Vì việc làm của ông này gây phản cảm và tạo dư luận xấu.
Nhà đất có liên quan đến ông Truyền ở nhiều nơi được ủy ban Kiểm tra trung ương làm rõ - Đồ họa: V.Cường |
“Những gì chúng ta vừa nhìn thấy mới chỉ là tảng băng trôi”. Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương - nhận xét như vậy trước thông tin kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà đất đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ông Hương cũng cho rằng để ngăn chặn tình trạng này, cần phải chặt cái gốc đặc quyền, đặc lợi.
Tôi xin hỏi là cán bộ, công chức bình thường liệu có được cấp đất, được mua nhà giá rẻ, rồi được giao nhà công vụ giữa thủ đô mà về hưu ba năm sau mới trả lại như ông Trần Văn Truyền? Ông Nguyễn Đình Hương |
Phải có hình thức kỷ luật rõ ràng
* Thưa ông, ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận thì đã có đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi “có bao nhiêu ông Trần Văn Truyền?”. Ông có chia sẻ với cách đặt vấn đề như vậy?
- Thật đáng buồn là câu hỏi này hoàn toàn có cơ sở. Không riêng gì ông Trần Văn Truyền và không phải bây giờ. Từ thời bao cấp những chuyện không hay về nhà đất của một số cán bộ cấp cao đã âm ỉ trong dư luận.
Khoảng năm 1987, dư luận chấn động trước bài báo “sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy”, phản ánh việc một vị cán bộ hàm tương đương bộ trưởng chiếm dụng diện tích nhà ở quá tiêu chuẩn. Rồi sau này là dư luận về căn nhà số 6 Lý Thái Tổ (Hà Nội), về căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội)...
Đó là những vụ việc mà có lẽ nhắc đến thì người ta nhớ ngay. Nhưng chưa hết. Nếu nghiên cứu một cách có hệ thống thông báo các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhiều năm qua, chúng ta sẽ thấy còn nhiều quan chức ở các cấp khác nhau dính vấn đề đất đai.
Việc làm rõ câu hỏi “có bao nhiêu ông Trần Văn Truyền?” là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm sao để ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Mấy chục năm như vậy quá đủ rồi.
* Có ý kiến cho rằng cán bộ như ông Trần Văn Truyền thì khi đương chức đều phải kê khai tài sản hằng năm, nhưng khi ông về hưu và ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuộc mới phát hiện ông có nhiều nhà đất. Liệu có thể ngăn chặn tình trạng nêu trên bằng cách bịt kín các lỗ hổng trong kê khai tài sản?
- Nếu chúng ta xác minh nghiêm túc gần 1 triệu bản kê khai tài sản hiện nay, tôi nhấn mạnh là xác minh nghiêm túc, chắc chắn những gì chúng ta nhìn thấy mới chỉ là “tảng băng trôi”.
“Tảng băng chìm” ở đây không phải về vụ việc cụ thể chúng ta đang đề cập, nó nằm ở tình hình mà lâu nay các báo cáo chính thức đều thẳng thắn nêu lên là công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, trong đó biện pháp kê khai tài sản có hiệu quả thấp.
Cái chưa đạt yêu cầu chính là cái đang còn chìm xuống, chưa đưa ra trước ánh sáng pháp luật. Làm tốt biện pháp kê khai tài sản sẽ góp phần cho nó “nổi” lên.
Từ đặc quyền sinh ra đặc lợi
* Vậy theo ông, cần làm những việc cụ thể nào để bịt kín các kẽ hở trong kê khai tài sản hiện nay?
- Kinh nghiệm thế giới cho thấy giải pháp minh bạch tài sản, thu nhập chỉ phát huy hiệu quả trong một xã hội chủ yếu thanh toán qua tài khoản, ít dùng tiền mặt. Bản kê khai được cơ quan chống tham nhũng hoạt động độc lập xác minh theo kỳ hạn (một năm hoặc khi đối tượng có dấu hiệu vi phạm), đồng thời công bố rộng rãi bản kê khai cho người dân cùng giám sát.
