GS.Trần Hồng Quân: Phải đau xót chấp nhận phân loại giàu nghèo

Thứ hai, 15/07/2013, 12:27
"Đứng trước thực tế học sinh trường chất lượng cao là của con nhà giàu, được đưa đón xe hơi, còn con nhà nghèo lại học trong ngôi trường cơ sở hạ tầng thiếu thốn, lạc hậu, tôi cũng phải thừa nhận, đứng về mặt giáo dục đó là sự thật xót xa" - GS Trần Hồng Quân nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam chia sẻ.

Không thể có giáo án khác 

Theo quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được áp dụng trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non và trung học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2,9 -3 triệu. Ông đánh giá như thế nào về quyết định  mới này của thành phố Hà Nội? 
 
- Nói về tình trạng chung của nền giáo dục hiện nay ở nước ta, phải nói rằng nguồn cung không thỏa mãn được nhu cầu chi phí tối thiểu. Không chỉ ở cấp tiểu học, mầm non mà ngay cả bậc đại học cũng vậy.  
giau ngheo

GS Trần Hồng Quân

Để đảm bảo được giáo dục có chất lượng thì bắt buộc phải có nguồn chi tối thiểu đủ để nuôi sống nó. Cũng giống như sản xuất nếu chi phí quá thấp hơn chi phí cần thiết tối thiểu thì chỉ có thể sản xuất được hàng giả chứ không thể sản xuất được hàng thật. 

Đó là bài toán kinh tế trong đào tạo cần phải được đặt ra, tính toán cụ thể và công khai cho mọi người cùng biết. Để đảm bảo được nguồn cung đó có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, có thể từ gia đình người học, có thể là xã hội. Tóm lại, bằng cách này hay cách khác, phải đảm bảo được nguồn chi phí tối thiểu, thiếu nó không thể duy trì được. 
 
Tôi chưa có một tính toán cụ thể về chi phí tối thiểu của Hà Nội nên tôi không thể phát biểu được chi phí đó là hợp lý hay không ---, nhưng nếu HN đã có tính toán cụ thể thì vấn đề tăng học phí đặt ra trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Đương nhiên nó sẽ gặp phải vấn đề xã hội vốn quen được bao cấp phần lớn chi phí giáo dục nên có thể không ủng hộ, mặt khác cũng không ít gia đình thật sự khó khăn.nên có chính sách riêng.
 
Thưa Giáo sư, nếu so sánh với các trường tư, mức học phí trên thuộc nhóm cao hay thấp, tương đương với mức thu nhập trung bình bao nhiêu của phụ huynh?
 
- Nếu so sánh học phí trường công lập với trường tư là là không thỏa đáng. Hệ thống trường tư là một hệ phổ rộng, có trường cao, có trường thấp.
 
So sánh với thu nhập cũng vậy, cũng có người thu nhập cao, người thu nhập thấp nhưng vấn đề mình quan tâm là người nghèo thì rõ ràng nó đã đụng chạm đến một số bộ phận người nghèo. 
 
Theo ông, chất lượng cao mà Sở GDĐT HN nói đến là gì, có thể có một chương trình giáo án khác với chương trình của Bộ không? Nếu không thì liệu có được chất lượng giảng dạy cao tương xứng như mức phí?
 
- Chất lượng cao, cũng cần phải nhìn một cách toàn diện là chất lượng không phải chỉ giỏi môn toán, giỏi môn văn... mà là một học sinh phát triển toàn diện, năng động, tự tin, có khả năng tự học, biết  tổ chức công việc, có óc sáng tạo...
 
Tất nhiên, không thể có được một chương trình giảng dạy khác so với chương trình của Bộ. Đã là chương trình của Bộ là chương trình mang tính pháp lệnh rồi nên không thể bỏ đi bất cứ môn nào. Các trường này chỉ nên tăng cường các môn học kỹ năng mềm, kỹ năng sống, tăng cường ngoại ngữ, tin học, tăng cường các hoạt động thực tế, phương pháp giảng dạy và rèn luyện con người tốt hơn.
 
Phân biệt giàu nghèo, đau xót nhưng phải chấp nhận
 
Nếu việc hình thành 35 trường công lập chất lượng cao ở tất cả các cấp học được hoàn tất, liệu điều đó có tạo nên được một cuộc đua sòng phẳng trong hệ thống giáo dục và kết quả là học sinh lựa chọn được môi trường học tập phù hợp nhất không, thưa ông?
 
