Náo nhiệt mại dâm: Tặng dâm, biếu dâm...thì không xử được!
Ông Nguyễn Kim Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) nói về cái khó trong công tác quản lý mại dâm trên địa bàn thành phố.
Mại dâm là nhu cầu thật của loài người
Ông Nguyễn Kim Hiền cho biết, xuất phát từ thực tế tình trạng mại dâm ngày càng phát triển công khai, phức tạp, Hà Nội có kiến nghị nêu tên những người mua dâm; Tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm để kiểm điểm, giáo dục.
Ông Hiền khẳng định, giải pháp này chỉ nhằm đánh động về mặt tâm lý với người tham gia mua dâm để họ có lựa chọn, cân nhắc giữa cái được và cái mất nếu bị bêu tên trước gia đình, vợ con, cơ quan đồng nghiệp mà từ bỏ hành vi mua - bán dâm.
Mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn mại dâm là gần như bất khả kháng, không thể xóa bỏ hoàn toàn vì đó là nhu cầu thật, có cung có cầu mà chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của nó cùng với sự phát triển của loài người.
Tuy nhiên, chính cơ quan quản lý đưa ra đề xuất cũng đang gặp phải khó khăn lớn khi không thể xác định được hành vi mua - bán dâm.
Ông Hiền thừa nhận, nếu xác định những vụ mua - bán dâm thật sự chỉ có trong những vụ trọng án. Số này lại không nhiều. Còn để yêu cầu có bằng chứng chứng minh hành vi mua bán dâm là không thể.
"Ngay cả khi một nam - một nữ đang hành sự trên giường nhưng nếu mang đủ giấy tờ tùy thân, không có giấy tờ, hóa đơn thể hiện giao dịch, thỏa thuận mua bán thì chúng tôi cũng chịu", ông Hiền thừa nhận.
Ngay cả khi họ thực hiện hành vi mua bán dâm thật nhưng nếu thực hiện giao dịch qua chuyển khoản, hay trong trường hợp khách mua dâm nói là yêu nhau, là người tình hay là cho dâm, tặng dâm... cũng đều là những khái niệm không thể tách bạch khiến cơ quan chức năng phải bó tay.
Ông Hiền trăn trở, "chúng tôi cũng chưa biết sẽ làm thế nào và làm sao có thể xác định được những hành vi này để xử lý. Đó là cái khó của cơ quan quản lý".
Thôi thì đành... chấp nhận!
Đứng trước tình huống khó, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đề xuất mở rộng khái niệm mua - bán dâm bao gồm hành vi "giao cấu giữa nam và nữ"; cũng là định nghĩa mới nằm trong khái niệm để xác định hành vi mua - bán dâm.
Nhưng câu chuyện này cũng không hề đơn giản bởi thực tế, hành vi giao cấu giữa đối tượng quan hệ đồng tính thì có được coi là hành vi mua bán dâm không? Hay kích dục, khiêu dâm cũng là định nghĩa rất khó định được bản chất? Ông Hiền cũng thẳng thắn thừa nhận, "cơ quan quản lý đề xuất như vậy nhưng đúng là không biết xác định thế nào vì khó quá".
"Thì thôi đành phải chấp nhận để nó tồn tại và cơ quan chức năng phải chạy theo để xử lý với những hành vi phát sinh", ông Hiền cho biết.
Theo ông Hiền, thực tế khi đưa ra đề xuất như vậy Hà Nội chỉ mong có thể hạn chế được các hoạt động mại dâm mang tính công khai gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, hoạt động của thành phố. Bên cạnh đó, là hạn chế được sự lây lan bệnh tật, những tác động xấu tới tâm lý xã hội. Ông Hiền cũng không dám đặt niềm tin giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống mại dâm.
Trong khi đó, xử phạt hành chính không phải là giải pháp tối ưu vì mức phạt 100 - 200 ngàn so với thu nhập cả 20 - 30 triệu/tháng của gái bán dâm là số tiền quá nhỏ.
Do đó, việc quản lý gái mại dâm đã phức tạp, khó khăn giờ lại chồng thêm khó. "Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý tình trạng mua - bán dâm, hiện giờ chúng tôi đang đề xuất nối mạng quản lý mại dâm trực tiếp giữa các phường, xã, quận huyện trên địa bàn thành phố. Nghĩa là nơi nào có gái mại dâm bị bắt, phạt thì lập tức sẽ cập nhật số liệu, tên tuổi để cơ quan quản lý nắm được", ông Hiền cho biết.
Nhưng trước lo ngại có sự chia chác, thỏa thuận, nộp phạt theo tháng, theo quý để không bị bắt sẽ rất khó có được một số liệu thống kê thật.
Quản lý bất lực nên thua mại dâm!
Theo ông Hiền cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 50 tụ điểm hoạt động mại dâm với số lượng khoảng 3000 gái mại dâm (chưa kể số lượng gái bán dâm hoạt động ngầm) đang được các cơ quan quản lý hàng ngày theo sát.
Với gợi ý của Bộ về thành lập phố đèn đỏ, Hà Nội đang rất thận trọng chờ học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác. Kinh nghiệm cho thấy, nếu thành công là tốt nhưng thất bại thì hậu quả là vô cùng lớn. Hiện một số nước hiện đại trên thế giới như Thụy Điển, sau khi thí điểm coi mại dâm là nghề nay cũng phải quay trở lại không công nhận mại dâm là nghề.
Trong bối cảnh tâm lý, phong tục tập quán còn nặng nề việc thành lập khu phố đèn đỏ lúc này được cho là mạo hiểm dễ dẫn tới nguy cơ phát sinh những tiêu cực khác.
Nhưng việc xóa bỏ trại phục hồi nhân phẩm, không đưa gái bán dâm vào trại giáo dưỡng song lại xử phạt hành chính rồi cho hoạt động khiến cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý.
"Dù chúng ta không thừa nhận, nhưng chúng ta cũng không từ chối. Đối với gái mại dâm họ đã mặc nhiên coi việc nộp phạt đó là được công nhận. Vì nếu không công nhận thì phải cấm chứ sao lại phạt 100 - 200 ngàn rồi thả ra. Nghĩa là, họ nghiễm nhiên coi cứ nộp phạt là được hoạt động".
"Điều này, khiến ngay cả lực lượng công an cũng thấy chán nản cứ bắt vào vừa phạt lúc sau lại thấy hoạt động ngoài đường. Bắt mãi, đến lần thứ 2 - 3 thì chán cũng không muốn bắt nữa. Như vậy, cứ phạt theo quý, theo tháng, thỏa thuận đóng một cục cho nhanh", ông Hiền nói.
Ông Hiền cho biết, "cách đây mấy năm, Hà Nội có thực hiện viết thư tay thông báo cho gia đình có người đang hoạt động trong lĩnh vực này, tên tuổi, địa chỉ như thế này... để gia đình kết hợp giáo dục nhưng cũng bị phản đối nên bỏ".
Hà Nội thành lập cả liên ngành 178 chuyên phòng chống nạn mại dâm, nhưng giải pháp này cũng được coi là không theo kịp được hành vi mua-bán dâm.
Theo ông Hiền, Hà Nội có tính đến giải pháp phân loại hình thức mua - bán dâm để quản lý. Một là hình thức bán dâm tự nguyên; hai là bán dâm bị ép buộc. Với hình thức thứ nhất thì có thể xử lý mềm, tuyên truyền để họ bỏ dần còn hình thức thứ hai phải xử nghiêm.
Theo Đất Việt