Ma mất, nhưng Cô Lin vẫn được giữ vững. Sự hy sinh của các anh đã biến những địa danh này trở nên bất tử.

Cuộc chiến không cân sức

Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược này, Trung Quốc đã huy động một liên đội tàu chiến gồm 9 đến 12 tàu chiến. Trong khi đó, chúng ta chỉ có 3 tàu vận tải, chủ yếu lực lượng Công binh Hải quân ra làm nhiệm vụ xây dựng đảo, đá với 2 phân đội công binh gồm 70 người và 4 tổ chiến đấu. Các tàu vận tải của Việt Nam gồm HQ-604, HQ-505, HQ- 605, đều là những tàu không trang bị vũ khí, ngoại trừ những khẩu AK của các chiến sĩ công binh để tự vệ khi cần thiết.

Trước đó, quân Trung Quốc chưa từng chiếm đóng được vị trí nào trên quần đảo Trường Sa. Cuối năm 1987 đầu 1988, chúng đơn phương đưa tàu chiến ra hoạt động, đánh chiếm các đảo chìm, các bãi đá… nhằm biến các bãi cạn này thành các căn cứ quân sự, các điểm đóng quân, để “đặt được chân” vào khu vực Trường Sa.

Hải chiến Gạc Ma 1988: Khúc bi tráng tháng 3

Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, được treo trong phòng truyền thống Vùng IV Hải quân.

Căn cứ vào tình hình thực tế, chúng ta đã xác định Gạc Ma giữ vị trí rất quan trọng. Nếu bị chiếm giữ thì chúng sẽ khống chế đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân hạ quyết tâm đóng giữ các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao... Thường vụ Đảng ủy Quân chủng giao cho Lữ đoàn Vận tải 125 cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ này.

20h ngày 11/3/1988, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở theo lính công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của Lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) - cách đất liền khoảng 500 km. Đảo chìm Gạc Ma lúc đó chỉ là những bãi san hô nổi lên giữa biển, có tên trong Bản đồ Việt Nam.

Hải chiến Gạc Ma 1988: Khúc bi tráng tháng 3

Lễ mít tinh phản đối Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma tháng 3/1988.

Ngày hôm sau, xuất hiện thêm nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh quân chủng Hải quân đã điều thêm tàu HQ-605 cùng HQ-604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu HQ-505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

Trên chuyến tàu HQ-604, có những người lính trẻ mới 20 tuổi lên đường nhận nhiệm vụ, đó là các anh Vũ Đình Lương, Trương Văn Thịnh, Trần Văn Phương... Đó cũng là lần cuối cùng các anh được gặp gỡ gia đình, bạn bè...

Vòng tròn bất tử

Cựu binh Dương Văn Dũng, cũng như một số ít người còn sống sót hy hữu trên con tàu HQ-604, trong lòng vẫn đau đáu ký ức như mới ngày hôm qua. Anh Dũng cho biết, 5h sáng ngày 14/3, thủy triều bắt đầu rút, hơn 30 chiến sĩ nhận lệnh đổ bộ xuống đảo Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc và cùng nhau chuyển vật liệu xây dựng lên đảo, thì khoảng 1 tiếng sau, quân xâm lược bắt đầu xuất hiện.

Chúng đi trên 3 chiếc tàu chiến lớn, quây vòng quanh đảo. Một lát sau, quân Trung Quốc thả ca nô cao tốc lớn phóng đến gần đe dọa, cắt dây, quấy phá không cho các chiến sĩ di chuyển vật liệu vào bờ.

Đến 7h sáng, khoảng 50 tên lính Trung Quốc đổ bộ. Trước tình hình như vậy, các chiến sĩ đã quây thành một vòng tròn để bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc đang được cắm trên đảo, mà sau này chúng ta vẫn gọi vòng tròn ấy bằng cụm từ thiêng liêng: vòng tròn bất tử.

Hải chiến Gạc Ma 1988: Khúc bi tráng tháng 3

Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh .

Chúng được trang bị súng AK với lưỡi lê sáng quắc, lao vào cố giật hạ cờ Việt Nam. Trong khi đó, các chiến sĩ chiến đấu với chỉ cuốc, xẻng, xà beng trong tay.

