Đà Nẵng ngăn phố biển thành “phố Tàu”: Sao phải chờ Bí thư?

Thứ bảy, 05/04/2014, 11:33
Các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng và chính quyền các quận, phường có cả hệ thống lực lượng hùng hậu nhưng xử lý nạn “phố Tàu” thì phải chờ Bí thư Thành ủy “cầm tay chỉ việc"?!

"Xong hết rồi cách đây 3 tuần"?

Ngày 3/4, chỉ một ngày sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ tại hội nghị Thành ủy (mở rộng) lần thứ 15 về việc không để phố biển Đà Nẵng trở thành “phố Tàu”, Thanh tra Sở VH-TT-DL TP phối hợp với Phòng VH-TT hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và có sự tham gia của Văn phòng Thành ủy đã rà soát, kiểm tra biển hiệu tại 35 cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường ven biển.

Qua đó phát hiện 13 cơ sở bán hàng mỹ nghệ, hàng đặc sản, nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, cắt tóc, massage… vi phạm Luật Quảng cáo về viết, đặt biểu hiệu, quảng cáo tiếng Trung Quốc.

Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Ngô Quang Vinh báo cáo với Bí thư Thành ủy là đã kiểm tra, xử lý "xong hết rồi cách đây 3 tuần"! (Ảnh: HC)

Thực chất, đây không chỉ là chuyện mấy tấm biển hiệu mang tiếng Trung Quốc mà đằng sau đó còn ẩn chứa nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp gấp bội, như Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng Huỳnh Hùng đã bày tỏ tại hội nghị nêu trên: “Tâm trạng của người dân và nhiều cán bộ cũng tâm tư. Nhãn tiền ở nhiều nơi là thương lái Trung Quốc có biểu hiện phá hoại kinh tế rất rõ. Bây giờ họ đến Đà Nẵng nhiều như vậy thì quản lý ra sao về an ninh, quốc phòng và kinh tế trong khi Đà Nẵng là địa bàn nhạy cảm? Không chỉ bản thân tôi mà nhiều cán bộ, đảng viên cũng có suy nghĩ về vấn đề này!”.

Tương tự, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng, Đại tá Đoàn Hồng Chương (nguyên Cục phó Cục Chính trị Quân khu 5) cũng bày tỏ: “Chúng tôi về quận Ngũ Hành Sơn, có trao đổi với Phó Bí thư Quận ủy thì thấy đúng như thế. Anh em cựu chiến binh cũng phản ảnh, trước đây có cả những biển hiệu không có tiếng Việt nữa kia, chỉ có tiếng Trung Quốc thôi. Cái này thấy rất bức xúc. Cho nên chúng tôi thiết tha đề nghị Thường vụ Thành ủy chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa. Đây không chỉ là ý kiến cá nhân tôi mà cũng là ý kiến của Hội Cựu Chiến binh TP!”.

Chính vì vậy, ông Trần Thọ đã chất vấn hai ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng: “Phải phạt đi chứ sao lại để như thế? Để thành phố Tàu, phố Trung Quốc à? Bao giờ làm xong cái này? Không thể để người ta biến bên đó (khu vực ven biển – PV) thành một phố Tàu rồi ưng làm chi thì làm. Không ngăn chặn ngay từ đầu, để xảy ra như ở Vũng Áng, Đăk Nông là nguy hiểm!”.

Nhưng trên thực tế thì khách sạn 4 sao Mường Thanh (đường Ngô Quyền, Đà Nẵng) đang treo băng rôn quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng Tàu ngay trước tiền sảnh!

Ông Ngô Quang Vinh trả lời ông Trần Thọ đầy tự tin: “Về biển hiệu thì cách đây 3 tuần Sở đã triển khai trong 10 ngày là xong rồi anh à, xong hết rồi cách đây 3 tuần. Báo cáo anh là sau khi có dư luận trên báo, Sở đã cử Thanh tra làm việc trực tiếp với tất cả các hộ dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa và đúng là như vậy thì mình đã chấn chỉnh lại, yêu cầu phải làm lại theo quy định về tiếng Việt và tiếng nước ngoài!”.

Ông Trần Thọ hỏi thêm một lần nữa: “Xong chưa?”. Ông Vinh vẫn chắc nịch: “Dạ, báo cáo anh cách đây 3 tuần là xong rồi, bây giờ sẽ cho đi kiểm tra lại một lần nữa anh ạ, còn trước đây đã làm rồi!”. Chưa yên tâm, ông Trần Thọ yêu cầu ông Vinh đúng 8h sáng hôm sau cử người sang phối hợp với Văn phòng Thành ủy và hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đi kiểm tra. Kết quả, như báo cáo số 191/BC-SVHTTDL (ngày 3/4/2014) của Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho biết, có 13/35 cơ sở vi phạm (chiếm hơn 37%)!

Giám đốc Sở VH-TT-DL dựa vào đâu để báo cáo Bí thư Thành ủy?

Vậy thì việc kiểm tra và xử lý “xong hết rồi” của Thanh tra Sở VH-TT-DL (như ông Ngô Quang Vinh cho biết) cách đây 3 tuần thực chất đã được tiến hành như thế nào mà chỉ sau một thời gian ngắn lại phát hiện tiếp 13 trường hợp vi phạm, gồm cả vi phạm mới (12 trường hợp) và tái phạm (một trường hợp)? Thanh tra Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho rằng: “Làm gì có chuyện kiểm tra cách đây 3 tuần? Có kiểm tra nhưng từ cuối năm ngoái kia!”.

Nhiều nhà hàng không chỉ treo biển hiệu mà thậm chí thực đơn...

Rồi họ đưa cho chúng tôi báo cáo 5450/BC-SVHTTDL ngày 24/12/2013 của Sở VH-TT-DL Đà Nẵng gửi Thường trực HĐND, UBND TP cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng tại công văn 11317/UBND-VX ngày 17/12/2013, Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Trung tâm Quản lý quảng cáo (thuộc Sở) và Phòng PA83 (Công an TP) tiến hành kiểm tra 17 cơ sở viết biển hiện bằng chữ Trung Quốc. Kết quả là cả 17 cơ sở đều có biểu hiện vi phạm, trong đó có 04 cơ sở bị xử phạt tổng cộng 10 triệu đồng, số còn lại bị cảnh cáo, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục.

Về việc ông Ngô Quang Vinh báo cáo với Bí thư Thành ủy là đã kiểm tra, xử lý “xong hết rồi” cách đây 3 tuần, ông Nguyễn Phước Nhàn, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL Đà Nẵng giải thích: “Cái đó là ảnh đi kiểm tra lại thôi, tức là đi hậu kiểm. Sau khi có báo cáo ngày 24/12/2013, gần đây anh Vinh kêu tôi với anh Hùng (ông Lê Tấn Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở - PV) đi kiểm tra lại một loạt!”. Và cách hậu kiểm của Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng được ông Nguyễn Phước Nhàn mô tả là “đi lướt qua”!

Chưa kể khi chúng tôi hỏi ông Lê Tấn Hùng, trưởng đoàn kiểm tra ngày 3/4, rằng con số 35 có phải đã là tất cả các cơ sở cần được kiểm tra thì ông trả lời: “Còn chứ, mới kiểm tra một buổi làm sao mà hết được. Mình mới kiểm tra mấy tuyến đường chính như Hoàng Sa, Trường Sa chứ mấy đường nhỏ, đường ngang ở bên biển thì mình chưa vô hết”.

Đến thực đơn cũng hoàn toàn bằng tiếng Tàu!

Sao phải chờ Bí thư Thành ủy “cầm tay chỉ việc”?

Qua hai báo cáo 5450/BC-SVHTTDL (24/12/2013) và 191/BC-SVHTTDL (3/4/2014) của Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, người ta còn thấy rằng, có rất nhiều cơ quan, đơn vị ở Đà Nẵng có chức năng và trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý tình trạng vi phạm biển hiệu tiếng Trung Quốc, gồm: Thanh tra, Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Trung tâm Quản lý quảng cáo (Sở VH-TT-DL), Phòng PA83 (Công an TP Đà Nẵng), Phòng VH-TT và chính quyền hai quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà trực tiếp quản lý nhà nước trên địa bàn.

Vậy mà như báo cáo 5450/BC-SVHTTDL (24/12/2013) cho biết, việc kiểm tra hồi cuối năm 2013 là thực hiện công văn 11317/UBND-VX (17/12/2013) của UBND TP Đà Nẵng sau khi có dư luận báo chí phản ảnh về “Phố Trung Quốc tại Đà Nẵng”. Còn việc kiểm tra ngày 3/4 vừa qua là do có ý kiến của các đại biểu tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng (mở rộng) lần thứ 12 và sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Bí thư Thành ủy Trần Thọ.