- Tôi hoan nghênh chủ trương nhà nước xây  trường mà được giao quyền tự chủ tài chính cho phần lớn các hệ thống đào tạo nghề nghiệp từ dạy nghề đến đại học và một số các trường phổ thông chất lượng cao, hoạt động như những trường tư  phi lợi nhuận với sự minh bạch công khai về tài chính dưới sự kiểm soát  của nhà nước và giám sát của xã hội.  
 
Tôi cũng rất mong muốn có những chính sách để khuyến khích các trường tư phát triển, cạnh tranh một cách công bằng, lành mạnh. Nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ với hệ thống trường tư nhân như về đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi... Trên thực tế, cái này đã có chính sách từ nghị định 69 của Chính phủ, nhưng không ai làm .
 
Vướng mắc nằm ở đâu, thưa ông?
 
- Có lẽ do vướng mắc trước hết là chưa quán triệt một chủ trương lớn đã được nêu trong nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước là Xã hội hoá Giáo dục. Phải kiểm điểm tại sao chưa làm được. Đó cũng chính là trở ngại đối với sự phát triển của hệ thống trường tư, một bộ phận lẽ ra phải có vai trò quan trong hơn nhiều nhất là trong hệ thống đào tạo nghề.
 
Đã là hệ thống trường công, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ tiền thuế đóng góp của dân nhưng tại sao lại có sự phân cấp trường chất lượng cao, chất lượng thấp ngay trong hệ thống trường công, thưa ông? Như vậy có đảm bảo được mục tiêu công bằng xã hội? Có công bằng với người dân, thưa ông?
 
- Lẽ ra tất cả các trường đều phải bảo đảm chất lượng cao và không có sự lựa chọn học sinh để bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học. Tiếc là chúng ta chưa có khả năng đại trà.
 
Phải xây dựng một số ít các trường công lập chất lượng cao chỉ dành cho một số hạn chế học sinh là điều bất đắc dĩ và tạm thời trong giai đoạn trước mắt, chấp nhận sự thiếu công bằng xã hội ở mức độ nhất định.
 
Sẽ có tình trạng là với mức học phí cao quá  thì chỉ có con nhà có tiền và học khá mới học nổi. Đó là điều các nhà giáo dục cũng như xã hội không mong muốn mà đành phải chấp nhận.
 
Có lẽ đây cũng là cách để ta làm xuất hiện một số trường công mà ở đó thật sự có đủ kinh phí để trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy... có đủ điều kiện tối thiểu cần có để dạy ra dạy, học ra học. 
 
Ông có tư vấn gì với Hà Nội xung quanh quyết định này không, thưa ông?
 
- Cách đặt vấn đề tăng học phí trong bối cảnh hiện nay, để có đủ  điều kiện tối thiểu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là đúng. Ta muốn làm giáo dục  nghiêm túc thì không thể tránh né bàn đến chi phí tối thiểu cần có. Đó là sự thẳng thắn, trách nhiệm, dũng cảm và cũng có phần xót xa.  
 
Phần tiếp theo chỉ đạo cho tốt để xây dựng mô hình các trường có cơ chế này, không chỉ về tài chính mà toàn bộ các hoạt động của trường để có chất lượng cao.
 
Xin cảm ơn ông!
 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân phải gánh cùng nhà nước. Là người hưởng thụ nền giáo dục được bao cấp của nhà nước này nếu mình có thể đóng góp được bao nhiêu thì cố gắng đóng góp để có thể có được chi phí tốt hơn, để đảm bảo chất lượng  

Đây là bài toán lâu nay chúng ta vẫn né tránh, nhưng đó là một thực tế mà không làm không được. 

Người dân cũng không nên quen với việc của bao cấp nhà nước. Trước đây nhà nước bao cấp, giờ nhà nước bớt bao cấp đi và giao cho họ quyền tự chủ, tự thu, tự chi và đúng ra là dần dần phải khấu hao.  

Nghĩa là, dần dần xã hội phải gánh cái chi phí này, đó cũng chính là quá trình xã hội hóa giáo dục. Khi đó, sẽ tạo ra sự bình đẳng trong các trường tư và trường công trong các hoạt động thường xuyên, tất nhiên nó không bình đẳng về sự đầu tư ban đầu.   

GS Trần Hồng Quân

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn