Giàn khoan trái phép của Trung Quốc: ASEAN phản ứng ra sao?

Thứ sáu, 09/05/2014, 17:32
Vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong khi dư luận quốc tế rất mạnh mẽ thì khối ASEAN vẫn im ắng.

Vì sao ASEAN chưa lên tiếng?

Trong khi dư luận quốc tế phản đối Trung Quốc xung quanh giàn khoan trái phép rất mạnh mẽ thì các nước khác trong cộng đồng ASEAN đến nay vẫn chưa có phản ứng nào về vụ việc.

Theo các tin tức trên báo chí, trong cộng đồng ASEAN chỉ có Singapore lên tiếng chính thức về vụ việc này. Theo TTXVN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này hôm 7/5 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại biển Đông và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này.

Trả lời báo chí về thái độ phản ứng của Singapore trước thông tin vụ việc giàn khoan HD981 của Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển Việt Nam, người phát ngôn Bộ ngoại giao Singapore cho biết nước này kêu gọi các bên tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.

Giàn khoan trái phép của Trung Quốc: ASEAN phản ứng ra sao? - Ảnh 1

Giàn khoan HD981 của Trung Quốc đang xâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thêm vào đó, Tiến sĩ Ian Storey của Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Singapore cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam là một "kịch bản nguy hiểm" cho các nước xung quanh. Ông này nhấn mạnh: “Chúng ta đang có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một kịch bản vô cùng nguy hiểm”.

Theo tin tức mới nhất từ AFP, cuối tuần này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ họp thượng đỉnh tại Myanmar. Trong bối cảnh các tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Trung Quốc với Philippines trong thời gian qua, chủ đề này được dự đoán là sẽ nóng trên bàn Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tới đây.

Chuyên gia theo dõi tình hình an ninh khu vực, giáo sư Carlyle Thayer tin rằng: “Những hành động của TQ diễn ra ngay trước thềm Hội nghị ASEAN tại Myanmar sẽ khiến vấn đề biển Đông trở thành chủ đề số một trong nghị trình”.

Tuy nhiên, cộng đồng ASEAN sẽ phản ứng ra sao? Hội nghị thượng đỉnh ở Myanmar sẽ đi tới kết quả nào trong ứng xử với Trung Quốc thì vẫn là một điều khó đoán. Nó phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia theo đuổi cũng như cả cộng đồng đã thực sự đồng thuận sát cánh bên nhau trước sức ép ngày càng mạnh mẽ từ Trung Quốc hay chưa?

Quốc tế tiếp tục phản ứng mạnh mẽ

Sau sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách bất hợp pháp và có hành động đâm tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam, dư luận quốc tế đã lên tiếng rất mạnh mẽ.

Tin từ báo Dân trí cho biết hôm 7/5, tại hội thảo về “Vai trò của Italy tại châu Á – Thái Bình Dương” tổ chức tại Rome, nhiều học giả và diễn giả đã lên án mạnh mẽ các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Cũng trong ngày 7/5, ở Mỹ, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao nước này, người phát ngôn ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại sâu sắc về hành động leo thang mới của Trung Quốc tại biển Đông và gọi hành động đâm vào tàu của Việt Nam là một cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa.

Theo TTXVN, bà Jen Psaki – người phát ngôn ngoại giao của Mỹ nói: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại về cách hành xử và hăm dọa nguy hiểm của tàu bè tại các vùng biển có tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hành xử một cách an toàn và thích hợp, giải quyết các yêu sách chủ quyền một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với lụât pháp quốc tế”.

Cũng theo TTXVN, một loạt tờ báo nước Đức như Thế giới (die Welt), Thời đại (die Zeit), Tấm gương (die Spiegel), Làn sóng Đức (DW)… đã đăng tin, ảnh phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.

Tờ Thế giới giật title: “Trung Quốc dùng tàu chiến đâm vào tàu Việt Nam” và đánh giá hành động Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “một trong hàng loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc”.

Ở cấp cao hơn, ông Daniel Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định nước Mỹ phản đối bất kỳ hành động hăm dọa nào bằng tàu thuyền trên biển. Theo tin của báo VnExpress, ông Russel khi tiếp xúc với một nhóm phóng viên tại Hà Nội đã nói: “Mỹ rất quan ngại về các hành xử gây nguy hiểm trên biển và chúng tôi phản đối bất kỳ hành động hăm dọa nào của tàu. Các bên liên quan cần phải kiềm chế”.

Bên cạnh đó, nhiều học giả quốc tế cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với hành động của Trung Quốc. Ông Andrew Billo – học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á có trụ sở tại New York cho việc đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Giàn khoan trái phép của Trung Quốc: ASEAN phản ứng ra sao? - Ảnh 2

Ông Andrew Billo. Ảnh: TTXVN

Nước Nhật Bản – một nước cũng đang có những tranh chấp biển đảo với Trung Quốc đã lập tức có phản ứng sau khi biết tin về vụ giàn khoan HD981. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bài phát biểu tại trụ sở của NATO tại Brussel cho rằng việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh ở biển Hoa Đông và biển Đông có thể gây ra những căng thẳng mới trong thời hậu chiến tranh lạnh. Ông Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi không chấp nhận việc dùng vũ lực và áp bức nhằm làm thay đổi hiện trạng của khu vực”.

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida trả lời phỏng vấn của hãng tin Kyodo tại Paris về vụ việc cũng nói: “Hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Tokyo không thể không quan ngại. Các bên cần tránh những hành động đơn phương trên biển Đông”.

Theo Người đưa tin

Các tin cũ hơn