Giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - trao đổi với phóng viên về việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.
Các tàu của Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Trung Quốc đang bất chấp dư luận quốc tế
Thưa Giáo sư, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, Giáo sư đánh giá thế nào về thái độ hung hăng của Trung Quốc khi dùng tàu cỡ lớn, phun vòi rồng, đâm thẳng vào Cảnh sát biển Việt Nam khi lực lượng này đang làm nhiệm vụ?
Tôi thấy rằng, Trung Quốc đang bất chấp thế giới và thách thức dư luận. Trước hết, khi lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam ra khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để thực thi nhiệm vụ, các tàu thuyền Trung Quốc có máy bay yểm trợ và có cả tàu quân sự ngang nhiên đâm thẳng vào tàu của Việt Nam. Có thể nói, người dân Việt Nam và thế giới không ai kìm được sự phẫn nộ, bởi đó là cách hành xử rất thiếu văn hóa.
Với cách hành xử như vậy, Trung Quốc sẽ mất rất lớn về thể diện của một quốc gia luôn hô hào yêu chuộng hòa bình và trở thành cường quốc trên thế giới... Tôi cho rằng kiểu hành xử của Trung Quốc như vậy là tiểu nhân.
Theo Giáo sư, mục đích của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là gì?
Chúng ta không khó để nhìn ra điều đó. Mục đích của Trung Quốc trong việc mang giàn khoan neo đậu tại vùng biển Việt Nam là thể hiện từng bước mưu đồ bá chủ biển Đông. Đồng thời qua vụ việc này, Trung Quốc cũng muốn đưa ra phép thử xem phản ứng của quốc tế thế nào, thái độ của Việt Nam ra làm sao - Một kiểu làm “rất Trung Quốc” - “Nhất cử lưỡng tiện”. Tôi nghĩ rằng, nếu Việt Nam phản ứng không đủ mạnh trước hành vi sai trái của Trung Quốc thì chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành các bước leo thang khác trong tương lai.
Thưa giáo sư, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, trước đây từng tuyên bố có một phần lợi ích quốc gia ở biển Đông. Giáo sư có nghĩ đến việc cả thế giới sẽ đoàn kết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc?
Tôi nghĩ rằng, các nước trên thế giới họ tôn trọng luật pháp quốc tế thì họ sẽ thấy hành động của Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Trước hết vì luật pháp quốc tế, vì lẽ phải, vì sự công bằng thì họ mới có thái độ phản ứng mạnh mẽ các hành động hung hăng của Trung Quốc như hiện nay.
Vấn đề nữa, nếu các nước trên thế giới và Việt Nam không đấu tranh đến cùng với hành động bá chủ biển Đông của Trung Quốc thì quyền lợi trên biển Đông của các nước trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Bởi vì đây là một vùng biển mà ít nhiều các nước đều có quan hệ quyền lợi vì đó là một luồng giao thông cực kỳ quan trọng của tuyến hàng hải thế giới...
Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông và tất nhiên họ sẽ có kiểu thôn tính của họ. Thí dụ như nước lớn thì họ né ra và chỉ hung hăng với các nước nhỏ; Trung Quốc họ vẫn thế. Nhưng dù sao chăng nữa, việc Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh hàng hải. Tôi nghĩ rằng các nước họ sẽ có những thái độ ở mức độ khác nhau và những biểu hiện khác nhau đối với Trung Quốc.
Chân lý thuộc về Việt Nam
Thưa Giáo sư, mặc dù ở hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng Giáo sư nhìn nhận thế nào sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và vụ việc đưa giàn khoan chiếm đóng trái phép trên biển Việt Nam hiện nay của Trung Quốc?
Trước đây năm 1974, quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng chính quyền Sài Gòn lúc đó đang cai quản. Và chính quyền Sài Gòn thời điểm đó đã làm những việc có thể trong phạm vi của họ; tức là dùng các biện pháp quân sự để đối đầu với Trung Quốc, nhưng cuối cùng chúng ta đã thấy, phần thắng về mặt quân sự thuộc phía Trung Quốc. Sau đó họ đã chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và tiến hành xây cái gọi là các căn cứ.
Đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam thể hiện mưu đồ bá chủ biển Đông của Trung Quốc.
Nhưng Chính phủ Việt Nam cũng chưa bao giờ thừa nhận điều này và chúng ta vẫn đang kiên trì đấu tranh, khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; nhưng xử lý như thế nào cũng phải có một quá trình lâu dài.
Để so sánh giữa hai sự việc thì đều là phạm vi chủ quyền, một phần lãnh thổ của Việt Nam mà Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm. Kia là đảo nổi có sẵn, Trung Quốc chiếm đóng trái phép, còn việc họ kéo giàn khoan ra phần thềm lục địa Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của mình để khai thác cũng không có gì khác. Tức là họ cũng ngang nhiên xâm lược chứ không phải làm trộm. Gần trăm tàu cỡ lớn rồi bao nhiêu máy bay yểm trợ như vậy cũng là một cách xâm phạm chủ quyền theo cái cách là đem lại lợi ích cho bản thân mình.
Theo tôi thì đây chính là lúc chúng ta phải kiên quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ lãnh thổ của mình. Nếu chỉ giải quyết theo kiểu trả đũa, “nó” mang tàu đâm mình, mình lại quay ra đâm “nó”, theo tôi đó chỉ là tính chất giải pháp tình thế. Phải nghĩ chuyện căn cơ hơn, lâu dài hơn, chiến lược hơn. Phải tính chuyện không còn nghi ngờ gì nữa, sớm muộn Trung Quốc sẽ thực hiện một cách dai dẳng và rất hung hăng ý đồ độc chiếm biển Đông.
Do đó mình phải có một chiến lược đối phó, không phải cứ nhường nhịn là xong! Ở đây tôi nghĩ Chính phủ đã nghĩ đến chuyện này.
Tôi cũng nghĩ Trung Quốc rất sợ vụ việc vừa rồi được quốc tế hóa rộng rãi. Đấy chính là điểm yếu của họ. Điểm yếu tiếp theo là chân lý. Chân lý không thuộc về họ nên họ đang rất lúng túng; mình nên đẩy mạnh thế mạnh chân lý thuộc về mình.
Thưa giáo sư, khi Việt Nam và cả thế giới lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ về hành động xâm lược Việt Nam của Trung Quốc thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn im tiếng, Giáo sư lý giải thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng họ chăm chú theo dõi đấy. Họ đang theo dõi động thái của Chính phủ Việt Nam và mức độ động thái của các cường quốc như Nga, Mỹ, Ấn Độ... Họ cũng sẽ có những quyết định tiếp theo, phụ thuộc rất nhiều vào những thái độ này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki: "Việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu Việt Nam là cách hành xử nguy hiểm, mang tính hăm dọa". |
Thưa Giáo sư, qua sự kiện này, mối quan hệ Việt - Trung bị ảnh hưởng ở mức độ nào?
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không phải là quan hệ một chiều. Việt Nam cần phải có cách ứng xử của một nước với tư thế có chủ quyền, tương xứng với với vị thế của một dân tộc được thế giới kính nể.
Vừa rồi chúng ta kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - một sự kiện lịch sử mà cả thế giới phải nghiêng mình kính nể. Lúc này mình cần phải ứng xử thế nào cho đúng với vị thế của một dân tộc anh hùng. Cho nên, nếu nói đến ảnh hưởng thì sẽ theo nghĩa Trung Quốc sẽ có phản ứng kiểu trả đũa, sẽ xấu đi theo một nghĩa nào đó. Nhưng bù lại, hình ảnh của Việt Nam sẽ có thay đổi trong mắt bạn bè quốc tế nếu như chúng ta có cách xử lý đàng hoàng, đĩnh đạc, theo đúng chuẩn mực quốc tế.
Người Việt Nam hay có câu “một điều nhịn chín điều lành”. Nhưng tôi vẫn nói với mọi người là với cách hành xử của Trung Quốc, thì “một điều nhịn” cũng chẳng có nổi một điều lành chứ đừng có mong “chín điều lành”. Chúng ta không kiên quyết thì hôm nay họ mang giàn khoan 981, ngày mai có thể sẽ là giàn khoan 98... khác.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Dân trí