Thiếu úy Trần Văn Phương vẫn giữ chắc lấy cột cờ. Giằng co và uy hiếp tinh thần mãi không nổi, chúng bất ngờ nổ súng. Trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô to khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”.

Binh nhất Nguyễn Văn Lanh lao vào đỡ lá cờ trên tay Trung úy Phương, đá văng khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc. Một tên lính gần đó đâm lưỡi lê vào binh nhất Lanh. Anh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ. Liền sau đó, tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo.

Tiếp đó, chiến hạm Trung Quốc nã pháo dồn dập. Vì ở gần, HQ-604 hứng trọn làn đạn 12 ly 7. Trong tích tắc, tất cả nhuốm màu đỏ rực. Máu đồng đội, lửa đạn bùng lên trên tàu HQ-604. Chiếc tàu rách tan lật úp rồi chìm nhanh sau đó.

Tàu HQ-505 phía đảo Cô Lin và HQ-604 phía đảo Len Dao cũng bị chúng tấn công và trúng đạn. Tàu HQ-605 bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15/3. Riêng HQ-505 bị cháy phần đuôi, vẫn kịp lao lên bãi cạn Cô Lin, cắm cờ chủ quyền Việt Nam.

Trận hải chiến đó, ngoài 9 người bị quân Trung Quốc bắt giữ, có 64 chiến sĩ đã hy sinh.

Khoảng hơn một tháng sau, chúng ta đã tiến lên đảo Len Đao xây nhà tiếp tục đánh dấu chủ quyền. Lặp lại kịch bản Gạc Ma, quân Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp đảo. Tuy nhiên, lần này chúng ta đã cho 7 máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra hỗ trợ, số tàu chiến của Trung Quốc tản ra, không dám đụng độ. Đảo Cô Lin và Len Đao vẫn được giữ vững cho đến ngày hôm nay.

Những giọt nước mắt tháng 3

Vùng biển Gạc Ma một ngày đau đớn, ngập đỏ máu những người con trẻ trung của dân tộc. Tổ quốc và nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên và nguyện sẽ tiếp bước các anh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Ông Lê Văn Xuân (bố liệt sĩ Lê Văn Xanh, Đà Nẵng) lúc nghe tin con mình đã hy sinh, ông phải cố hết sức giữ bình tĩnh để không gục ngã. Nhớ về ngày 14/3 năm ấy, ánh mắt ông ngấn lệ, tự hào cho biết: “Xanh đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình quyết giữ chủ quyền, đó là niềm tự hào của gia đình tôi”.

Đối với Thiếu úy Trần Văn Phương, ngày anh hy sinh vì Tổ quốc, anh không hề biết mình sắp có một người con gái. Khi ấy, vợ anh Phương chỉ mới mang thai hơn 1 tháng. Cô con gái Trần Thị Thủy chỉ biết về cha mình qua lời kể của bà, và ký ức đầy nước mắt của mẹ với vài tấm hình ít ỏi còn lại.

Hải chiến Gạc Ma 1988: Khúc bi tráng tháng 3

Cựu binh Dương Văn Dũng kể lại những giây phút chiến đấu ở Gạc Ma.

Lớn lên chút nữa, khi thi hài của cha được chuyển từ Trường Sa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà, Thủy luôn ao ước được làm việc và phục vụ cho Trường Sa, tiếp nối con đường mà người cha đã đi.

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, cô đã được đồng đội của bố giúp đỡ, biến ước mơ thành hiện thực khi nhận Thủy vào làm cán bộ văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146, nơi Thiếu úy Trần Văn Phương từng công tác.

Anh Dương Văn Dũng, cùng với 8 đồng đội khác bị quân Trung Quốc bắt giữ, ít lâu sau được trao trả về Việt Nam. Anh Dũng sống một cuộc sống bình dị cùng với ruộng vườn. Trong tâm khảm của anh, ký ức bi tráng về trận hải chiến Gạc Ma 1988 vẫn còn đó, đến cả trong những giấc mơ. “Tôi vẫn mơ một ngày được trở lại Gạc Ma, nơi những đồng đội của tôi đã anh dũng ngã xuống”, anh Dũng bật khóc cho biết.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn