Sở nhận lỗi để Hạ Long căng biển như phố Tàu

Thứ hai, 15/07/2013, 08:25
Đi chưa đầy một cây số trên tuyến đường mang tên Hạ Long của TP. Hạ Long, có thể thấy hàng chục biển hiệu của khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm… in đầy chữ Trung Quốc.

Ông Ðoàn Mạnh Linh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, để diễn ra hiện tượng như vậy, có phần trách nhiệm của ngành VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh. 

Biển chữ Tàu áp đảo

Tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm, chúng tôi gặp chị Tuyết- một khách du lịch lần đầu đến thành phố Hạ Long. Thấy chị tần ngần một lúc lâu trước những món quà bắt mắt, chúng tôi hỏi chuyện mới biết chị đang phân vân không biết đây là cửa hàng của người Việt hay người Trung Quốc.

Hầu hết chủ cửa hàng có biển hiệu chữ Trung Quốc trên tuyến đường này là người Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn không đọc nổi dòng chữ Trung Quốc trên biển hiệu nhà mình.

Ngay biển hiệu của hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên cũng “chú thích” dòng chữ Trung Quốc nổi bật hơn cả dòng chữ Việt. 

Pho Tau

Người dân ở đây cho cho biết, mấy năm qua, khách Trung Quốc đến Hạ Long rất đông. Có những buổi tối, họ đi từng đoàn, ăn uống ở các quán ăn trương biển hiệu chữ Trung Quốc nên cứ ngỡ đây là khu phố Tàu.

Anh Tiến, chủ một quán ăn cho biết: "Trước đây biển hiệu tiếng Anh cũng nhiều. Nhưng khi khách Trung Quốc đến rất đông, các chủ khách sạn, nhà hàng, cửa hàng đổi sang dùng biển hiệu chữ Tàu".

Hỏi đến quy định đặt biển hiệu quảng cáo, anh Tiến cho hay hầu hết chủ cửa hàng khác đều lắc đầu không biết hoặc “không cần biết”. Lý do là chỉ cần người Trung Quốc đọc và hiểu được, bán được nhiều hàng là tốt rồi.

Ông Phát, chủ một cửa hàng đồ lưu niệm cho biết, sự việc này diễn ra rất lâu rồi, nhưng không thấy các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở nên dân “cứ làm thôi”.

Tự tôn dân tộc ở đâu?

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Khoa Ngôn ngữ học, Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, không thể chấp nhận hiện tượng này. Lâu nay chính sách của Nhà nước luôn đề cao việc giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

“Phải tôn trọng tiếng nói và chữ viết của mình trên chính lãnh thổ của mình. Phải bảo vệ tính chính thống của tiếng Việt, bảo vệ tiếng Việt với tư cách là công cụ số một để quảng bá văn hóa Việt Nam”, PGS. Nguyễn Hữu Đạt nói.

PGS. Đạt kể, ông đã đi nhiều nước và thấy người Trung Quốc, Nhật Bản có ý thức rất cao trong việc bảo vệ ngôn ngữ của mình. Không chỉ trên đất nước của họ, mà ngay ở những khu tập trung nhiều người Trung Quốc trên thế giới, họ cũng dùng tiếng mẹ đẻ trên biển hiệu quảng cáo. ”Vậy tại sao nhiều người Việt Nam lại làm điều ngược lại ngay trên đất nước mình?”.

PGS. Đạt cũng phân tích: Về cơ bản, chữ Việt và các chữ viết hệ Latinh khác hẳn với chữ Trung Quốc. Do vậy, những người không biết chữ Trung Quốc đến Hạ Long nhìn vào các biển hiểu này sẽ thấy rất rối mắt, không thể đọc được chứ chưa nói đến chuyện hiểu ý nghĩa của nó. 

Pho Tau

Biển hiệu chữ Tàu đang áp đảo chữ Việt ở Hạ Long, Quảng Ninh

Ông Ðoàn Mạnh Linh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh thừa nhận hiện tượng này đang diễn ra phổ biến ở một số điểm du lịch tỉnh Quảng Ninh như Móng Cái, Hạ Long...

Theo ông Linh, nguyên nhân tình trạng này là do tại những địa điểm này, khách du lịch đến từ Trung Quốc và Đài Loan rất nhiều nên người kinh doanh thường in biển quảng cáo bằng chữ Trung Quốc để thu hút lượng khách này.

“Người dân không làm biển quảng cáo có chữ tiếng Anh bởi phần lớn khách du lịch Trung Quốc đến đây không biết tiếng Anh. Trong khi đó, người dân lại muốn gây sự chú ý trực tiếp vào lượng du khách đông đảo đến từ Trung Quốc”, ông Linh nói.

Bên cạnh đó, phải kể đến sự kém hiểu biết pháp luật của người dân, cùng với tâm lý ganh đua, thấy nhà này làm biển quảng cáo chữ Trung Quốc, nhà bên cạnh cũng làm, người sau cố làm to hơn người trước...

Ông Linh cho rằng, để diễn ra hiện tượng như vậy, có phần trách nhiệm của ngành VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh. Bản thân Sở đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra, ra quân dẹp các sai phạm trên, trung bình mỗi quý có 3 đợt ra quân kiểm tra. Qua quá trình kiểm tra, Sở cũng đã xử phạt nhiều đơn vị sai phạm.

“Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra đến nhắc nhở, dẹp biển quảng cáo sai phạm, nhưng sau đó lại đâu vào đấy, người dân vẫn tiếp tục vi phạm”, ông Linh nói.

Bên cạnh đó, do địa bàn tỉnh rộng, trong khi lực lượng thanh kiểm tra mỏng nên vẫn còn những nơi sai phạm. Ngoài ra, trong quá trình đoàn kiểm tra làm việc cũng vấp phải sự thiếu hợp tác của một vài hộ dân. Nhiều hộ dân vì muốn đạt hiệu quả kinh doanh mà sẵn sàng làm sai luật, phản ứng lại với cán bộ thanh kiểm tra.

Đại diện Sở VH-TT và DL cho biết, đầu tuần tới, Sở sẽ tổ chức ra quân dẹp các sai phạm biển hiệu quảng cáo tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ có những biện pháp tuyên truyền giáo dục để người dân kinh doanh đúng pháp luật.

Khoản 2, Điều 18 của Luật Quảng cáo quy định:

Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt; Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn