"Nhiều người có chức quyền trốn tránh cho con đi nghĩa vụ quân sự"

Thứ bảy, 22/11/2014, 07:41
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Rinh nói: “Nhiều công dân tìm cách để trốn trách nghĩa vụ của mình với Tổ quốc. Nhiều người có chức có quyền tìm mọi cách trốn tránh cho con em đi nghĩa vụ quân sự”.

Thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) trước Quốc hội ngày 21/11, đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, Luật hiện hành không thu hút được nhân tài đất nước phục vụ cho quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Trong khi đó, trước đây quân đội cung cấp rất nhiều nhân tài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng...

 - 1

Đa số đại biểu tán thành với đề xuất nâng tuổi gọi nhập ngũ đến 27 tuổi.

“Nhiều công dân tìm cách để trốn trách nghĩa vụ của mình với Tổ quốc. Nhiều người có chức có quyền tìm mọi cách trốn tránh cho con em đi nghĩa vụ quân sự”, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Ông Rinh cũng cho rằng thực tế hiện nay, chỉ có người thất nghiệp, con em nông dân, con em người dân tộc mới đi nghĩa vụ quân sự. Điều này khiến dư luận xã hội rất bức xúc.

Do vậy, ông cho rằng, sửa luật lần này phải động viên, thu hút thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự. Luật này sửa đổi phải đảm bảo công bằng xã hội, phù hợp với các luật khác. Cần phải bàn luận kỹ để luật có thời gian sống dài hơn. Đặc biệt là chính sách liên quan đến quyền lợi cho thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng cần có quy định để đảm bảo sự công bằng xã hội trong việc bảo vệ Tổ quốc, vì hiện nay số lượng công dân nhập ngũ ít, đa phần là không nhập ngũ, cũng không thực hiện trách nhiệm gì với nhà nước.

Đại biểu Phạm Hồng Hương (Hải Dương) đồng tình với quy định thống nhất nâng thời hạn phục vụ tại ngũ 24 tháng.

Theo đại biểu, trước diễn biến khó lường của tình hình khu vực và thế giới thời gian qua, đặc biệt là những lập trường của những nước lớn về lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc. Họ bất chấp cả luật pháp quốc tế xâm hại đến chủ quyền của các quốc gia dân tộc khác.

Với những nước có tham vọng, họ dành ngân sách rất lớn tăng cường sức mạnh quân sự nhằm mục đích tấn công. Với các nước nhỏ, phải tìm kiếm sức mạnh quân sự trong phạm vi có thể.

Đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam không có tham vọng nhòm ngó chủ quyền lãnh thổ của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hoà bình, tự vệ. Tuy nhiên, trước những nguy cơ, thách thức đang trực tiếp đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc... Việt Nam không thể không tăng cường tiềm lực quốc phòng, cũng không thể không nghĩ đến việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng xây dựng quân đội.

Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), Phạm Văn Tam (Hà Nam)  đều cho rằng, thời hạn phục vụ tại ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình là 24 tháng là hợp lý. Theo các đại biểu, thời gian tại ngũ như vậy, các quân nhân mới đáp ứng được mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội.

Cũng tại phiên thảo luận, đa số đại biểu tán thành với đề xuất nâng tuổi gọi nhập ngũ đến 27 tuổi theo quy định trong dự thảo Luật.

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn