Tiêm nhầm vắcxin: Y tế Quảng Trị chịu hoàn toàn trách nhiệm

Thứ hai, 26/05/2014, 15:23
"Nếu sai sót, liên quan đến ai, ra làm sao, ngành y tế nơi đó phải có kiểm điểm, phải có xử lý nghiêm túc".

Đó là nhận định chung của GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch Tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng – Bộ Y tế và ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục y tế dự phòng trước kết quả điều tra vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong tại BV huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Ngành y tế địa phương phải kiểm điểm

Ngày 22/5, cơ quan điều tra đã có kết luận vụ 3 trẻ sơ sinh từ vong sau tiêm phòng vắc xin viêm gan B ở BV đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, thay vì tiêm vắc xin thì y tá đã tiêm nhầm thuốc gây mê Esmeron (một loại trong nhóm thuốc độc).

Trước kết quả này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết: "Bộ Y tế cũng đã có đầy đủ các hướng dẫn, đầy đủ các quy định, về việc tập huấn cho y tá. Còn BV huyện đa khoa thuộc ngành y tế Quảng Trị. Nếu sai sót, liên quan đến ai, ra làm sao, ngành y tế nơi đó phải có kiểm điểm, phải có xử lý nghiêm túc".

Ông Phu nhấn mạnh: "Như vậy, trách nhiệm hoàn toàn thuộc ngành y tế Quảng Trị".

Đồng tình với quan điểm của ông Phu, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch Tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng – Bộ Y tế cũng cho hay: "Quyết định 23/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế “Quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị”, đã qui định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống y tế về tiêm chủng an toàn.

Ngành y tế Quảng Trị phải xem xét xử lý nghiêm minh

Ngành y tế Quảng Trị phải xem xét xử lý nghiêm minh.

Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, thanh tra hoạt động về tiêm chủng phòng bệnh trong phạm vi địa phương, tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp chứng nhận tham dự tập huấn cho cán bộ y tế về các quy định về tiêm chủng an toàn".

Chính vì vậy, theo ông Hiển, nếu không thực hiện đúng theo các hướng dẫn, tập huấn, xảy ra sai sót, trách nhiệm thuộc ngành y tế địa phuong.

Chưa làm đúng quy trình 3 kiểm tra - 5 đối chiếu

Trong phương diện khác, nói về việc y tá đã được tập huấn, mà sao vẫn làm sai quy trình, ông Hiển lý giải: "Các cán bộ y tế ở đây đã vi phạm nghiêm trọng Quyết định 23/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế “Quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị” là vắc xin, sinh phẩm y tế phải được bảo quản riêng trong dây chuyền lạnh tại cơ sở y tế, không được bảo quản cùng với các sản phẩm khác".

Bên cạnh đó, theo ông Hiển, y tá tiêm hôm đó cũng đã không thực hiện các qui định chuẩn trong thực hành tiêm truyền của cán bộ y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh được gắn tại bàn tiêm đó là 3 kiểm tra (tên bệnh nhân, tên thuốc / vắc xin và liều dùng) và 5 đối chiếu (số giường / buồng bệnh nhân, nhãn thuốc, chất lượng, đường dùng, và thời gian dùng thuốc).

Ngay từ đầu, đã có nhiều vấn đề trong cung cấp dịch vụ tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hoá.

Ông Hiển chỉ rõ: "Đó là, bảo quản vắc xin chưa đúng quy định; Để vắc xin cùng một số chất, thuốc khác. Quản lý vắc xin tại bệnh viện chưa đúng theo quy định: không phân công người theo dõi, không ghi chép quản lý vắc xin hàng ngày, không lưu vỏ lọ vắc xin theo quy định.

Không triển khai tiêm vắc xin tại phòng tiêm riêng mà tiêm tại phòng bệnh. Lỗi dịch vụ tiêm chủng có thể đã xảy ra trong bối cảnh mất điện và thực hành tiêm vắc xin chưa đúng qui định của Bộ Y tế".

Ông Phu cũng nhận định là theo đúng quy định là không được bỏ lẫn thuốc vào vắc xin, và đây chắc chắn là do nguyên nhân chủ quan từ cán bộ y tá.

Đã có quy định rất rõ ràng không được để lẫn thuốc và vắc xin, song người tiêm lại không kiểm tra tên tuổi đàng hoàng, thì rơi vào tình trạng đó là đương nhiên.

Để tránh gặp phải những sự cố đáng tiếc như vừa qua, ông Hiển, đưa ra một số giải pháp:

Một là, Tăng cường sự giám sát của gia đình / người được tiêm. Cán bộ y tế phải tư vấn đầy đủ cho gia đình / người được tiêm chủng. Chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ cho gia đình / người được tiêm chủng và được sự đồng ý tiêm chủng của gia đình / người được tiêm chủng.

Hai là, trước khi tiêm chủng cán bộ y tế phải đưa gia đình / người được tiêm chủng kiểm tra tên vắc xin, hạn sử dụng của lọ vắc xin sẽ tiêm. Theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng trong thời gian 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng.

Ba là, hướng dẫn gia đình / người được tiêm chủng phải theo dõi tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng. Khi có dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng thì phải đưa ngay người được tiêm đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị đến khi ổn định.

Bốn là, Sở Y tế bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng.

Bên cạnh đó, ông Hiển cũng đề nghị người dân hãy tin tưởng vào lợi ích của tiêm chủng, ngành y tế đã cố gắng hết sức để đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng, hãy mang con em mình đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch nhằm bảo vệ sức khỏe cho con em mình và cho cộng đồng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn