Dịch sởi vẫn “nóng”, BV Nhi kêu trời vì quá tải

Thứ bảy, 05/04/2014, 08:00
Dịch sởi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt khác với dịch ở các thời điểm trước là có nhiều ca bị biến chứng viêm phổi rất nặng nề. Cùng với các bệnh hô hấp do chuyển mùa đang diễn biến phức tạp, BV Nhi Trung ương “kêu trời” vì quá tải, bác sĩ làm việc triền miên, không còn thời gian ăn cơm.

Quá tải bệnh nhân nặng

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tháng 3, trong số 5 loại bệnh mà bệnh nhân vào viện nhiều nhất thì sởi đứng thứ hai với 345 bệnh nhi (cao nhất là trẻ mắc viêm phế quản phổi), chủ yếu là các ca sởi nặng, ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 9 tháng tuổi.

sởi, nóng, bệnh dịch, bệnh viện, quá tải

Hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi ở BV Nhi Trung ương phải nằm ghép 4 bệnh nhân một giường.

Tình trạng này khiến Bệnh viện Nhi Trung ương phải dành riêng khoa Lây chỉ để tiếp nhận các trẻ mắc sởi. Đây là lần đầu tiên xảy ra việc này.

Điểm đặc biệt nhất của dịch sởi năm nay là nhiều ca bị biến chứng viêm phổi rất nặng. Ông Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết với gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề, ông chưa bao giờ thấy dịch sởi nặng nề như năm nay.

Theo đó, vào những năm 1970 ông từng chứng kiến trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy suy sinh dưỡng... nhưng năm nay sởi có biến chứng viêm phổi rất nặng nề, dù được điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn rất nặng.

Khoa Nhi – BV Bạch Mai – cũng chưa bao giờ quá tải như lúc này, khoa có 58 giường điều trị nội trú nhưng phải tiếp nhận điều trị cho 137 bệnh nhân, các máy thở hoạt động hết công suất.

Tình trạng này khiến các bác sĩ phải làm việc cật lực từ sáng tới 11 giờ đêm, không còn thời gian ăn cơm hay nghỉ ngơi.

BV kêu trời vì quá tải

Khoa hô hấp của BV Nhi Trung ương quá tải nặng nề nhất vì nhiều bệnh nhi viêm phổi. Lãnh đạo bệnh viện cho biết với bệnh viêm phổi, không chỉ bệnh viện trung ương, tỉnh mà bệnh viện huyện vẫn có thể chữa được. Nhưng khi phân loại, cứ viêm phổi gửi lên tuyến trên, nhiều bệnh nhân điều trị 5 ngày là về, chỉ cho uống mỗi kháng sinh. Không ít bệnh nhân 5 – 7 ngày về, chỉ uống một loại kháng sinh là khỏi.

sởi, nóng, bệnh dịch, bệnh viện, quá tải

Nhiều cháu bé bị viêm phổi nặng do sởi.

Đây không còn là vấn đề của riêng của bệnh viện Nhi trung ương mà là vấn đề quốc gia, vượt tầm kiểm soát của BV, cần cùng liên kết hệ thống để giải quyết vấn đề.

Vì thế, bệnh viện Nhi Trung ương đề nghị Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến dưới và người dân cùng tham gia hiệu quả vào công tác khám chữa bệnh bằng cách làm tốt công tác chuyển viện, người dân cần được truyền thông để hợp tác với bệnh viện, tránh gây ra những sức ép không mong muốn.

Trước tình trạng quá tải bệnh nhân nặng và khó – trong đó có rất nhiều bệnh nhân sởi, ngày 4/4, Bộ Y tế có buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương với sự tham gia của đại diện Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình..., nhằm tìm giải pháp hạn chế quá tải.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị bệnh viện phải đánh giá lại về thực trạng quá tải, có thêm khảo sát để phối hợp với các vụ, cục, bệnh viện thành phố đề xuất phương án giải quyết.

Ngoài ra, cần dành nguồn tiền đào tạo, cập nhật lại phác đồ điều trị sởi, vì ca bệnh tử vong rất nhiều, bệnh đã có sự biến đổi.

Tiếp tục đẩy mạnh tiêm phòng cho trẻ

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay có 46 tỉnh, thành trên cả nước đã tiêm vét mũi sởi cho trẻ 9 tháng đến 2 tuổi, riêng TP.HCM tiêm vét đến trẻ 3 tuổi.

Báo cáo của 21 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy có hơn 42.000 trẻ đã được tiêm mũi thứ nhất và hơn 41.000 trẻ được tiêm mũi thứ 2.

Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiêm mũi phối hợp sởi-rubella cho trẻ 1-14 tuổi. Dự kiến 23 triệu trẻ sẽ được tiêm, với hy vọng sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc sởi.

Theo VNN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích