Chính trị phân cực của Thái Lan đã kéo dài hơn một thập kỷ và chưa có dấu hiệu thỏa hiệp. Những người chống chính phủ (còn gọi là phe áo vàng) đã bắt đầu chiến dịch của họ từ tháng 11 năm 2013, và ngày hôm qua lực lượng này đã bao vây sở cảnh sát, đài truyền hình trong chiến dịch họ gọi là “trận chiến cuối cùng”.
Phát ngôn viên của một nhà hoạt động thuộc phe áo đỏ, ông Thanawut Wichaidit, cho biết: “Chúng tôi ở đây để cho thấy rằng chúng tôi phản đối những người biểu tình chống chính phủ về việc họ yêu cầu thành lập chính phủ mới không qua bầu cử”.
Hàng ngàn người trung thành với chính quyền của bà Yingluck Shinawatra đã diễu hành từ ngoại ô vào trung tâm thành phố để “bảo vệ nền dân chủ”. Ông Wichaidit nói thêm: “Chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi không sử dụng bạo lực nhưng sẽ dùng sức mạnh quần chúng để đấu tranh cho nền dân chủ”.
Cảnh sát phải sử dụng vòi rồng để trấn áp người biểu tình
Các quan chức Thái Lan cho biết, khoảng 3.000 cảnh sát đã được huy động ở vùng ngoại ô phía Tây thủ đô Bangkok để theo sát các nhóm biểu tình.
Bạo lực đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương bởi súng và lựu đạn trong những ngày gần đây. Các quan chức lo ngại căng thẳng leo thang sẽ khiến bạo lực gia tăng hơn nữa từ cả hai phía.
Hôm 9/5, cảnh sát đã phải dùng tới súng bắn hơi cay và vòi rồng để đối phó với lực lượng biểu tình phe áo vàng. Ít nhất 5 người đã bị thương trong vụ đụng độ.
Xung đột chính trị ở Thái Lan diễn ra từ năm 2006 khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do bị cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Cho tới ngày nay, các cuộc xung đột chính trị đang bước vào một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Theo Khampha