Ba chữ “thường” Qua mấy chục năm, chúng ta có thể đúc kết ba chữ “thường” với những vụ việc kiểu như trên. Thứ nhất, thường liên quan đến một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Thứ hai, thường diễn ra “xuôi chèo mát mái” từ đầu. Nếu không có báo chí vào cuộc thì “đầu xuôi đuôi lọt”, nhưng vì dư luận lên tiếng nên người trong cuộc buộc phải chủ động trả lại công sản cho Nhà nước, hoặc cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi. Thứ ba, thường thì cuối cùng người có khuyết điểm, vi phạm không chịu chế tài nào cụ thể (ngoài việc tặc lưỡi giao lại cho Nhà nước những tài sản không phải của mình). Nhân đây, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền khi tiến hành quy trình kiểm điểm trách nhiệm ông Trần Văn Truyền cần có hình thức kỷ luật Đảng rõ ràng, bởi vì như ủy ban Kiểm tra trung ương xác định là những việc làm của ông Truyền đã gây phản cảm, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng. |
Vấn đề là ở ta đang có gần 1 triệu bản kê khai tài sản, không một tổ chức kiểm tra nào trên thế giới đủ nguồn lực kiểm tra 1 triệu trường hợp.
Và cần lưu ý rằng việc kiểm tra ông Trần Văn Truyền tiến hành trên cơ sở có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà đất. Các cán bộ, đảng viên khác sẽ hỏi rằng “tôi không có dấu hiệu vi phạm gì, căn cứ văn bản nào để kiểm tra tôi?”.
Phân tích như vậy để thấy rằng danh sách việc cần làm là khá dài, trước hết cần sửa đổi quy định để “khoanh vùng” diện bắt buộc xác minh. Nghĩa là làm có trọng tâm, trọng điểm chứ không phải phát động phong trào.
Đây là việc cần nhưng chưa đủ. Muốn chữa một cách cơ bản thì phải chặt cái gốc đặc quyền, đặc lợi.
* Ông muốn nói đến cơ chế tạo ra những ưu tiên mà thiếu kiểm tra, giám sát. Ví dụ như ông Trần Văn Truyền mặc dù nhà đất đã có nhưng vẫn được giải quyết cho thuê, mua nhà thêm?
- Cả cuộc đời tôi đã chứng kiến rất nhiều cán bộ, công chức bình thường làm lụng 10 năm, 20 năm mới mua được căn hộ nho nhỏ trên dưới 50m2.
Tôi xin hỏi là cán bộ, công chức bình thường liệu có được cấp đất, được mua nhà giá rẻ, rồi được giao nhà công vụ giữa thủ đô mà về hưu ba năm sau mới trả lại như ông Trần Văn Truyền? Hàng triệu công chức, viên chức, người lao động đang ở nhà thuê nghĩ gì khi đọc danh sách nhà đất liên quan đến ông Truyền? Rõ ràng là đặc quyền, đặc lợi.
Chúng ta hãy thẳng thắn với nhau, tự hỏi xem vào các thời điểm năm 2002, 2003 và 2011 như trong kết luận của ủy ban Kiểm tra trung ương, nếu là một người khác không có chức vụ gì thì có được giải quyết cho làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê nhà, cho mua nhà dễ dàng như thế?
Vào năm 2011, khi nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ sắp hết nhiệm kỳ, đã trải qua nhiều năm giữ chức vụ cấp cao ở trung ương và địa phương mà lại làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở thì có hợp lý không? Có phải từ đặc quyền sinh ra đặc lợi?
Kiểm soát quyền lực
* Ông có đề xuất nào để chặt cái gốc đặc quyền, đặc lợi?
- Vừa qua sau khi có nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng, tôi đã viết thư gửi cấp có thẩm quyền để đấu tranh với tình trạng đặc quyền, đặc lợi, liên quan đến việc phân nhà, phân đất. Cần khẳng định rằng đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, chúng ta có nhiều tấm gương đảng viên trong sáng, thanh liêm.
Đơn cử như đồng chí Trần Kiên (nguyên chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra trung ương), khi nghỉ hưu ông trả ngay căn biệt thự hai tầng tại Hà Nội, về quê bỏ tiền túi xây nhà cấp bốn.
Nhưng thực tế đã chứng minh không phải với bất cứ ai sự gương mẫu cũng song hành với chức quyền.
Nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ thấy rằng đặc quyền, đặc lợi là vấn đề lớn, tạo ra hố ngăn cách giữa một nhóm cán bộ và người dân bình thường, gây bức xúc xã hội. Tôi không nói ở ta cũng như vậy.
Nhưng qua các vụ việc đã phát hiện hoặc trong nội bộ đã biết, rõ ràng cần phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học để đấu tranh ngăn chặn đặc quyền, đặc lợi. Đầu tiên là xác lập bộ máy tinh gọn, chế độ tiền lương hợp lý. Đồng thời rà soát và công khai, minh bạch các chế độ hiện hành dành cho cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao với tinh thần “không có vùng cấm” để nhân dân giám sát.
Đã từ lâu chúng ta thực hiện chủ trương xóa bỏ bao cấp nhà ở, khi cần thiết cán bộ được bố trí ở nhà công vụ. Không được xóa bao cấp với đa số, nhưng lại tạo chế độ ưu tiên cho thiểu số.
* Là người làm công tác tổ chức lâu năm, ông nhìn nhận vụ việc này như thế nào từ góc độ quản lý cán bộ?
- Một là người ở vị trí của ông Trần Văn Truyền lẽ ra phải như Bao Công, nhưng lại có những việc làm thiếu gương mẫu.
Hai là từ thời ông Truyền còn công tác cũng như sau này về hưu, tôi đã nghe dư luận phản ánh vấn đề nhà đất và bổ nhiệm cán bộ, nhưng trong nội bộ cơ quan với đầy đủ các tổ chức, các ban bệ không có sự đấu tranh, phê bình cần thiết.
Ba là ông Trần Văn Truyền thuộc diện cán bộ cấp cao, nhưng trong thời gian dài cơ quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quản lý ông Truyền không phát hiện những khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà đất của ông này. Hoặc có phát hiện nhưng không kiên quyết tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm xử lý, để kéo dài gây dư luận xấu.
Đây là bài học lớn đối với công tác quản lý cán bộ.
Vừa qua chúng ta đã xác lập nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cần phải tăng cường các công cụ để đại biểu dân cử và người dân kiểm soát quyền lực, kiểm soát việc sử dụng tài chính, sử dụng ngân sách và tài sản công một cách hữu hiệu hơn.
Tạo thêm nguyên tắc kiểm soát giữa các cán bộ bằng tranh cử trong Đảng một cách đúng hướng. Ứng cử viên được trình bày những ưu điểm trong chương trình hành động của mình, đồng thời được chỉ ra các khuyết điểm (có thể là về nhà đất) của ứng cử viên khác theo đúng quy định pháp luật.
Ông Trần Văn Ngẫu (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, từ năm 1991-1997): Việc bán nhà có nhiều vi phạm Việc UBND tỉnh Bến Tre bán căn nhà số 6 Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre cho ông Trần Văn Truyền căn cứ theo nghị định 61/CP cần phải làm rõ ba việc như: ông Truyền có phải là đối tượng nằm trong quy định tại nghị định 61/CP được phép mua căn nhà này không, căn nhà trên có nằm trong những trường hợp mà nghị định quy định không được bán hay không, quy trình bán căn nhà trên có được lập kế hoạch và đưa ra HĐND thảo luận thông qua hay không. Tôi cho rằng nếu chiếu theo những nội dung trên thì việc bán và mua căn nhà trên có rất nhiều vi phạm. Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương có nêu trước khi ông Truyền nhận nhà, Công ty Xây dựng và phát triển nhà Bến Tre đã sửa chữa, cải tạo mới lại căn nhà số 6 Lê Quý Đôn với tổng kinh phí hơn 413 triệu đồng. Thế nhưng khi nhận căn nhà này ông Truyền chỉ phải trả Nhà nước gần 178 triệu đồng (có miễn giảm hơn 76 triệu đồng) - thấp hơn cả số tiền bỏ ra sửa chữa trước đó. Điều này thật là phi lý! |
Theo TTO