Thomas Eric Duncan, 42 tuổi, nhiễm virus Ebola tại Liberia, được điều trị bằng thuốc thử nghiệm tại khu cách ly trong một bệnh viện tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã tử vong sáng ngày 8/10.
“Chúng tôi phải thông báo rằng Thomas Eric Duncan đã tử vong vào lúc 7 giờ 51 sáng”, phát ngôn viên của bệnh viện Giáo hội Trưởng lão Texas ở thành phố Dallas thông báo ngày 8/10.
Bệnh nhân Duncan đã tử vong tại một bệnh viện ở thành phố Dallas.
Thông báo được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường khả năng đối phó để chống lại đại dịch Ebola. “Thêm nhiều quốc gia có thể và phải nhập cuộc”, ông Kerry phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Anh Philip Hammond.
Mỹ cam kết đưa 4.000 quân nhân tới khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Ebola, trong khi Anh sẽ gửi 750 quân nhân tới Sierra Leone. Cho đến nay, dịch Ebola đã khiến 3.865 người tử vong, phần lớn tại Liberia, Sierra Leone và Guinea.
Duncan, làm lái xe cho một công ty chuyển phát ở Liberia, được phát hiện dương tính với virus Ebla tại Dallas vào ngày 30/9, 10 ngày sau khi đến Mỹ trên một chuyến bay từ Monrovia và quá cảnh tại Brussels.
Người đàn ông 42 tuổi này đã bị ốm vài ngày sau khi tới Mỹ. Thậm chí sau khi tới bệnh viện và nói với nhân viên y tế rằng ông đã từng ở Liberia, nhưng bệnh nhân vẫn được cho về nhà kèm theo thuốc kháng sinh. Bốn ngày sau đó, ông Duncan được đưa tới khu điều trị cách ly, nhưng tình hình sức khỏe của ông tiếp tục xấu đi và đầu tuần này ông được điều trị bằng thuốc thí nghiệm.
Ít nhất 10 người tiếp xúc với ông Duncan cũng đang được theo dõi đặc biệt. Trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên ngoài khu vực châu Phi cũng được xác nhận tại Tây Ban Nha. Nữ y tá Teresa Romero đã nhiễm bệnh sau khi điều trị cho một bệnh nhân nhiễm virus Ebola ở thủ đô Madrid.
Theo Khám phá