Hình ảnh vệ tinh hôm 14/11 cho thấy Trung Quốc đang có hoạt động cải tạo đất trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: IHS Jane's. |
"Chúng tôi cần thiết lập căn cứ hạ tầng để hỗ trợ hệ thống radar và hoạt động thu thập thông tin tình báo của mình", Asahi Shimbun, nhật báo lớn thứ hai của Nhật Bản, dẫn lời ông Jin Zhirui, sĩ quan cao cấp thuộc Tổng bộ quân chủng Không quân Trung Quốc, hôm qua nói tại Diễn đàn Xiangshan, một diễn đàn đối thoại về các vấn đề an ninh quốc gia, nơi có sự tham gia của giới quân sự một số nước và Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là đang thực hiện viêc cải tạo tại 6 đến 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam,trong đó có các đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven...
IHS Janes's, một tạp chí về quốc phòng, hôm 20/11 đưa tin Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên bãi đá Chữ Thập, dài ít nhất 3.000 mét rộng khoảng 200 đến 300 mét. Chuyên gia đánh giá, đảo nhân tạo này đủ lớn để xây dựng sân bay.
Ông Jin là người có nhiều kinh nghiệm trong không quân Trung Quốc, đang giảng dạy tại trường Sĩ quan Không quân, đơn vị được cho là đã xây dựng kế hoạch thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, bao phủ cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nơi đang xảy ra tranh chấp với Nhật Bản.
Asahi Shimbun đánh giá, việc một quan chức quân đội có kinh nghiệm hoạt động trong không quân như Jin đứng ra giải thích trực tiếp trước báo giới nước ngoài về những động thái trên Biển Đông của Bắc Kinh là một điều bất thường.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lên vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei. Tuyên bố vô căn cứ đó không được các bên liên quan chấp nhận.
Quanh việc Bắc Kinh tự ý cải tạo mở rộng bãi đá Chữ Thập, trung tá Jeffrey Pool, phát ngôn viên quốc phòng Mỹ, "kêu gọi Trung Quốc dừng chương trình cải tạo đất và tham gia vào những sáng kiến ngoại giao để thúc đẩy tất cả các bên kiềm chế trong loại hoạt động này".
Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Công hàm nêu rõ Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo VnExpress