Có nghĩa, việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng Đà Nẵng hoặc theo phản ảnh của báo chí, hoặc phải chờ đến khi Bí thư Thành ủy trực tiếp “cầm tay chỉ việc” như đã thấy tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng (mở rộng) hôm ngày 3/4, từ phân công lực lượng đến quy định thời gian tiến hành kiểm tra và hoàn thành việc xử lý.

Sao phải chờ đến khi Bí thư Thành ủy lên tiếng thì các lực lượng chức năng Đà Nẵng mới đi kiểm tra?

Chưa thấy có lần nào chính các cơ quan này chủ động phát hiện và xử lý các biển hiệu tiếng Trung Quốc vi phạm Luật Quảng cáo. Vậy thì cả một hệ thống, với lực lượng rất hùng hậu như nêu trên đã ở đâu, làm gì, thể hiện trách nhiệm của mình ra sao trước một vấn đề nhạy cảm, phức tạp và bức xúc mà báo chí lẫn các đại biểu tham dự hội nghị Thành ủy (mở rộng) đều phải lên tiếng?

Với kiểu làm việc thụ động, thái độ trách nhiệm ở mức “có bảo mới làm” như vừa qua của các lực lượng chức năng, và với kiểu báo cáo “cách đây 3 tuần xong hết rồi” của Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, không quá ngạc nhiên khi cơ sở massage Mr.Bean (69 Hồ Xuân Hương) dù đã bị phạt 1 triệu đồng hồi cuối năm 2013 nhưng nay lại tiếp tục tái phạm. Nhà hàng – bar Dana Beach (đường Hoàng Sa) trưng dãy chữ Tàu to vật vã trước mặt tiền. Thậm chí khách sạn 4 sao Mường Thanh (đường Ngô Quyền) còn treo cả băng rôn quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc ngay trước tiền sảnh khách sạn...

Vậy thì, ai dám chắc tình trạng biển hiệu tiếng Trung Quốc vi phạm Luật Quảng cáo sẽ không còn tiếp diễn ở Đà Nẵng, như đã từng xảy ra? Cũng có nghĩa ai dám chắc một ngày nào đó, người dân cũng như du khách trong và ngoài nước đến phố biển Đà Nẵng mà cứ ngỡ như đang lạc giữa… phố Tàu!

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Lê Tấn Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL Đà Nẵng: “Mình đâu có nhiều người đâu, chỉ 7 – 8 người mà làm rất là nhiều lĩnh vực, trong khi quảng cáo chỉ có tôi một người, chuyên viên nhiều lúc người này, lúc người khác, rồi bao nhiêu việc nữa. Mình phải phối hợp với quận, đơn vị quản lý trên địa bàn. Nhưng đôi khi ở địa phương họ cũng ngại ngùng nên không làm, không báo. Chính quyền quận, phòng VH-TT các quận phải có trách nhiệm chứ!”.

Ông Nguyễn Phước Nhàn, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL Đà Nẵng: “Chúng tôi chỉ có 7 người mà phải lo văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, mênh mông bát ngát lắm. Không phải mình đổ trách nhiệm nhưng dưới Công an quận có Đội công an về văn hóa tư tưởng. Với lại mấy ông phường, quận… ví dụ như trong xóm mà thấy tương biển hiệu Trung Quốc lên thì phải báo chính quyền, chứ răng im lặng. Dưới tổ dân phố, dưới phường đủ thứ tổ chức anh biết rồi, nông dân, cựu chiến binh, rồi đoàn thanh niên… đủ thứ tổ chức, mà răng anh im lặng hết?”.

* “Ngoài Thanh tra thì Sở VH-TT-DL còn có Trung tâm Quản lý quảng cáo nữa mà? Họ quản lý như thế nào trong khi những trường hợp này là vi phạm Luật Quảng cáo? Thanh tra Sở thì quảng cáo, du lịch, nhà hàng, vận chuyển, vũ trường, karaoke, bu bám chèo kéo khách… đều phải xử lý hết, coi như tất tần tật. Nhưng anh Trung tâm Quản lý quảng cáo thì chức năng nhiệm vụ rõ ràng là quản lý quảng cáo thôi. Thanh tra là cơ quan xử lý kết quả do Trung tâm Quản lý quảng cáo kiểm tra, phát hiện. Ai treo cái băng rôn quảng cáo mà không nộp lệ phí là họ biết ngay, nhưng sao cái này lại không biết?” – chúng tôi đặt câu hỏi. Cả hai ông Nguyễn Phước Nhàn và Lê Tấn Hùng cùng cười.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn